Tác phẩm Nàng ấy (màu tự nhiên trên giấy dó) của Phan Cẩm Thượng
Cái tinh thần nông dân Việt Nam đã hình thành một lối thẩm mỹ thô mộc bên ngoài, tinh tế bên trong rất cao trong việc phát triển nghệ thuật.
Triển lãm diễn ra ở không gian nghệ thuật The Muse (47 Tràng Tiền, Hà Nội), trưng bày 20 bức tranh màu tự nhiên trên giấy dó ông vẽ vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2021 phải ở nhà vì dịch bệnh.
Các tác phẩm tập trung miêu tả sinh hoạt cung đình (thông qua phục trang, ăn mặc, quần áo, hoa văn, đầu tóc, mũ mão, giày dép) và các quan hệ tình cảm thông thường trong cung đình Lê Trịnh.
Nhiều người sẽ xúc động khi xem những bức tranh vẽ người phụ nữ xưa ở nhà chờ đợi người đi xa, đêm đêm mang tấm áo người đi vắng mà "đắp lấy hơi", hay bức vẽ người xưa soi gương không chỉ để ngắm sửa dung nhan mà còn là soi sửa thân tâm mình, hay bức vẽ nỗi cô đơn của những cung nữ...
Tác phẩm Con rồng của Phan Cẩm Thượng
Xem tranh ông, người ta thấy trong đó không chỉ tâm tình người Việt xưa mà còn là văn hóa, tập tục của người Việt bao đời.
Dịp này, ông dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện về con đường hội họa của ông và cả những suy tư về nghệ thuật của người Việt.
Tác phẩm Áo xiêm của Phan Cẩm Thượng
Chúng ta bỏ phí 2.000 năm mỹ thuật dân tộc
* Công chúng số đông biết đến ông như một nhà nghiên cứu mỹ thuật và văn hóa có nhiều thành tựu hơn là một họa sĩ nên đã bất ngờ khi xem triển lãm lần này. Ông đã đến với hội họa như thế nào?
- Tôi thích vẽ từ nhỏ, do trong nhà có nhiều người biết vẽ và nhiều tranh. Có bộ sách Giới tử viên họa truyền, một bộ sách đời Thanh, được coi là giáo khoa thư của hội họa phương Đông, chúng tôi tập vẽ theo sách đó và học vẽ theo những bộ truyện tranh liên hoàn như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử.
Thời phổ thông tôi học vẽ trong nhà trường. Mùa hè, khối phố có tổ chức cho thiếu niên và thiếu nhi học vẽ, nhạc, thể thao. Thầy dạy chúng tôi là họa sĩ theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Vũ Đăng Bốn - người hàng xóm nhà tôi.
Thời kỳ tôi ở trong quân ngũ, có hai họa sĩ là Văn Giáo và Đặng Chung đến sáng tác. Họ ở cùng tôi nên tôi được nghe họ nói nhiều chuyện về hội họa, nghệ thuật.
Sau khi xuất ngũ, tôi cũng không hề có ý nghĩ thi vào trường mỹ thuật. Nhưng lại một bác hàng xóm làm quản lý bếp ăn của Trường Yết Kiêu gợi ý cho tôi thi vào khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật, chủ yếu là thi văn sử và một môn viết về mỹ thuật. Đây là bước ngoặt bất ngờ, nên tôi đã vào giới mỹ thuật.
Khi đi học và làm giáo viên ở trường mỹ thuật, tôi tập trung viết nghiên cứu. Nhưng lúc đó cô Giáng Hương - hiệu phó - nói tôi nên đến các lớp vẽ hình họa để phục vụ cho việc viết được tốt.
Nhờ cô Giáng Hương mà tôi cũng luyện được môn đó. Nhưng sau này nghiên cứu tôi thấy nước ta có ít nhất hơn 2.000 năm phát triển mỹ thuật, đến năm 1925 mới du nhập lối vẽ phương Tây, vậy tại sao lại bỏ lối tạo hình có sẵn từ truyền thống. Tôi lập tức quay sang thực hiện cái này.
Tác phẩm Soi gương của Phan Cẩm Thượng
* Triển lãm của ông vẽ về tập tục và phục trang cung đình thế kỷ 17, và trước đây là những bức tranh về hội lễ, tôn giáo, sinh hoạt dân dã. Điều gì khiến ông say mê với văn hóa dân tộc đến vậy?
- Văn hóa dân tộc là một kho tàng giàu có, có điều nó không hiển hiện như sách vở và bảo tàng phương Tây nên các nghệ sĩ thường có xu hướng hướng ra bên ngoài.
Phương pháp tạo hình phương Tây cũng chính thức được giảng dạy tại Việt Nam từ năm 1925, từ đó chúng ta bỏ phí 2.000 năm mỹ thuật dân tộc, bỏ qua phương pháp tạo hình của nó. Tôi quay về với cái đó, giống như được cổ nhân tiếp xúc. Mỗi bước đi là mỗi lần khai thác cái mỏ nào đó, lần này thì là cái mỏ phục trang cung đình thế kỷ 17.
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại xưởng vẽ của ông ở Hà Nội năm 2022 - Ảnh: T.ĐIỂU
"Cao sang trong vẻ thô lậu"
* Với triển lãm này, ông hầu như vẽ về phụ nữ xưa với váy áo, gương lược, đôi hài xanh và những tâm tình tưởng chẳng liên quan gì tới đời sống gấp gáp, chen chúc ngoài kia, hay thực ra nó lại rất liên quan?
- Phụ nữ thời nào thì cũng soi gương, sắm áo quần, chuộng thời trang. Đó chính là tính bất biến của bản chất con người. Với tôi, phụ nữ mang đặc tính nguyên thủy nhiều nhất, ít tính chính trị nhất, tôi thích sự bất biến có tính bản thể này. Mặt khác thì thời trang lại phát triển có tính tiệm tiến và lặp lại. Váy ngắn mãi, ngắn mãi cho đến khi không ngắn được nữa thì lại dài ra.
Đôi bức tôi cũng vẽ lồng thời trang xưa và nay để so sánh xem thế nào, còn cái người mặc thời trang thì vẫn là cô gái ấy thôi.
Chủ đề túi trầu, gương lược, khăn áo là biểu hiện của nữ tính, đức hạnh, vẻ đẹp bên ngoài chứa đựng nỗi niềm bên trong. Như câu "Áo xông hương của chàng vắt mắc/ Đêm em nằm em đắp lấy hơi/ Gửi khăn gửi túi gửi lời/ Gửi đôi chàng mạng cho người đường xa". Khi người yêu đi xa, cô ta gửi hết tư trang cho chàng ý nói rằng mình không đi đâu, sẽ đóng cửa đợi, nhớ nhung thì lấy cái áo của chàng ra đắp.
Tác phẩm Hài xanh của Phan Cẩm Thượng
* Ông đã từng tự học và thực hành lối vẽ thủy mặc của người Trung Quốc, rồi sau này học lối vẽ Tây phương ở trường mỹ thuật, nhưng cuối cùng từ bỏ cả để trở về với lối tạo hình truyền thống của người Việt đã có từ hàng ngàn năm. Cuối cùng vẫn cứ là sự đắm đuối với vốn cổ của cha ông...
- Cũng mất nhiều thời gian để nhận ra điều đó vì vẽ thủy mặc, viết thư pháp cuối cùng cũng là vay mượn mà chẳng bằng người ta. Tôi nhận thấy trong đình chùa Việt Nam, ngoài cái phần chữ Hán thì rất thuần Việt, mà chữ Hán về hình thức đã được Việt hóa ở mức độ tinh thần.
Cái tinh thần nông dân Việt Nam đã hình thành một lối thẩm mỹ thô mộc bên ngoài, tinh tế bên trong rất cao trong việc phát triển nghệ thuật. Mà chính người Trung Hoa cũng tổng kết "Cao sang trong vẻ thô lậu" là tiêu chí đặc biệt của nghệ thuật.
Tôi vào nghệ thuật muộn hơn so với đồng nghiệp vì còn đi bộ đội, học phê bình, nghiên cứu, sau cùng mới vẽ, nên cứ thong thả cóp nhặt, suy nghĩ xem nên thế nào, vừa làm vừa học. Cũng mạnh dạn bỏ đi cái gì không lâu dài.
Nghệ thuật là con đường rất dài, cần lựa chọn hành trang, không nên nặng quá, ít thôi nhưng theo được hết quãng đường. Và với tôi, có lẽ văn hóa truyền thống vừa là phương tiện vừa là mục đích.
Tác phẩm Quận chúa áo xanh của Phan Cẩm Thượng
Nghệ thuật đang mất đi vai trò xã hội
* Vẽ chiếm vị thế ra sao đối với ông, ngoài ý nghĩa nó đã nuôi sống sự nghiệp phê bình và nghiên cứu của ông?
- Về thực tế, tôi đã không làm phê bình nữa. Nền phê bình nghệ thuật nói chung có vẻ đang chết rồi. Báo chí từng đặt ra câu hỏi này, nhưng câu trả lời thì chung chung, tóm lại là không có tiền thì nghề gì cũng chết.
Bên cạnh đó thì nghệ thuật đang mất đi vai trò xã hội, mà thu hẹp vào hoạt động cá nhân của nghệ sĩ. (Cái này cần bàn ở một chủ đề khác). Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp rút vào đời sống cá nhân, làm được cái gì tốt thì làm, vẽ vừa vui vừa có thể tạo ra đời sống tốt hơn (có thu nhập).
Ngược lại với phê bình thì hội họa và thị trường hội họa cũng đang có nhiều cơ hội, nhất là thị trường hội họa Đông Dương, nhờ thế các mặt khác cũng được ăn theo. Tôi vẫn nghiên cứu về văn hóa truyền thống và tư liệu đó giúp cho việc vẽ cũng rất phong phú.
Có thể nói, phải sống đến mấy trăm năm nữa mới khai thác hết những vốn văn hóa dân tộc, cho nên không tội gì phí hoài.
Con người thì xưa và nay về bản chất vẫn vậy, nhân duyên và số phận vẫn là những câu hỏi lớn. Còn xưa và nay khác nhau chỉ ở bề ngoài, về chính trị, khoa học và cấu trúc xã hội, còn bản chất nhân văn mà nghệ thuật đề cập mang tính bất biến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận