Học sinh Trường phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) xây dựng "thành phố mơ ước" - Ảnh: THANH PHÚC
STEM là một cách tiếp cận giáo dục kết hợp kiến thức các môn khoa học tự nhiên để giải quyết một vấn đề thực tiễn đang lan rộng trong các nhà trường và dần mở rộng, chuyển từ STEM sang STEAM, kết hợp cả khoa học tự nhiên và nghệ thuật nhằm phát huy sáng tạo của trẻ.
Tuy nhiên, có những trường phổ thông còn cho rằng cách tiếp cận này có thể tích hợp cả kiến thức khoa học xã hội.
Dùng STEM dạy... giáo dục công dân
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), khẳng định rất nhiều nội dung môn học giáo dục công dân có thể kết hợp giáo dục học sinh qua các dự án STEM mà trường triển khai.
"Khi tư vấn cho học sinh chọn những vấn đề để giải quyết với cách tiếp cận của STEM có thể gợi ý cho các em suy nghĩ về trách nhiệm với cộng đồng, ý thức chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn hay hiểu biết về việc chấp hành luật pháp.
Ví dụ một nhóm học sinh của trường nghiên cứu xây dựng mô hình giao thông an toàn cho người đi bộ thì các em cần hiểu luật, cần có ý thức về an toàn giao thông và nhiệt tâm trong việc làm những điều có ích cho cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông...
Hiểu biết hơn về điều này sẽ giúp các em có thêm động lực để thực hiện dự án. Ngược lại, qua việc thực hiện dự án, ý thức của các em học sinh cũng sẽ thay đổi" - cô Nhàn chia sẻ.
Theo cô Nhàn, trong các bài học giáo dục công dân cô đều hướng học sinh đến những hành vi, thái độ ứng xử trong những tình huống cụ thể diễn ra trong cuộc sống.
"Tôi nghĩ STEM cũng là một cách trải nghiệm sáng tạo, trải nghiệm trong khi vận dụng kiến thức để thực hành. Nhưng đôi khi việc thiết kế các sản phẩm, triển khai các dự án theo hướng STEM lại là hệ quả của trải nghiệm.
Ví dụ như khi tôi đưa học sinh đến làng trẻ mồ côi SOS ở Hà Nội. Trực tiếp gặp gỡ những trẻ em thiệt thòi, nhiều em có sáng kiến làm một điều gì đó có ích cho bọn trẻ" - cô Nhàn cho biết thêm.
Cũng theo cô Nhàn, không cần chờ đến một ngày hội, một cuộc thi, mà STEM có thể bắt đầu từ những tiết học có vận dụng thực tế, có thực hành, trải nghiệm.
Và từ những trải nghiệm, thực hành, học sinh quay lại tiết học với sự hào hứng hơn vì lý thuyết môn học không chỉ là câu chữ, mà sau đó là thế giới sinh động, thỏa sức sáng tạo.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) thực hành với các sản phẩm ứng dụng STEM - Ảnh: VĨNH HÀ
Thêm chữ "A", thêm "Art", thêm nhân văn
Trường phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) cũng vừa tổ chức ngày hội STEM với chủ đề "Cùng kiến tạo thành phố tương lai", hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo cô Đặng Thu Hương - phó hiệu trưởng nhà trường, cả về nội dung và hình thức của ngày hội này đều được thay đổi do việc kết nạp thêm chữ "A" - Art (nghệ thuật). Theo đó, không phải STEM mà là STEAM.
Việc "kết nạp" này có ý nghĩa là những sáng tạo, ứng dụng để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống không chỉ cần kiến thức toán, khoa học tự nhiên, mà cần sự tinh thế, thẩm mỹ và tính nhân văn.
"Nếu không có điều này thì các sản phẩm sẽ vẫn tách rời cuộc sống thực tại, đi ngược với các giá trị bền vững" - cô Hương chia sẻ.
Theo tinh thần đó, nhiều hoạt động hấp dẫn ngay từ tên gọi như "Học viện tí toáy" là khu vực thiết kế mô hình trường học thông minh, chế tạo robot, lập trình những giấc mơ, hay "Công viên tò mò" là khu vực sử dụng những vật liệu tái chế để thiết kế thành phố tương lai bay vào vũ trụ...
Lấy ví dụ về sản phẩm máy hút bụi mini do học sinh chế tạo và trình bày trong buổi giới thiệu các dự án STEM của trường, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu, cho rằng: "STEM không chỉ là khoa học công nghệ, mà còn cần sự quan sát cuộc sống bằng trái tim".
Theo cô Thúy, có hàng loạt đề tài gần gũi và thiết thực: "Là quần áo, có phải STEM không? Hay phân loại rác thải, chế tạo những vật dụng tiện lợi cho người khuyết tật trong sinh hoạt? Tôi nghĩ đó là STEM, đúng hơn là STEAM khi được cộng vào đó những ý nghĩa nhân văn".
Trong ngày hội STEM của Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) mới đây, thu hút sự chú ý của nhiều người là nghiên cứu mang tên "Cánh tay robot điều khiển bằng suy nghĩ mind - arm" của hai học sinh lớp 8H Phan Trường Anh Khôi và Nguyễn Công Huy.
Công trình của các em đã được trao giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố và giải nhì cấp quốc gia trung tuần tháng 3 vừa qua.
Qua những chia sẻ của các em về hành trình làm sản phẩm, có thể thấy rõ nó không phải chỉ là STEM với các kiến thức khoa học tự nhiên, mà còn có trái tim, là mong muốn làm điều gì đó có ích cho những người thiệt thòi.
Và đó không chỉ là thể nghiệm bài học của toán, của vật lý, của công nghệ, mà là bài học của sự nhân văn.
STEM, STEAM từ những vấn đề đơn giản
Nhiều chuyên gia về STEM đã cho rằng học sinh Việt Nam có lợi thế hơn học sinh các nước phát triển trong việc tìm vấn đề để giải quyết, chỉ có điều do chưa hiểu đúng nên nhiều nhà trường, giáo viên và học sinh quan niệm STEM là những vấn đề lớn, có tầm cỡ.
Trong khi thực ra STEM có thể ứng dụng trong những việc thiết thực và giản dị, ví như "nên sắp xếp bàn ghế trong lớp học như thế nào cho hợp lý?".
Vì thế, những đề tài theo định hướng STEM để tư vấn cho học sinh đôi khi không cứng nhắc xuất phát từ một nội dung kiến thức nào đó trong các môn khoa học tự nhiên, mà lại từ các vấn đề đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày, trong các thói quen cần thay đổi tích cực.
GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định STEM không phải môn học độc lập, mà là hoạt động giáo dục có hình bóng trong tất cả các môn học khác nhau.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc phát triển giáo dục STEM trong chương trình mới là tất yếu, vì mục tiêu của chương trình STEM cũng là hình thành những phẩm chất năng lực mà Chương trình giáo dục phổ thông đang hướng tới.
Hình thức thi cử là trở ngại
"Hình thức thi như hiện nay là một "khó khăn" đối với việc triển khai giáo dục STEM. Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức bằng các bài thi trắc nghiệm, trong khi STEM là sản phẩm. Theo đó, từ lớp 11 là phải "nói không" với STEM để ôn luyện thi trắc nghiệm nhằm đạt kết quả cao ở kỳ thi" - bà Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), chia sẻ tại một hội thảo về STEM.
Về điều này, GS Đỗ Đức Thái, chủ biên môn toán Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng cho rằng kiểm tra đánh giá và thi cử cần tương thích với những tư tưởng cơ bản của giáo dục STEM. Thế nhưng nếp nghĩ "thi gì học nấy" là trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào trường phổ thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận