Thủ tướng Hi Lạp chính thức từ chứcHi Lạp đạt được thỏa thuận về tân thủ tướng
Phóng to |
Theo Reuters, ông Papademos dự kiến sẽ lên danh sách một nội các khủng hoảng vào hôm nay (11-11) để bắt đầu các biện pháp thắt lưng buộc bụng đáp ứng yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đổi lấy gói cứu trợ 130 tỉ euro và ổn định tình hình chính trị trong nước, tránh cho Athens vỡ nợ và bị buộc rời khỏi khối sử dụng đồng euro.
Là một cựu phó thống đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Papademos giờ sẽ phải bán bớt các công ty thuộc sở hữu nhà nước, tấn công vào nạn trốn thuế kinh niên và bắt đầu thu dọn đống nợ nần của ngân quỹ theo một kế hoạch cứu trợ đã được các lãnh đạo EU thống nhất vào tháng trước.
“Con đường của chúng ta sẽ không dễ dàng nhưng tôi tin rằng những vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn với một chi phí nhỏ hơn nếu như chúng ta thật sự có được sự đoàn kết, thông hiểu lẫn nhau và sự thận trọng khôn ngoan” - Reuters dẫn lời ông Papademos nói ngày 10-11.
Những nguồn tin từ cả hai đảng, Đảng Xã hội cầm quyền và Đảng Dân chủ mới đối lập, đều cho biết ông Evangelos Venizelos nhiều khả năng tiếp tục đảm nhận cương vị bộ trưởng tài chính trong nội các mới, dự kiến ra mắt vào lúc 12g giờ GMT (19g giờ Việt Nam) ngày 11-11.
Ông Papademos, 64 tuổi, được các nhà kinh tế ủng hộ như một giải pháp thích hợp cho cuộc khủng hoảng lúc này của Hi Lạp, nhưng thử thách của ông sẽ rất lớn do dư luận nước này chống đối mạnh mẽ các biện pháp thắt chặt chi tiêu sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế khiến nền kinh tế Hi Lạp có thể bước vào năm suy thoái thứ tư liên tiếp trong năm 2012. Ông cũng sẽ phải tranh thủ sự ủng hộ của hai đảng phái chính, vì những lý do chính trị, sẽ muốn tránh xa các biện pháp khắc khổ mất lòng dân trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 19-2.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đều liên tiếng ca ngợi quyết định chỉ định ông Papademos, nhưng đồng thời hối thúc Hi Lạp đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề nợ công ở mức 162% GDP trong năm nay, vượt xa mức trung bình của EU 85% và mức 62% của Argentina khi nước này phải tuyên bố phá sản năm 2001.
“Từ lâu chúng tôi đã nhấn mạnh yêu cầu cần có sự thống nhất chính trị về các biện pháp đưa Hi Lạp ra khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Vì thế, chúng tôi chào đón tin tức này nhiệt thành”, các nhà lãnh đạo EU nói trong một tuyên bố chung.
Tại Hi Lạp, 8.000 người ủng hộ của Đảng Cộng sản đã tuần hành trước quốc hội nước này tối 10-11, hô vang “không thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng”. Sức ép từ quần chúng khiến lợi ích chính trị của các đảng phái vẫn là một vấn đề khó giải quyết.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng người đứng đầu Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras suýt nữa đã xé bỏ thỏa thuận về chính phủ liên hiệp sau khi ông Papademos yêu cầu tất cả các đảng phái phải cam kết thúc đẩy những cải cách mà Hi Lạp đã hứa với các chủ nợ.
Ngay trước đó, cựu thủ tướng George Papandreou đã có một hành động kỳ lạ khi yêu cầu trưng cầu ý dân về các gói thắt lưng buộc bụng mà ông đã thỏa thuận với những lãnh đạo EU, nhưng phải rút lại quyết định này do sức ép từ bên ngoài. Rốt cuộc ông cũng chấp nhận từ chức, nhưng chỉ sau khi đã thỏa thuận được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho phép đảng của ông tham gia thành lập chính phủ đoàn kết.
Nhiều nhà phân tích lo ngại tranh cãi chính trị sẽ tiếp tục cản trở những nỗ lực của ông Papademos. “Thật khó có thể cho rằng các liên đoàn lao động và người dân lại sẵn sàng ủng hộ một chính phủ kỹ trị không được bầu ra, mà do EU yêu cầu, thậm chí là chỉ do Đức” - Chris Williamson, kinh tế trưởng ở Công ty nghiên cứu thị trường Markit, nói với Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận