Phóng to |
Bờ xe nước sông Trà - bức ảnh tròm trèm 36 tuổi của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Trinh |
Ký ức thợ bờ xe
Bờ xe nước trên sông Trà Khúc là một biểu tượng độc đáo của người xứ Quảng trong việc ngăn sông dẫn thủy nhập điền. |
Theo ông Bảy, để làm một bờ xe nước có chín hoặc 10 bánh, mỗi bánh xe có đường kính 4 m, tưới cho khoảng 70 ha phải mất 4.000-5.000 cây tre và vô số dây rừng. Do vậy, để có bờ xe tưới nước cho ruộng lúa vào mùa xuân, mùa hạ, từ tháng 6, tháng 7, ông Bảy cùng những người thợ kết bè tre ngược sông Trà tìm đến những bản làng đồng bào dân tộc H’re ở Sơn Hà, Ba Tơ mua từng đám tre, chặt kết bè thả trôi trên sông về xuôi. Họ chọn những gò cao để tập kết tre, tránh nước lũ (dâng cao nhất vào trước hoặc sau 23-10 âm lịch hàng năm) rồi đêm ngày đan, vót.
Đến sau lũ 23-10 âm lịch hàng năm, họ mới xuống sông Trà khảo sát lại một lần nữa chỗ đặt bờ xe. Sau đó, họ chở từng bè tre ra sông và mang vồ để đóng cọc tre làm bờ cừ cho nước dâng lên. Ông Đông nói: “Hồi đó, nước sông Trà lạnh lắm. Nhưng e hèm, cứ ăn uống no nê rồi làm thêm xị rượu, nghỉ ngơi trong chốc lát rồi khoa tay múa chân để khỏi bị co rút là nhảy ùm xuống sông lặn đóng cọc. Đóng xong rồi mới lắp đặt bờ xe. Nghề làm bờ xe cực nhọc lắm và cũng đòi hỏi kỹ thuật thủ công khá cao để tránh sự cong vênh ảnh hưởng đến tốc độ quay của bờ xe”.
“Làm xe ba tấm mành mành Bao giờ xe chạy mới lành tấm thân.”
Ông Bảy đọc dở câu thơ rồi tiếp lời: “Nghề làm bờ xe nhọc nhằn và đòi hỏi tính toán cụ thể nên người dân bên sông Trà tôn vinh, gọi người chỉ huy làm bờ xe là ông “trùm”. Dưới ông “trùm” là ông “trọn” rồi mới đến ông “rẽ” (tức thợ bờ xe)”.
Cũng theo ông Bảy, mặc dù làm bờ xe nước tốn nhiều công sức nhưng trên dòng sông Trà Khúc xưa tính từ xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa) - cách TP Quảng Ngãi 20 km về đến ngã tư Ba La (nay là xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) có đến 52 bờ xe nước. Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa địa phương Phạm Trung Việt (tác giả cuốn sách Non nước xứ Quảng) thì ở Quảng Ngãi, việc xây dựng bờ xe nước chỉ có trên sông Trà Khúc và sông Vệ. Năm 1960, trên hai dòng sông này có đến 110 bờ xe nước, đảm bảo nguồn nước tưới cho 4.500 ha ruộng lúa và tô điểm cho vẻ đẹp của dòng sông quê hương.
Phóng to |
Ông Sơn - thợ bờ xe nói: “Hồi có bờ xe nước, con sông Trà Khúc không cạn kiệt như bây giờ. Trên dòng sông, các loài thủy sinh mà bây giờ là đặc sản của Quảng Ngãi như cá bống, cá thài bai và cuối dòng sông con don cũng nhiều hơn. Con cá gáy (cá chép), cá chẽm cũng to hơn nhiều”.
Nhưng rồi bờ xe nước sông Trà đã trở thành hoài niệm khi công trình Thạch Nham ngăn sông Trà được hoàn thành, dẫn nguồn nước tưới cho trên 30.000 ha lúa và hoa màu. Những người thợ bờ xe vui vì có công trình xây dựng mới nhưng vắng bờ xe mà nhiều đời từng gắn bó, ai mà chẳng buồn. Rồi theo tháng năm, nhiều thợ bờ xe về với cõi vĩnh hằng. Kíp thợ bờ xe ở xóm Vạn bây giờ hầu như ai cũng đã trên 70 tuổi. Riêng ông Nguyễn Văn Lai (tức “trùm” Lai) đã ngoài 80 tuổi, bị tai biến phải nằm một chỗ.
Bờ xe nước - cảm hứng của âm nhạc và nhiếp ảnh
Đã có nhiều nhạc sĩ, thi sĩ, nhà nhiếp ảnh của nhiều thế hệ lấy bờ xe làm cảm hứng sáng tác. Nhạc sĩ Trương Quang Lục (quê Quảng Ngãi) trong ca khúc nổi tiếng Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường cũng chẳng quên “tiếng hát bờ xe ven sông Trà Khúc” thật tha thiết. Bởi trong ông, sông Trà của ký ức tuổi thơ là hình ảnh con sông quê nhà với bờ xe nước đêm ngày rì rào bên sông. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Trinh thì may mắn có được bức ảnh bờ xe nước sông Trà tròm trèm 36 tuổi, được trưng bày trong nhiều triển lãm ảnh của quê hương, được nhiều người Quảng Ngãi xa quê treo trang trọng trong phòng khách.
Anh kể: “Năm 1960, rời làng biển Đức Lợi, huyện Mộ Đức ra TP Quảng Ngãi học hành rồi quen với bạn có máy ảnh nên tập tò chụp ảnh chơi”.
Có những hôm đạp xe qua cầu Trà Khúc trò chuyện với những người thợ bờ xe, anh Trinh mê khúc sông quê, mê bờ xe nước. Nhưng mê thế thôi chứ chụp ảnh cảnh bờ xe nước quay đều, quay đều chậm rãi đưa nước lên đồng lúc đó rất khó vì lính gác cầu sợ bộ đội, du kích cải trang thành người chụp ảnh đặt bộc phá phá cầu nên canh giữ riệt. Tình cờ có người ở Sài Gòn ra Quảng Ngãi nhìn bờ xe nước sông Trà thích lắm nên can thiệp với lính giữ cầu rồi thuê anh đi chụp ảnh bờ xe nước. Anh Trinh kể: “Lúc chụp khoảng 10 giờ, ánh sáng không thuận cho lắm và lính giữ cầu chỉ cho phép bấm máy ba lần nên mình chuyển khẩu độ, tốc độ và cỡ cảnh khác nhau để về chọn”.
Sau khi tráng phim, làm ảnh, anh Trinh mang 10 tấm ảnh đến giao cho người thuê anh chụp. Ông ấy hỏi chuyện tiền công nhưng đáp lại anh chỉ cười: “Chụp được bức ảnh mà mình ưng ý là vui nên những bức ảnh này tôi biếu không cho ông”.
Phóng to |
Rồi như đã nói, năm 1985 tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành việc ngăn sông Trà xây đập dâng Thạch Nham để lấy nước tưới cho 30.000 ha ruộng lúa, hoa màu nên bờ xe nước sông Trà xem như đã chấm dứt vai trò lịch sử của mình. Cũng chính vì vậy, bức ảnh bờ xe nước sông Trà ngẫu nhiên trở thành hình ảnh độc đáo và càng có giá trị theo thời gian. Với anh Trinh, cũng từ bản phim này, anh đem sang ảnh để treo và bạn bè ai thích thì anh tặng làm kỷ niệm. Rồi bức ảnh đã được ngành văn hóa thông tin chọn để treo trong những kỳ triển lãm ảnh. Nhiều người Quảng Ngãi xa quê, Việt kiều tìm đến xin hoặc mua để làm kỷ niệm.
Bao giờ phục dựng bờ xe?
Theo dự kiến, năm 2009 này, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đập dâng bằng cao su ở cách cầu Trà Khúc mới chừng 1 km về hướng đông nhằm làm cho sông Trà Khúc luôn đầy nước và sẽ phục hồi một vài bờ xe nước bên sông để tạo cảnh quan, môi trường cho thành phố. Còn theo quy hoạch mở rộng TP Quảng Ngãi thì dòng sông Trà (có cả bờ xe nước) sẽ nằm giữa lòng thành phố. Người Quảng Ngãi nghe quy hoạch này ai cũng phấn khởi trầm trồ, nhất là những người thợ bờ xe bên sông Trà Khúc. Ở tuổi gần đất xa trời, ai mà chẳng muốn phục hồi bờ xe nước mà nhiều thế hệ cha ông và chính họ từng gắn bó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận