08/11/2024 14:04 GMT+7

Hình ảnh Việt Nam trong mắt ông Trump

Ông Trump là tổng thống Mỹ hiếm hoi đến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Hai đại sứ Việt Nam cũng nhận định tân tổng thống đắc cử của nước Mỹ là người có cảm tình với Việt Nam.

Việt Nam trong mắt ông Trump ra sao? - Ảnh 1.

Ông Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC tại Đà Nẵng vào năm 2017 - Ảnh: AFP

Trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump đã đến Việt Nam hai lần. Lần đầu tiên là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017. Chuyến thăm lần thứ hai diễn ra vào năm 2019 khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.

Ông Trump có cảm tình với Việt Nam, quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển - Video: THANH HIỀN - VĂN PHÒNG HÀ NỘI - BẢO DUY 

"Ông Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, và thậm chí đã thăm 2 lần. Trong những phát biểu với lãnh đạo nước ta, ông cũng khẳng định nước Mỹ và cá nhân ông ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, hùng cường, độc lập và thịnh vượng", ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên thứ trưởng bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam - nói với Tuổi Trẻ Online trong tọa đàm về kết quả bầu cử Mỹ ngày 7-11.

Ông Cường nhắc lại trong tuyên bố chung khi thăm Việt Nam, ông Trump khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hai nước, đó là "tôn trọng độc lập, chủ quyền, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau".

Trong khi đó, Đại sứ Bùi Thế Giang - nguyên vụ trưởng vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại trung ương Đảng - lại nhớ về bài phát biểu của ông Trump tại APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11-2017.

"Khi nhắc đến Việt Nam thì ông Trump không chỉ nói về kinh tế, xã hội mà nói về cả lịch sử, văn hóa", ông Giang nói.

Trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng, ông Trump bất ngờ nhắc đến hình tượng Hai Bà Trưng, nhấn mạnh tinh thần độc lập và tự do của Mỹ và liên hệ đến lịch sử Việt Nam.

Cũng theo Đại sứ Giang, các cá nhân lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là các tổng thống, đều có cảm tình với Việt Nam.

Các tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, bắt đầu từ ông Bill Clinton vào tháng 11-2000, đều đến với sự tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền của Việt Nam.

"Rất lý thú khi ở trên mạng người ta bảo rằng ông Trump là tổng thống đầu tiên của Mỹ vẫy lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Một người ở vị trí như ông Trump không thể bộc phát làm hành động mà không suy nghĩ. Riêng điều đó đã thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị, có phần 'yêu' con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, có cảm tình với Việt Nam", ông Giang dẫn chứng.

Việt Nam trong mắt ông Trump ra sao? - Ảnh 3.

Ông Trump gây thích thú với hình ảnh vẫy cờ đỏ sao vàng khi đến Việt Nam vào năm 2019 - Ảnh: REUTERS

Ấn tượng tốt đẹp với Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ cũng được ông Trump đề cập nhiều lần.

Chẳng hạn, khi thăm cấp Nhà nước Việt Nam vào năm 2017, trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Trump ca ngợi vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh tại Việt Nam. Ông cũng cho rằng trong những thập kỷ qua, Việt - Mỹ đã đến với nhau để tìm những mục tiêu chung dựa trên lợi ích chung của hai bên.

Khi đến Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào năm 2019, ông Trump chia sẻ: "Tôi muốn bắt đầu cuộc họp báo bằng lời cảm ơn đến Ngài Chủ tịch, Thủ tướng và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi có mặt tại Hà Nội, một thành phố thật tuyệt vời. Tôi ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam trong 25 năm qua (sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ) và muốn cảm ơn người Việt Nam vì sự đón tiếp nồng hậu".

Cũng vào năm đó, ông Trump tuyên bố bản thân không hối tiếc về việc đã tránh phải phục vụ quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

"Tôi chưa bao giờ là người hâm mộ cuộc chiến đó cả. Tôi nghĩ đó là cuộc chiến tồi tệ và nó ở rất xa", ông trả lời một nhà báo người Anh trên kênh truyền hình ITV.

Quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển

Việt Nam trong mắt ông Trump ra sao? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Cường (giữa) và ông Bùi Thế Giang (phải) trong tọa đàm chiều 7-11 của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

"Ở Mỹ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa dù có mâu thuẫn, thậm chí là đối lập trong nhiều vấn đề, nhưng có đồng thuận chung là đều mong muốn, ủng hộ sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ", ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định với Tuổi Trẻ Online.

Những nguyên tắc mà hai bên đã xác lập bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, theo ông Cường, đã được cả hai đảng ở Mỹ nhất trí, là nền tảng đưa quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Giang cũng cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đi được đến như ngày nay chính là nhờ sự đồng thuận giữa hai đảng cầm quyền lớn của Mỹ cũng như trong xã hội Mỹ nói chung.

Cả hai đại sứ đều lạc quan về triển vọng phát triển của quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai, khi ông Trump đã trở thành tổng thống đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2024.

"Tất nhiên đừng trông chờ mọi thứ tròn trĩnh, phải tính và biết xử lý cả thách thức và cơ hội. Tôi cam đoan rằng quan hệ Việt - Mỹ có đầy đủ cơ sở để phát triển", ông Giang nhấn mạnh.

Việt Nam trong mắt ông Trump ra sao? - Ảnh 2.Chính quyền Trump 2.0 sẽ có những thay đổi lớn

Theo giới phân tích, ông Trump sẽ xây dựng một chính quyền mới khác biệt so với chính quyền của Tổng thống Biden và không giống chính quyền nhiệm kỳ đầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên