Phóng to |
Xe tăng quân đội Mỹ nổ súng trong một cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc ở Yeoncheon, nhằm chuẩn bị đối phó với nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters |
Trước hết về thời điểm mà nói, Thời Báo Hoàn Cầu công bố lập trường mới mẻ trên sau cuộc họp giữa đặc phái viên Mỹ Glyn Davies với các quan chức Trung Quốc. Theo ông Davies, hai nước nhất trí rằng “việc thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ là điều rắc rối và là bước thụt lùi trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Cuộc họp đó diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua nghị quyết mới do Mỹ đề xuất để lên án vụ phóng tên lửa ngày 12-12-2012 của Bình Nhưỡng. Việc Trung Quốc - nước có quan hệ “máu đỏ, ruột mềm” với CHDCND Triều Tiên từ hơn 60 năm qua - nhất trí với 14 thành viên Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết này có thể được xem như là một hành động chứng tỏ Bắc Kinh có thái độ đầy trách nhiệm trong vụ vi phạm của Bình Nhưỡng, không như các trường hợp Iran hay Syria.
“Trung Quốc hãy là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” là yêu cầu mà các nước, nhất là Mỹ, vẫn thường nêu ra như một lời thách đố. Từ năm 2010 đến nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bốn lần kêu gọi Trung Quốc hành xử “có trách nhiệm”.
Với việc thông qua nghị quyết trừng phạt đồng minh chí cốt của mình, rõ ràng Trung Quốc muốn tỏ ra có trách nhiệm với một trong những vấn đề nóng bỏng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng việc “có trách nhiệm” này lại nằm trong thời điểm Trung Quốc bị xem như một “điểm đen” từ mấy năm qua khi liên tục làm biển Đông và biển Hoa Đông dậy sóng. Chính những hành động đòi chủ quyền đầy phi lý của Bắc Kinh tại hai vùng biển này đã khiến thiên hạ không ngớt kêu gọi Trung Quốc phải hành xử có trách nhiệm.
Thật ra, loan báo “Trung Quốc sẽ cắt viện trợ...” bất quá chỉ do một tờ báo “phụ san”, chứ không do Nhân Dân Nhật Báo hay do một quan chức Trung Quốc có thẩm quyền nào khác phát đi. Bài báo đó nhằm ra vẻ trung lập khi than rằng chính Bình Nhưỡng cũng đã không chấp nhận việc Trung Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt. Rồi buông một câu xanh rờn: “Trung Quốc cũng mong bán đảo Triều Tiên ổn định. Song nếu như ở đấy có rối rắm cũng đâu phải là ngày tận thế”. Ý nói Trung Quốc đã cố can gián người anh em Bình Nhưỡng rồi, có gì khác thì đừng trách cứ chúng tôi.
Mục đích của hành động tham gia thông qua nghị quyết trừng phạt và loan báo “sẽ cắt viện trợ” nhằm quảng bá hình ảnh một “anh hào quốc tế có trách nhiệm” và để che đậy những cơn sóng ba đào ở nơi khác. Để rồi từ đó Bắc Kinh la làng: “Nếu ở đó có rối rắm cũng có phải là ngày tận thế đâu, và đừng có trách chúng tôi”. Cắt viện trợ “chú em” Bình Nhưỡng thì làm sao Bắc Kinh còn “vùng đệm” ngăn chặn liên minh Mỹ - Hàn Quốc ngay trước cửa nhà đã tồn tại hơn 60 năm qua?
“Thử hạt nhân là yêu cầu của nhân dân” Ngày 26-1, CHDCND Triều Tiên tuyên bố kế hoạch thử hạt nhân lần thứ ba là “yêu cầu của nhân dân”. Tờ Rodong Sinmun khẳng định “chúng ta không có lựa chọn nào khác” và “nhân dân đòi chúng ta làm điều gì đó thậm chí lớn hơn cả một vụ thử hạt nhân”. Chưa rõ điều gì là “lớn hơn cả một vụ thử hạt nhân”. Cùng ngày, Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường nghiên cứu quốc tế nâng cao Johns Hopkins dựa trên phân tích các hình ảnh vệ tinh nhận định Bình Nhưỡng thật sự đã sẵn sàng thử hạt nhân. Hình ảnh tại bãi Punggye-ri, nơi diễn ra hai vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009, cho thấy rất nhiều hoạt động diễn ra trong một tháng qua và các con đường tại đây luôn được dọn tuyết sạch sẽ. Một số ảnh chụp vào đầu tháng còn cho thấy sự xuất hiện của quân đội vũ trang, xe buýt và nhiều phương tiện khác. TRẦN PHƯƠNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận