16/02/2007 17:42 GMT+7

Về Bút Tháp cùng Phan Cẩm Thượng

NGUYÊN NGỌC
NGUYÊN NGỌC

TTXuân - Tôi quen anh Phan Cẩm Thượng được vài tháng thì anh rủ tôi đi thăm chùa Bút Tháp, hỏi tôi có thời gian ở được vài ba hôm không? Tôi ngạc nhiên: Ta ở lại đâu? Anh cười: Thì ở chùa, anh có ở chùa được không?... Về sau tôi mới để ý: khi nói về tôi thì anh gọi là “đi”, còn khi tự nói về mình thì anh bảo là “về”.

fZM6wyci.jpgPhóng to
Tháp Bảo Nghiêm
TTXuân - Tôi quen anh Phan Cẩm Thượng được vài tháng thì anh rủ tôi đi thăm chùa Bút Tháp, hỏi tôi có thời gian ở được vài ba hôm không? Tôi ngạc nhiên: Ta ở lại đâu? Anh cười: Thì ở chùa, anh có ở chùa được không?... Về sau tôi mới để ý: khi nói về tôi thì anh gọi là “đi”, còn khi tự nói về mình thì anh bảo là “về”.

1. Anh Thượng có nhà bên Hà Nội, nhưng nói theo ngôn ngữ nhà Phật, đấy chỉ là nơi gửi, Bút Tháp mới là chỗ anh về. Tại đây anh có một phòng để ở và vẽ, một phòng nhỏ sát cạnh làm nơi chứa tranh, kho vàng thật sự của anh. Thoạt đầu tôi nghĩ anh Thượng về ở Bút Tháp là để vẽ. Hóa ra không phải. Quả Bút Tháp là một trong những ngôi chùa đẹp nhất nước, lại nằm chính giữa Kinh Bắc, một vùng văn hóa cổ và sâu nhất, quá lý tưởng cho một họa sĩ tìm đến.

Nhưng anh Thượng tìm về Bút Tháp, gần như định cư hẳn ở đấy chắc chủ yếu vì một điều khác: anh tìm đến với một niềm tâm sự u uẩn, xưa nay thời nào và ở đâu cũng có, ai ngờ dấu vết lại đậm nhất ở chốn cửa Phật này, đau đáu số kiếp con người. Thật vậy, đây đâu chỉ là một ngôi chùa, còn là nơi nhốt chứa nỗi đau thắt quặn của mấy con người, mấy cá nhân mà cũng là đại diện cả một giai tầng, thậm chí một xã hội, một thời, mà cũng có thể muôn thời.

haJcLf3Q.jpgPhóng to
Chùa Bút Tháp
Ngôi chùa này, anh Thượng bảo, không ai biết đích xác được lập từ thời nào. Hai tấm bia chính ở chùa, tấm sớm nhất “Sắc kiến Ninh Phúc Thiền tự bi ký” thế kỷ 17, đều ghi là “trùng tu”, lời bia rất văn hoa: “Ninh Phúc là ngôi chùa cổ, biệt danh Thiếu Lâm. Trên nền tảng của thánh hiền, nằm trong vùng Siêu Loại. Liền với dãy núi Tam Đảo. Vượt sông dài nối với những áng mây trôi Yên Tử. Đất Tiên Du vắng lặng hai bên...”. Trước đó chắc là một ngôi chùa làng nghèo, đã đổ nát, và hẳn cũng chưa có tháp nhọn như ngọn bút viết lên trời xanh để được gọi là Bút Tháp. Viết điều gì vậy? Đâu phải kinh Phật. Viết nỗi đau của con người.

2. Thế kỷ 17 là một thế kỷ loạn ly và đầy mâu thuẫn. Loạn nhà Mạc, chiến tranh Nam Bắc triều vừa chấm dứt thì lại bắt đầu cuộc nội chiến lớn nhất lịch sử, Trịnh Nguyễn phân tranh. Anh Thượng có lần nói, như một nhà xã hội học uyên thâm và trầm tư: Phong kiến mãi đánh nhau, mặc kệ làng xã tự trị. Cho nên đây cũng là thời kỳ làng xã hưng thịnh, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Và nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật dân gian, lên tới đỉnh cao, như thường vẫn vậy, không phải trong những buổi thái bình và ổn định của xã hội, mà trong thời loạn.

Khủng hoảng xã hội đổ bóng xuống những số phận cá nhân, tập trung vào tầng lớp cao nhất, tầng lớp thống trị. Chính ở đấy diễn ra những bi kịch thống thiết và cũng nhầy nhụa nhất. Chúa Trịnh khuynh loát, vua Lê chỉ còn cái bóng mờ. Trịnh Tùng bắt vua Lê Kính Tông phải thắt cổ tự tử, đưa Lê Thần Tông lên ngôi, ép Thần Tông lấy Trịnh Thị Ngọc Trúc là vợ góa đã có bốn con của Lê Trụ vừa mắc tội phải chết chém.

Sử chép: “Triều thần can gián, vua nói: “Trót rồi phải lấy”. Từ đó trời mưa dầm không ngớt...”. Người viết bia Ninh Phúc Thiền tự thật thâm thúy, văn bia ghi: “Vượt sông dài nối với những áng mây trôi Yên Tử...”. Cứ như muốn hỏi: lịch sử là một vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt chăng? Sao mà ở đây lại giống chuyện Trần Thủ Độ với Trần Thái Tông, Trần Liễu... đầu nhà Trần đến thế, tưởng chép lại nguyên si!... Và lạ thế, cả hai lần dấu vết của bi kịch lại đều rõ nhất, đậm nhất ở các chùa. Trong ý tưởng xây dựng, trong kiến trúc, và đọng sâu nhất trong các tượng.

Bút Tháp là nơi có nhiều tượng vào hàng đẹp nhất trong thế giới tượng cổ Việt Nam: hệ thống tượng Phật phong phú, nổi tiếng nhất là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay cực kỳ điêu luyện; hệ thống tranh khắc đá mà anh Thượng đã rất tinh tế bảo là vừa đa dạng vừa nhất quán theo thủ pháp nghệ thuật đảo chiều: “Nét chạm bề ngoài thì thô vụng nhưng kỹ xảo hết sức khéo léo tinh vi, tạo hình tượng thì ngẫu nhiên, tự do nhưng hết sức chắt lọc và khái quát, nhiều khối lớn có vẻ sơ sài nhưng đường nét rất vi tế, đục khắc trên đá mà cho cảm giác thoải mái như bậc cao sĩ múa bút thảo thư...”.

Song sinh động và độc đáo nhất ở đây là loạt tượng chân dung, không chỉ chạm khắc một đôi khuôn mặt, mà trưng ra đấy, trường trải với thời gian, diện mạo cả một triều đình, tầng lớp đứng đầu một xã hội đổ nát, một nhân quần đang cố vùng vẫy tìm đường thoát khỏi những đau khổ cùng cực của kiếp nhân sinh, tất cả đều cố giấu sau vẻ an tịnh của lớp áo khoác Phật giáo, mà rồi có giấu được đâu. Tượng chân dung ở Bút Tháp đông đúc khác thường, rộn rịp, chen chúc ở gian tiền đường. Chính giữa là Lê Thần Tông, vây quanh là các bà hoàng phi và công chúa của ông.

gyC4yKSS.jpgPhóng to
Phan Cẩm Thượng (ngồi) trong chùa Bút Tháp

3. Chủ trương xây Bút Tháp chính là bà Ngọc Trúc. Nay bà cũng đang ngồi đó, tại gian tiền đường, bên cạnh vua, đứng hàng đầu trong số tượng các bà phi. Đối với người đàn bà này, người nghệ sĩ vô danh thế kỷ thứ 17 không còn phải quá giữ gìn khắt khe như đối với vua. Nét khắc đã hằn sâu số phận và tính cách cá nhân. Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Khuôn mặt cương nghị, ẩn nhẫn, đôi mắt mở to biểu hiện con người từng trải và đau khổ”.

Có đêm, rất khuya, anh Thượng rủ tôi đến ngồi ở tiền đường, trước cái quần thể tượng kỳ lạ ấy, gồm vua cùng bao nhiêu bà cung phi và công chúa của ông, ở trung tâm là một người đàn ông và một người đàn bà thống khổ. Chúng tôi ngồi đó không còn biết là bao lâu nữa, ánh sáng chập chờn của tiền điện và không khí huyền ảo chùa khuya khiến cả không gian lẫn thời gian đều lãng đãng hư thực.

Đây là chùa hay là cõi nào, là đạo hay là đời, là chốn siêu thoát thanh tịnh hay là cõi trần thế xáo động? Sao lại đem bày nơi cửa Phật này lắm nỗi dục vọng và tuyệt vọng của con người đến vậy? Tôi chăm chú nhìn vào đôi mắt mở to tưởng như đã an tịnh mà kỳ thực còn kinh ngạc của người đàn bà đã sống và đau khổ bốn trăm năm trước. Anh Thượng gọi đấy là một đôi mắt “ẩn nhẫn”.

Ban ngày, khi tấp nập khách thập phương đến viếng, hương khói mịt mù, trông bà hoàng xưa như đã siêu thoát thành một vị phật bà yên tịnh, đã trả lời xong mọi câu hỏi khắc nghiệt éo le của cuộc đời; nhưng giữa đêm khuya, càng khuya và càng nhìn kỹ mới thấy đôi mắt ấy như mỗi lúc càng mở ra to hơn, ngơ ngác, sững sờ, tưởng chừng vẫn còn nguyên đó, đông cứng suốt bốn trăm năm, nỗi sững sờ của người phụ nữ vừa khóc chồng mới chết thảm khốc đã liền phải cưới lấy một ông vua bù nhìn mà mình không hề yêu. Và tôi bỗng có cảm giác bắt đầu lờ mờ hiểu ra được đôi chút điều đã khiến anh bạn họa sĩ của tôi tìm đến định cư nơi này.

Vậy đó, nghệ thuật là cuộc lần tìm theo dấu vết con đường giải thoát con người xưa nay vốn mãi trằn trọc đi tìm, nghệ thuật cũng chính là bản thân cuộc tìm kiếm nhọc nhằn và bất tận ấy. Bốn thế kỷ trước, người đàn bà đau khổ tận cùng nay vẫn ngồi kia từng đến đây trên con đường tìm kiếm thống thiết mà vô vọng của mình. Bà đã chủ động dựng nên nơi này, còn chủ động hơn cả Thần Tông chồng bà, như một lối mở đường giải thoát cho cả hai. Năm 1633, có thiền sư Chiết Tuyết từ Trung Hoa vào Đàng Trong rồi ra Thăng Long, lập chùa Phật Tích bên kia sông Đuống. Bà Ngọc Trúc lập tức đến nghe kinh, rồi xin cho trùng tu Bút Tháp để tính chuyện chính thức xuất gia.

Mất mười năm Bút Tháp mới hoàn thành, Chiết Tuyết từ Phật Tích chuyển sang trụ trì Bút Tháp. Bà Ngọc Trúc liền dẫn các con gái và một loạt hoàng thân quốc thích về hẳn Bút Tháp qui y. Anh Thượng bảo chính bà Ngọc Trúc là người đã cùng Chiết Tuyết phác họa và quyết định phương án kiến trúc Bút Tháp.

nmHgAz23.jpgPhóng to
Trăng hạ huyền - khắc gỗ Phan Cẩm Thượng

4. Tôi có một chị bạn là họa sĩ, đã bỏ suốt mười năm đi khắp các đình chùa, lục khắp các bảo tàng và kho lưu trữ, chỉ để làm mỗi một việc: đo đạc các kích thước của những công trình ấy, lần ra tỉ lệ giữa chúng, để cuối cùng khám phá ra được cái hằng số kiến trúc đặc trưng.

Có được cái ấy, chị bảo, thì vẽ bất cứ cái gì, bằng cách nào cũng lập tức ra dân tộc, ra Việt Nam ngay, không lẫn vào đâu được. Hồn dân tộc chứa trong cái hằng số ấy. Qua con đường thống khổ tận cùng và nỗi khát khao giải thoát cháy bỏng, bà Ngọc Trúc đã tìm ra được cái hằng số kiến trúc cho Bút Tháp, để lại cho hậu thế công trình tuyệt mỹ này.

Anh Thượng tìm về đây cũng chính là đi tìm cái hằng số đó. Anh giảng cho tôi: không gian Bút Tháp là một không gian dùng dằng hết sức đặc biệt, nửa đóng nửa mở, mở mà đóng, đóng mà mở, nửa kín nửa hở, kín mà hở, hở mà kín, nửa quyết nửa không, nửa bỏ nửa giữ, trong không gian dường có chứa cả thời gian, chùa nhìn từ bên ngoài thì nhỏ nhưng đi vào lại rộng, mở mãi không cùng, càng đi càng mở, đi hoài không hết, bất tận, tổng thể hoạch định chặt chẽ, chi tiết lại rất khác nhau và tự do... Nghệ thuật Bút Tháp chạy giữa hai bút pháp bác học và dân gian, giữa sự chán đời thất thế và khát vọng lưu luyến trần ai, giữa hiện thực và ảo tưởng, hiện sinh và hư vô...

Vậy đó, có một ngôi chùa như thế, bên bờ con sông Đuống nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc cội nguồn, rất đạo mà rất đời, yên tịnh mà xáo động, dân dã mà uyên thâm. Và có một người họa sĩ, một người nghệ sĩ đã và còn muốn để hết cả cuộc đời đến tìm ở đấy cái hằng số cho nghệ thuật của mình, mà cũng là cho cả cuộc đời mình, đối với anh không hề, không thể tách biệt.

NGUYÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên