Phóng to |
Kiểm soát hải quan ở biên giới Đan Mạch - Đức ngày 12-5 - Ảnh: AFP |
Luisa đang nói như hét để át tiếng ồn từ tàu điện ngầm. Luisa là người Đức, sinh trưởng ở Đông Berlin, tức thuộc CHDC Đức cũ. Tôi quen Luisa từ năm 1989, vài ngày sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Từ thời đó, chúng tôi đã trải qua nhiều tháng đi làm việc ở khu vực Đông Âu đầy biến động. Chẳng hề có chút khó khăn gì khi qua biên giới các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary...
Giờ đây đã là giáo sư, Luisa vẫn yêu cuộc đời, yêu công việc, đặc biệt là yêu châu Âu phồn thịnh và đầy tính xã hội. Và Luisa không phải là người duy nhất lo cho tương lai của một châu Âu không biên giới.
“Tự do đi lại của người dân đối với châu Âu cũng như các chân móng của tòa nhà, dỡ chúng đi thì tất cả sẽ sụp đổ!”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso từng ví von như thế để nói về tầm quan trọng của những thỏa thuận đã đạt được giữa các thành viên trong cộng đồng châu Âu.
Bà Viviane Reding, cao ủy phụ trách tư pháp và bà Cecilia Malmström, cao ủy phụ trách đối nội của EC, từng có ý kiến trên diễn đàn của nhật báo Le Monde hôm 6-5: “Cùng với đồng euro, tự do đi lại trong châu Âu là quyền bất khả xâm phạm và quý giá nhất trong 60 năm hội nhập của châu Âu vừa qua. Lịch sử của chúng ta có từ máu của những người đã hi sinh bản thân để chiến đấu bảo vệ lãnh thổ này. Sau Thế chiến thứ hai, chúng ta đã bị chia cắt bằng những bức tường dây thép gai có binh sĩ vũ trang bảo vệ. Thế mà giờ đây chúng ta thậm chí không cần đến hộ chiếu để đi khắp châu lục này...”. Nói tóm lại, Liên minh châu Âu cần bảo vệ điểm thành công nhất của quá trình hội nhập của mình: quyền tự do đi lại của công dân!
Tiếc thay, thành công đó có dấu hiệu bị đe dọa từ ảnh hưởng, trong vài năm qua, của tinh thần cực hữu trong đời sống chính trị của nhiều quốc gia châu Âu.
Chẳng hạn Đảng Nhân dân Đan Mạch (DF) là lực lượng dẫn đến quyết định khôi phục kiểm soát ở khu vực biên giới với Đức và Đan Mạch vào cuối tháng 5 này. Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Claus Hjort Frederiksen cho biết chính quyền sẽ dựng các trạm hải quan ở cửa khẩu, hải cảng và sân bay. Chính thức mà nói, ông Frederiksen khẳng định tội phạm xuyên biên giới, từ ma túy, buôn người, rửa tiền... là nguyên nhân đẩy Đan Mạch vào thế buộc phải kiểm soát biên giới.
Chính quyền trung hữu Đan Mạch đã lên kế hoạch đầu tư 20 triệu euro để huy động thêm nhân viên hải quan và lắp đặt thiết bị theo dõi nhằm kiểm tra xe cộ và người qua lại ở các cửa khẩu. Tuy nhiên phía Đan Mạch cam kết đảm bảo kiểm tra hải quan không đồng nghĩa với kiểm soát hộ chiếu người đi lại để tuân thủ hiệp ước Schengen. Ông Frederiksen cũng cho biết các nhân viên hải quan Đan Mạch sẽ chỉ kiểm tra ngẫu nhiên người qua lại biên giới.
Nhìn lui lại một chút cũng thấy rằng từ năm 2010, các đảng có tư tưởng chống người nước ngoài và người Hồi giáo đã thắng lợi nhiều hơn trong các cuộc bầu cử ở châu Âu. Hiện chỉ Ý mới có Liên đoàn phương Bắc là lực lượng cực hữu có tham gia trực tiếp trong chính quyền. Nhưng ở nhiều nước khác như Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ và Phần Lan, lực lượng cực hữu đang có tiếng nói có trọng lượng đối với các chính phủ thiểu số.
Ở Áo và Pháp, thành phần này cũng đang lớn mạnh mỗi ngày. Chính lực lượng đó đang kích thích các lực lượng cánh hữu vốn có mặt trong phần lớn chính phủ ở châu Âu, có tiếng nói cứng rắn hơn trong các vấn đề nhạy cảm lâu nay: nhập cư, vị trí của đạo Hồi, số phận đồng euro, công cuộc xây dựng châu Âu hợp nhất.
Ở Pháp, tư tưởng và ảnh hưởng của Đảng Mặt trận quốc gia của gia đình Le Pen không phải không có những tác động nhất định đối với các chính sách của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Chính nước Pháp từng đưa ra vấn đề an ninh biên giới và tình trạng tham nhũng để ngăn cản Romania và Bulgaria tham gia không gian tự do Schengen.
Cuộc tranh luận dữ dội giữa Paris và Rome về số phận của 25.000 người di dân Tunisia càng làm lung lay quy ước về không gian tự do đi lại cho mọi công dân. Đúng là hiệp ước Schengen có cho phép các quốc gia thành viên, trong một số tình huống rất đặc biệt, có quyền tái lập việc kiểm tra ở biên giới trong thời hạn nhất định. Nhưng vấn đề là tình huống đặc biệt không nên trở thành quy tắc.
Tiếc thay trong cuộc họp giữa các bộ trưởng nội vụ EU ở Brussels hôm 12-5, đại diện 15 nước đã bỏ phiếu ủng hộ việc tạm thời triển khai lại an ninh biên phòng để đối phó với làn sóng nhập cư ồ ạt từ Trung Đông và Bắc Phi, hoặc trong trường hợp một quốc gia EU không thể kiểm soát được biên giới với một nước ngoài EU.
Ở Thụy Sĩ cũng bắt đầu có những tiếng nói mạnh mẽ đòi kiểm soát giấy tờ tại biên giới và rút khỏi hiệp ước Schengen.
Ở châu Âu đã có những bước dợm chân trở lui. Những người như tôi, như Luisa sẽ rất buồn nhưng đành bất lực...
Hiệp ước Schengen về quyền tự do đi lại của các nước thành viên EU có 25 quốc gia ở châu Âu tham gia. Trong số 25 quốc gia đó chỉ có 22 nước đang thuộc EU và ba thành viên không thuộc EU là Iceland, Na Uy và Thụy Sĩ. Năm thành viên của EU không tham gia Schengen là Anh, Ireland, Romania, Bulgaria và Cyprus. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận