06/04/2025 10:08 GMT+7

Hố bom quê tôi

Miệt Thứ quê tôi nhà nào cũng có hơn một cái hố bom. Nhà tôi đếm sơ sơ có bảy cái. Những miệng hố to tròn, nước sâu hun hút. Mùa khô, mương rạch cạn trơ đáy, nước trong đìa cũng vơi nhiều, vậy mà hố bom vẫn đầy ắp.

hòa bình - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Những hố bom sau nhà tôi nằm lặng lẽ như những chiếc giếng trời. Mặt nước xanh thẳm, soi bóng hàng dừa đổ dài, in cả vòm trời thẳm sâu, mây trắng lững lờ trôi. Nhìn xuống, cứ ngỡ không bao giờ thấy đáy.

Cha nói những năm chống Mỹ, vùng đất này là nơi kháng chiến ác liệt, bom liên miên, đất trời nổ tung, làng mạc tan hoang.

Bom rơi xuống, để lại những dấu tích không thể xóa nhòa. Người ta gọi đơn giản: hố bom. Cái tên trần trụi như chính nguồn gốc của nó, không màu mè, không hoa mỹ.

Hồi nhỏ mỗi chiều tắm sông chán chê, tôi vẫn không dám bơi vào hố bom. Nó sâu, sâu lắm. Mẹ vẫn thường bơi xuồng ra hái bông súng dưới đó, những cọng bông súng dài ngoằng, trắng nõn.

Tôi nhớ hoài dáng mẹ cúi xuống vớt từng đóa hoa, nước hố bom lặng lờ như tấm gương phản chiếu những ngày đã mất.

Mỗi năm đến dịp lễ, truyền hình lại chiếu những bộ phim, những vở cải lương về chiến tranh, về những ngày kháng chiến dữ dội. Khi đó những cái hố bom quanh nhà dường như sống dậy, được dịp kể chuyện xưa, được nhắc về những tháng ngày bom đạn xé lòng.

Người ta đi qua nỗi đau, khi nhắc lại không còn ồn ào nhưng vẫn khắc sâu. Như cách những trái bom rơi xuống, cày xới vào lòng đất, để lại những vết thương không bao giờ lành.

Cha kể nhà bác Bảy Mèo, cả nhà mười một người chết trong một trận bom. Chỉ còn một mình bác sống sót, khi đó bác còn nhỏ xíu. Bà nội nhận bác làm con nuôi.

Ở vùng đất này, đau thương vì chiến tranh không hiếm. Người ta mất nhà, mất cha, mất mẹ, mất cả quê hương. Nhưng cũng chính nơi đây, người ta cưu mang nhau qua những ngày bom đạn.

Ngày trước ở cái kênh trước nhà tôi, khi vét kênh khai thông dòng nước, người ta còn thấy những mảnh bom vỡ, có cả trái còn nguyên vẹn.

Hồi đó cả xóm kéo nhau ra coi. Không phải vì tò mò mà vì ai cũng muốn tận mắt nhìn thấy chứng nhân của lịch sử. Muốn thấy hình hài thứ đã giết bao nhiêu người, thứ đã tạo nên những hố bom rải rác khắp ruộng đồng.

Cha mẹ tôi cũng lấp một cái hố bom gần nhà. Đất vét từ kênh lên, từng chút, từng chút một, san bằng hố sâu. Rồi mảnh đất đó thành sân chơi của lũ con nít.

Chiều nào cũng rộn ràng tiếng cười, tiếng chạy nhảy nô đùa. Dưới chân chúng tôi là vết tích của chiến tranh, giờ được lấp lại bằng tấc đất quê hương, bằng nhịp sống mới, bằng tiếng cười tuổi thơ.

Còn những hố bom sau vườn thì vẫn đầy ắp nước. Mẹ tôi hay ra đó giặt áo, chùi xoong nồi. Ở hố bom ấy mọc lên rất nhiều bông súng trắng, loài hoa vươn lên từ bùn đất, từ những gì đau thương nhất, để nở rộ một màu thanh khiết. Như thể chiến tranh chưa từng chạm đến nơi này.

Nhiều năm sau tôi lớn lên, đi khắp bốn bề, rất ít khi nghe lại tiếng hát từ chiếc radio của mẹ ngày nào.

Nhưng thanh âm trong trẻo ấy vẫn vẹn nguyên, vẫn mường tượng ra khung cảnh chiến tranh theo từng câu hát, vẫn thấy hình ảnh mẹ gội đầu bên cạnh hố bom. Dù giờ không ai còn tắm táp và giặt giũ ở đây nhưng những hố bom sau nhà vẫn đầy ắp dòng nước mát.

Hố bom quê tôi trong những ngày 30-4 rộn ràng cờ hoa, vẫn lặng lẽ ở đó. Sau nhiều năm đau thương đã hóa thành một phần của quê hương, là chứng nhân lịch sử. Như là cuộc sống, như là nỗi nhớ, để nhắc nhớ thế hệ mai sau biết gìn giữ hòa bình.

Cảm ơn bạn đọc gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình

Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình (báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành) để bạn đọc gửi đến những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình.

Cuộc thi dành cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.

Kể chuyện hòa bình nhận bài viết tối đa 1.200 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi đến email hoabinh@tuoitre.com.vn. Chỉ nhận bài qua email, không nhận qua đường bưu điện để tránh thất lạc.

Bài dự thi chất lượng sẽ được lựa chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút và các bài qua vòng sơ khảo sẽ được in thành sách (sách không trả nhuận bút - không bán). Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Tác giả phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản, số căn cước công dân để ban tổ chức liên lạc, gửi nhuận bút hoặc giải thưởng.

Sài Gòn, 30-4 và má - Ảnh 2.

Tính đến ngày 6-4, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được 350 bài dự thi của bạn đọc.

Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình

Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.

Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.

Giải thưởng Kể chuyện hòa bình

- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.

Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.

Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.

Ban tổ chức

Hố bom quê tôi - Ảnh 2.Con đường chạy loạn của ông bà tôi và ngày hòa bình hôm nay

Tháng tư năm nay, đất nước kỷ niệm tròn 50 năm hòa bình thống nhất. Khắp nơi, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, những con đường rợp bóng cây xanh, người dân sống trong những ngày tháng thanh bình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên