08/08/2019 11:28 GMT+7

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 3: Mỹ - Xô loại bỏ tên lửa tầm trung

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong thập niên 1980, quan hệ Mỹ - Liên Xô như thùng thuốc súng chực nổ. Sau khi đắc cử tổng thống năm 1980, Ronald Reagan quyết củng cố hình ảnh nước Mỹ nên từ bỏ chính sách hòa hoãn và gia tăng chi phí quân sự.

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 3: Mỹ - Xô loại bỏ tên lửa tầm trung - Ảnh 1.

Tên lửa 9K714 Oka (SS-23 Spider) của Liên Xô - Ảnh: cmano-db.com

Ngày 23-3-1983, Reagan tuyên bố chương trình "Sáng kiến phòng thủ chiến lược". Cuối tháng 10-1983, Mỹ đưa quân xâm chiếm đảo Grenada. 

Đến tháng 11-1983, NATO tổ chức cuộc diễn tập tấn công hạt nhân Able Archer 83, đồng thời triển khai tên lửa Pershing II và Gryphon ở châu Âu. 

Trong khi đó, ngày 1-9-1983, máy bay tiêm kích Liên Xô bắn nhầm máy bay dân dụng của Hàn Quốc làm 269 người thiệt mạng, trong đó có 62 công dân Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng ấy, Liên Xô và Mỹ đều hiểu cần phải xuống thang.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, hai bên đã đạt thành công trong việc nhất trí loại bỏ toàn bộ loại vũ khí mới cực kỳ hiệu quả.

Nhà sử học Nga Alexey Bogaturov

Ký kết hiệp ước INF

Mỹ và Liên Xô đã tiến hành nhiều vòng đàm phán về loại bỏ tên lửa tầm trung nhưng đều thất bại. Nguyên nhân chủ yếu do ba nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev, Yuri Andropov và Konstantin Chernenko qua đời trong quá trình đàm phán. 

Năm 1985, ông Gorbachev được bầu làm tổng bí thư, quyết tâm dừng cuộc chạy đua vũ trang quá tốn kém và đối thoại với Mỹ.

Tháng 2-1987, Gorbachev tuyên bố trong thời gian ngắn nhất sẵn sàng ký hiệp ước loại bỏ mọi tên lửa có tầm bắn từ 1.000-5.500km. Nhận thấy châu Âu vẫn còn e ngại, hai tháng sau Gorbachev tiếp tục đề nghị một hiệp ước loại bỏ tên lửa có tầm bắn từ 500-5.500km. Tháng 6-1987, hội nghị thượng đỉnh NATO ở Reykjavik (Iceland) bật đèn xanh cho Mỹ ký kết hiệp ước như Liên Xô đề nghị.

Ngày 8-12-1987 tại Nhà Trắng, Tổng bí thư Gorbachev và Tổng thống Reagan đã ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). 

Chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Gorbachev đã trở thành chuyến thăm lịch sử vì chưa từng có tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô nào đặt chân lên nước Mỹ từ sau chuyến thăm chính thức của Leonid Brezhnev năm 1973. Nước Mỹ chào đón Gorbachev với 21 phát đại bác, nghi thức dành cho thượng khách. Trong ba ngày từ ngày 7-12-1987, báo chí Mỹ chỉ nói về Gorbachev.

Hiệp ước INF (có hiệu lực từ ngày 1-6-1988) và các phụ lục liên quan cấm sản xuất, thử nghiệm và triển khai mọi tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500-5.000km mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân bắn từ mặt đất. 

Đối với số tên lửa đã triển khai, INF quy định trong ba năm phải phá dỡ hoặc phá hủy. Về phía Mỹ, hiệp ước bao gồm tên lửa Pershing II, tên lửa đạn đạo BGM-109 G và tên lửa Pershing IA. Về phía Liên Xô có các loại tên lửa SS-20, SS-4, SS-5, SS-12 và SS-23. 

Ngoài tên lửa, các giàn phóng và thiết bị liên quan cũng phải được loại bỏ. Tên lửa đã thử nghiệm nhưng chưa triển khai như Pershing IB của Mỹ và RK-55 của Liên Xô (NATO gọi là SSC-X-4) cũng phải chịu phá hủy. 

Hiệp ước INF không yêu cầu phá hủy đầu đạn hạt nhân và tên lửa bố trí trên tàu và máy bay. Chính vì thế trong chiến tranh vùng Vịnh, hải quân Mỹ vẫn có thể bắn gần 300 quả tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk.

Hiệp ước INF quy định hệ thống kiểm tra rất chặt chẽ. Quá trình phá dỡ hoặc phá hủy tên lửa phải được ghi sổ và kiểm tra. Nếu có nghi ngờ, một bên có quyền đưa thanh sát viên đến kiểm tra hiện trường bị nghi ngờ. 

Đây là lần đầu tiên một hiệp ước ký kết giữa Mỹ và Liên Xô có điều khoản kiểm tra xác minh. Tính đến tháng 6-1991, Liên Xô đã phá hủy toàn bộ 1.846 tổ hợp tên lửa (889 tên lửa tầm trung và 957 tên lửa tầm ngắn) trong khi Mỹ đã phá hủy 846 tổ hợp tên lửa.

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 3: Mỹ - Xô loại bỏ tên lửa tầm trung - Ảnh 3.

Tổng bí thư Gorbachev và Tổng thống Reagan ký Hiệp ước INF ngày 8-12-1987 - Ảnh: Getty Images

Tên lửa SS-23 của Liên Xô

Khi ký kết Hiệp ước INF, Liên Xô chịu thiệt thòi vì phải loại bỏ số tên lửa nhiều hơn Mỹ 2,5 lần, đồng thời phải chấp nhận loại bỏ tên lửa 9K714 Oka (NATO gọi là SS-23 Spider). 

Trong hồi ký, ông Sergey Nepobedimy - giám đốc thiết kế tên lửa SS-23 - tiết lộ ông rất bất ngờ khi biết Hiệp ước INF bao gồm cả SS-23. SS-23 đạt tầm bắn dưới 400km (tức không thuộc tầm bắn của INF) nhưng NATO vẫn khăng khăng cho đó là tên lửa tầm trung và cuối cùng Liên Xô phải nhượng bộ.

Trong tác phẩm Chính sách đối ngoại Xô viết đối với Đông Đức xuất bản tháng 7-2015, tiến sĩ người Anh Achilleas Megas kể Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze đã chấp thuận loại bỏ tên lửa SS-23 vào tháng 4-1987 khi Ngoại trưởng Mỹ George Schultz đến thăm Matxcơva. 

Theo nhà sử học Mỹ Steven J. Zaloga, quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô rất tức giận với quyết định loại bỏ tên lửa SS-23. Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô dọa từ chức khi đánh giá quyết định của Shevardnadze là "tội ác và là hành vi phản bội tổ quốc".

Thiếu tướng về hưu Vladimir Dvorkin, chuyên gia trưởng tại Trung tâm về an ninh quốc tế (Viện hàn lâm Khoa học Nga), giải thích Washington đặt nặng vấn đề phá hủy tên lửa SS-23 trong quá trình đàm phán INF, do đó Liên Xô không còn giải pháp nào khác vì Liên Xô muốn Mỹ rút tên lửa Pershing II khỏi châu Âu bởi Pershing II có thể bắn đến Liên Xô trong vài phút, thời gian không kịp để Liên Xô đáp trả. 

Theo ông Nepobedimy, sau này chính Gorbachev giải thích nếu Liên Xô không chịu hủy bỏ tên lửa SS-23, Mỹ sẽ bắt đầu hiện đại hóa một số loại tên lửa tương tự để đáp trả.

Năm 1989, 239 tên lửa SS-23 với 106 giàn phóng đã bị loại bỏ theo Hiệp ước INF. Thời gian sau đó, số tên lửa SS-23 được Liên Xô cung cấp cho các nước khối hiệp ước Warsaw cũng lần lượt bị phá hủy do sức ép của Mỹ. Bulgaria là nước cuối cùng vô hiệu hóa tên lửa SS-23 vào tháng 12-2001. 

Hiệp ước INF là hồi chuông báo tử cho cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường. Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989. Sau hơn 30 năm thực thi hiệp ước, đầu năm 2019 Mỹ và Nga lần lượt tuyên bố sẽ rút khỏi INF. Vì sao như thế?

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 3: Mỹ - Xô loại bỏ tên lửa tầm trung - Ảnh 4.

Thanh sát viên Liên Xô kiểm tra công tác loại bỏ tên lửa tầm trung của Mỹ tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở bang Arizona (Mỹ) - Ảnh: NARA

SS-23 - đỉnh cao sáng tạo tên lửa Liên Xô

Vì sao Mỹ đòi hủy bỏ tên lửa SS-23? Tổ chức Rand Corporation (Mỹ) kết luận vào thời điểm năm 1987, các loại tên lửa Liên Xô như SS-21 hay SS-23 có thể bắn đến các sân bay NATO ở châu Âu với độ sai lệch chưa tới 100m, trong khi NATO không có hệ thống phòng thủ thích hợp.

Nhà thiết kế tên lửa Sergey Nepobedimy viết trong hồi ký rằng tên lửa SS-23 là đỉnh cao về tính sáng tạo trong quá trình chế tạo tên lửa đạn đạo Liên Xô. SS-23 chỉ cần thời gian chuẩn bị ngắn chưa tới 30 phút, đủ khả năng tấn công các mục tiêu di động, được sản xuất nhằm thay thế tên lửa cũ 9K72 Elbrus (SS-1C Scud B) có độ chính xác thấp, đạt tầm bắn ngắn hơn (300km) và thời gian chuẩn bị bắn dài đến 90 phút.

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 2: Chiến dịch RYaN của Liên Xô Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 2: Chiến dịch RYaN của Liên Xô

TTO - Lo ngại bị Mỹ và NATO tấn công hạt nhân phủ đầu, Ủy ban An ninh quốc gia Xô viết (KGB) đã phối hợp Bộ An ninh quốc gia Đông Đức (Stasi) mở chiến dịch thu thập thông tin tình báo mang mật danh RYaN - Tấn công bằng tên lửa hạt nhân.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên