31/12/2018 11:23 GMT+7

Hiệp định CPTPP - 'giờ G' đã điểm

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ nửa đêm 30-12, một số nước đã thông báo đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên.

Hiệp định CPTPP - giờ G đã điểm - Ảnh 1.

Trong ảnh là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Nhật và Canada là hai quốc gia thành viên tham gia CPTPP - Ảnh: REUTERS

Đúng lộ trình thỏa thuận, nửa đêm 30-12, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại 6 quốc gia đã phê chuẩn, một số nước thông báo đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên có hiệu lực ngay lập tức.

Úc, New Zealand, sau đó là Nhật Bản, Singapore là những nước "cán mốc" nửa đêm 30-12 trước. Theo ông David Parker - bộ trưởng thương mại và tăng trưởng xuất khẩu New Zealand, đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên sẽ có hiệu lực ngay lập tức với 3 quốc gia Nhật Bản, Canada và Mexico.

"Ngay và luôn"

Hãng tin Reuters dẫn nhận định của ông Parker: "CPTPP có tiềm năng mang lại ước khoảng 222 triệu USD tiền thuế tiết kiệm được thường niên cho các nhà xuất khẩu của New Zealand sau khi được thực thi toàn diện và gần một nửa số ấy, hay là 105 triệu USD, trong 12 tháng đầu tiên".

Ông Parker cũng hào hứng khẳng định "CPTPP sẽ chứng kiến mọi loại thuế được xóa với các mặt hàng ngư nghiệp xuất khẩu, phần lớn sẽ từ hôm nay (30-12)".

Trước khi CPTPP có hiệu lực, các mặt hàng cá và sản phẩm từ cá của New Zealand xuất sang Mexico và Nhật bị áp thuế lần lượt lên tới 20% và 10%. Báo Asahi Shimbun của Nhật cho biết ngay sau khi có hiệu lực CPTPP, nước này sẽ giảm thuế quan với trái kiwi, nho, dưa hấu và thịt bò nhập khẩu từ 38,5% xuống còn 27,5%.

Đợt cắt giảm thuế thứ 2 diễn ra trong ngày đầu năm mới 2019 với Mexico và Canada. Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan từ ngày 14-1. Đợt cắt giảm thuế quan thứ 2 của Nhật diễn ra ngày 1-4-2019 và năm 2026 sẽ là năm theo lộ trình CPTPP được thực thi toàn diện.

Như vậy CPTPP đã chính thức có hiệu lực, tạo ra một vùng tự do thương mại bao phủ hơn 1/10 nền kinh tế toàn cầu. Gộp lại với nhau, 11 quốc gia thành viên hiện tại của CPTPP chiếm 13% GDP toàn cầu và tạo cơ hội tiếp cận thương mại tự do cho khối kinh tế có khoảng 500 triệu dân.

Như vậy CPTPP vẫn "sống" và vẫn có thể thực thi ngay cả khi không có Mỹ tham gia. Dù không còn Washington, CPTPP vẫn là một trong những thỏa thuận thương mại đa phương lớn nhất trước nay đã chính thức có hiệu lực.

Không chỉ giúp nới lỏng bớt những rào cản thương mại giữa các nước, CPTPP còn tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn nữa các quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện các tiêu chuẩn làm việc tối thiểu cho người lao động tại các nước thành viên.

Nông dân Mỹ tiếc trước CPTPP

Theo phân tích của Hãng tin Quartz, việc CPTPP chính thức có hiệu lực chắc chắn là tin đầy tiếc nuối với nông dân Mỹ. Nếu Mỹ còn tham gia, số lượng hàng xuất khẩu như thịt heo, thịt bò và bột mì của Mỹ tới các nước như Nhật, Singapore chắc chắn sẽ tăng nhiều.

"Các đối thủ của chúng ta ở Úc và Canada sẽ hưởng lợi trong khi nông dân của chúng ta đứng nhìn vô vọng" - chủ tịch Hiệp hội Lúa mì Mỹ Vince Peterson nói.

Tuy nhiên với tình hình mới, các mặt hàng này của Mỹ sẽ giảm tính cạnh tranh vì chắc chắn những sản phẩm tương tự của các quốc gia thành viên CPTPP sẽ có giá rẻ hơn đáng kể tại những thị trường tham gia hiệp định.

Chẳng hạn với bột mì, ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, Nhật sẽ lập tức giảm thuế nhập khẩu với sản phẩm này của các nước thành viên, từ đó khiến bột mì của Canada và Úc rẻ hơn 14 USD/tấn so với bột mì của Mỹ. Độ chênh về giá này còn tiếp tục nới rộng theo các giai đoạn triển khai tiếp theo của CPTPP.

Cũng như thế, Canada sẽ giảm từ mức thuế quan 6,1% áp với các loại xe hơi chở khách nhập khẩu xuống còn 0% trong 5 năm tới.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, tổng GDP của các nước thành viên CPTPP sẽ tăng khoảng 1% sau khi hiệp định có hiệu lực chính thức. Họ cũng ước tính

kinh tế Mỹ dự kiến mất khoảng 2 tỉ USD thu nhập do ảnh hưởng từ CPTPP. Các nhóm ngành mậu dịch nông nghiệp của Mỹ đặc biệt lo ngại nguy cơ mất thị phần tại Nhật Bản, đối tác mua lớn nhất các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Sẽ mời thêm các nước tham gia CPTPP

Theo Hãng tin Kyodo (Nhật), việc mở rộng thành viên sẽ là thách thức tiếp theo cho CPTPP. Cho tới nay các nước như Vương quốc Anh, Colombia, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đã bày tỏ quan tâm tới hiệp định thương mại. Cuộc họp đầu tiên của một ủy ban nhằm thảo luận về những thủ tục, quy định tiếp nhận thêm các thành viên mới của CPTPP sẽ diễn ra ngày 19-1-2019 tại Tokyo.

7 quốc gia đầu tiên đã phê chuẩn CPTPP là Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Bốn quốc gia còn lại của CPTPP là Brunei, Chile, Malaysia và Peru vẫn còn đợi quốc hội phê chuẩn hiệp định.

Vì sao Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực vào 30-12? Vì sao Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực vào 30-12?

TTO - Đúng 12h01 trưa 30-12 giờ Việt Nam, nhằm lúc 12h01 rạng sáng 30-12 giờ Canada, Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Vì sao không phải là 1-1-2019?

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên