Ngày Côn đảoVinh danh điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời BácKhai mạc triển lãm ảnh Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
Phóng to |
Bà Quế Lan tại nhà trưng bày tư liệu ở Côn Đảo. Bên cạnh là bức ảnh bà chụp trong thời gian bị giam cầm ở Côn Đảo (ở bìa trái của bức ảnh tư liệu) - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trong ảnh, một nữ tù nhân nổi bật nép sau song sắt nhà giam: bờ vai thon, gương mặt trái xoan thanh tú, mắt bồ câu, da trắng, tóc dài. Đó là Nguyễn Thị Quế Lan - cô hoa khôi Đại học Văn khoa Sài Gòn, người bị đày hai lần ra Côn Đảo. Tấm hình đó do thành viên trong phái đoàn quốc tế đến điều tra sự thật về địa ngục trần gian Côn Đảo chụp. Sau khi Côn Đảo được giải phóng, trong một lần lục lại kho tư liệu còn để lại trên đảo, một phóng viên Thông tấn xã VN đã tìm thấy bức ảnh này và mang về đất liền.
Học di chúc trong tù
Để trẻ bỏ học vì không có tiền là mình có tội Bà Lan còn đóng góp cho quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của Hội Phụ nữ TP.HCM, quỹ khuyến học của phường 8, phường 9, quận 3. Bà chia sẻ: “Ngày xưa, vì tình thế bắt buộc mà mới học năm 2 đại học phải bỏ dang dở. Khi đã lui vào hoạt động bí mật, mỗi lần có dịp đi ngang Đại học Văn khoa Sài Gòn là tôi rớt nước mắt nhớ bạn, nhớ trường. Vì yêu nước mà mình dở dang thì cũng xứng đáng, nhưng bây giờ hòa bình rồi, để mấy đứa nhỏ phải chịu bỏ học vì không có tiền là mình có tội”. |
Ngồi giở lại album hình cũ khi đã sắp bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hi, bà Lan bồi hồi nhớ: “Ngày xưa trong trường không tổ chức thi hoa khôi hay nữ sinh duyên dáng như bây giờ đâu. Chữ “hoa khôi” là bạn bè xưng tặng. Nhớ lúc đó chúng tôi diễn văn nghệ có tiết mục đám cưới làng Văn khoa, mọi người cử tôi đóng vai cô dâu, từ đó bạn bè chung khoa, chung trường hay kêu mình là hoa khôi vậy thôi”. Cô hoa khôi Quế Lan hay mặc áo dài lụa đỏ, che dù đỏ đi học. Dáng người chuẩn với vòng eo chưa đầy 60cm, chiều cao gần 1,6m trong chiếc áo dài lụa đỏ, thấp thoáng sau chiếc dù màu đỏ của hoa khôi Quế Lan ngày ấy làm nao lòng bao chàng sinh viên. Cô hăng hái tham gia những cuộc đấu tranh công khai trong phong trào học sinh, sinh viên, đồng thời làm nhiệm vụ gầy dựng lực lượng cho cách mạng. Học đến năm thứ hai đại học, tổ chức báo Quế Lan đã bị lộ, phải rút vào hoạt động bí mật trong vùng căn cứ ở Bình Dương rồi Tiền Giang.
Năm 1968, Quế Lan bị địch bắt. “Người ta nói không đánh phụ nữ đẹp dù chỉ bằng một cành hoa, người ta chỉ đánh bằng ma trắc - bà dí dỏm nhắc lại những màn nhục hình, tra tấn trong tù - Mỗi lần đánh mình là họ kéo vô một bầy như hung thần, hết thằng này đánh lại đến thằng khác. Họ vừa đánh vừa uống rượu cho hăng máu. Có khi vừa bước vào phòng, có tên đã chạy tới đạp nguyên đế giày vào mặt mình rồi cột thúc hai cánh tay ra sau lưng, treo mình lên trần nhà, tay như muốn gãy lìa khỏi thân xác”. Những lúc như thế Quế Lan không thấy sợ, chỉ thấy uất nghẹn. Đánh đập tả tơi không ăn thua, địch đưa Quế Lan tới nhà thương Chợ Rẫy cùng với những người tù yếu nhất. Đó cũng là lúc Quế Lan hay tin Bác Hồ mất. “Lúc này, các chị em ở khám Chí Hòa có tổ chức đám tang Bác trong tù. Còn tôi chỉ thấy thương Bác khôn nguôi, giận mình đang trong tình trạng không thể ra ngoài đấu tranh, bước tiếp con đường cách mạng”.
Qua năm 1969, cùng với nhiều tù chính trị khác, Quế Lan bị đày ra Côn Đảo, giam tại Chuồng Cọp. “Trong Chuồng Cọp, tù nhân mà hát là bị cai tù lấy vôi bột rải xuống đầu. Chịu đủ nhục hình ở địa ngục trần gian trong một năm, Quế Lan được đưa về đất liền, tiếp tục bị giam ở nhà giam Tân Hiệp. Bị xếp vào dạng những nữ tù cứng đầu nhất, đến năm 1972, Quế Lan lại bị đưa lên tàu ra Côn Đảo lần thứ hai.
Lần này, Quế Lan và nhiều chị em khác bị giam ở trại 4. Ở đây, tù nhân dễ liên lạc với nhau hơn khi ở Chuồng Cọp. Bà kể: “Lúc này, không hiểu bằng cách nào mà các chị có được bản di chúc của Bác Hồ và bắt đầu tổ chức cho chúng tôi học di chúc Bác. Cách học trong tù chủ yếu là truyền miệng. Người này nhẩm thuộc từng đoạn rồi rủ rỉ dạy lại cho người kia. Từ từ từng chút một như thế mà tất cả chúng tôi đã học và thuộc nằm lòng lời Bác dặn trước lúc đi xa. Lời Bác dặn, tinh thần lạc quan của Bác tiếp sức mạnh cho chúng tôi”. “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng... Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” - bà lẩm nhẩm đọc. Bài di chúc học thuộc lòng giữa chốn địa ngục trần gian ngày ấy, dù ký ức bị mài mòn theo năm tháng nhưng chưa lúc nào bà quên.
Bà Quế Lan cùng con gái sau khi hòa bình lập lại - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thực hiện di nguyện của Người
Lễ trao học bổng Khuyến tài năm học 2008-2009 đã qua đi gần một tháng, văn phòng Hội Khuyến học TP.HCM nhận được một cuộc điện thoại tha thiết muốn được tham gia chương trình của một cựu tù Côn Đảo. Cán bộ hội thông báo đã qua dịp trao học bổng và hẹn với vị mạnh thường quân này tham gia vào năm sau.
Bất ngờ, có một trường hợp học sinh cần giúp đỡ được báo đến Hội Khuyến học. Ngay sau đó, bà Quế Lan được kết nối để gặp em học trò nghèo. Sáng hôm sau, bà Lan đến nghĩa trang An Nhơn Tây, huyện Củ Chi để gặp em học trò. Cháu tên Nguyễn Thị Bích Hoa, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, đông anh em. Từ năm học lớp 4, mỗi ngày Hoa phải thức dậy từ 3g sáng theo dì đi quét rác tại nghĩa trang liệt sĩ An Nhơn Tây để kiếm mỗi tháng khoảng 700.000 đồng trang trải cuộc sống cho cả nhà. Hôm gặp bà Lan, Bích Hoa đã thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Thắp hương, làm thủ tục trao học bổng xong, bà Lan mới bày tỏ ý định: Tiền thương binh của bà mỗi tháng được gần 800.000 đồng. Bà sẽ thêm vào cho đủ 1 triệu đồng để chu cấp cho Hoa mỗi tháng. Như vậy, mỗi năm bà chu cấp cho Hoa 12 triệu đồng trong suốt ba năm em học cao đẳng, vượt chuẩn 7,5 triệu đồng/sinh viên/năm năm đại học của chương trình học bổng của thành hội. Cảm động trước tấm lòng của bà Lan, Bích Hoa đã gọi bà là “bà ngoại”.
Học hết ba năm cao đẳng, giờ đây, Bích Hoa đã ra trường, trở về Củ Chi làm cô giáo dạy tiếng Anh dù “bà ngoại” ngỏ ý sẽ trợ cấp tiếp cho em học liên thông lên đại học. Lo xong cho Bích Hoa, bà Lan lại nhận đỡ đầu tiếp cho em Diễm Hằng. Hiện Diễm Hằng học năm 3 khoa may thời trang Đại học Công nghiệp. Hằng nói: “Ngoại đã giúp em ăn học được ba năm rồi. Không có ngoại, chắc em cực hơn nhiều vì phải đi làm thêm nhiều hơn mới đủ tiền trang trải. Bà ngoại ruột của em mất rồi, em xem bà như người ruột thịt”. Bận học nhưng hằng tuần, hằng tháng, Hằng đều tranh thủ đến thăm, hủ hỉ với “ngoại”.
Trong những ngày cả nước đang sục sôi, nhà nhà đang sốt ruột ngóng tin từ biển Đông, trong căn phòng nhỏ của mình bà Quế Lan ngày ngày vẫn chăm chú theo dõi từng dòng tin trên báo, chờ đón từng bản tin thời sự trên đài. Bà nói bà lo lắm. Ngày xưa chiến tranh khổ nhiều, bây giờ chỉ mong yên lành cho sắp nhỏ học hành. Lo lắng một hồi, bà lại nhẩm đọc mấy câu trong di chúc của Bác: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Bà nói Bác đã dạy phải chăm lo cho thế hệ trẻ. Rồi lớp trẻ sẽ gánh vác sơn hà trên vai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận