Một ngày cuối năm 2019, Hoa hậu H’Hen Niê cùng phóng viên Tuổi Trẻ Xuân vượt hàng trăm km đường bộ và 2km đường núi khắc nghiệt để đến với Tắk Pổ (Nam Trà My, Quảng Nam). Chuyến đi lách giữa hai cơn bão và mưa lũ. Thật kỳ diệu khi Tắk Pổ đang mưa dầm suốt tuần bỗng có ngày trời trong khi Hen (tên gọi thân mật của H’Hen Niê) đến, dù đêm mưa, nhưng nhờ những khoảnh khắc trong trẻo bất ngờ ấy. Chúng tôi đi cùng H’Hen Niê trên chuyến xe 5 tiếng từ Đà Nẵng lên Nam Trà My, đến dưới chân núi Ngọc Linh, rồi cùng leo lên Tắk Pổ. Ba từ "dốc đứng", "cheo leo" và "lầy lội" không mô tả hết sự khắc nghiệt của con đường này, khiến cả đoàn mất khoảng 2 giờ đồng hồ để vượt qua.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 1.

Sáng hôm ấy, cô Trà Thị Thu (25 tuổi) và cô Riah Uối (23 tuổi) nhận được tin sẽ có khách đặc biệt đến Tắk Pổ. Các cô hỏi đó có phải một quan chức không, có phải tổ chức lễ tiếp đón không. Các cô được trả lời vị khách này rất nổi tiếng, nhưng không, không cần một lễ tiếp đón nào cả. Cô đến như một người nhà. Đó là H’Hen Niê. Quê hương cô ở buôn Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Từ nhà Hen, hơn 350km theo núi mà đi, sẽ đến Tắk Pổ và ngược lại.

Một người là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. Hai người còn lại là giáo viên trên điểm trường khó khăn nhất của trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam. Nhưng trong cuộc hạnh ngộ, giữa họ không hề có khoảng cách. Cả ba đều là những cô gái sống trên núi cao, mang trong mình nhiều ước mơ và sẵn sàng chia sẻ ước mơ cho con trẻ.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 2.

Tôi đoán trước Hen sẽ hào hứng với chuyến đi này, dù được báo trước là rất gian khổ, diễn ra trong những ngày mưa dầm sau bão...

- Từ sau khi đăng quang hoa hậu, môi trường xung quanh tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi được tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau: khó khăn cũng có, thượng lưu cũng có. Trước đây, tôi chưa bao giờ hình dung cuộc sống của mình lại nhiều màu sắc đến như vậy. Nhưng, tôi đặc biệt quan tâm đến trẻ em và các hoạt động cộng đồng. Trước kia, tôi cứ nghĩ làm hoa hậu sẽ có rất nhiều thời gian dành cho cộng đồng. Nhưng thành hoa hậu, tôi mới hiểu hoá ra thời gian của mình phải chia sẻ cho rất nhiều hoạt động khác nhau. Điều tôi mong muốn làm cho cộng đồng, chưa làm hết được. Khi nghe các thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 chia sẻ mong muốn của họ với cộng đồng, tôi nhớ lại mình của ngày xưa.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 3.

* Đây có phải là chuyến đi đầu tiên của Hen đến với trẻ em vùng cao đâu. Làm Hoa hậu, Hen đã có nhiều chuyến đi như thế này lắm nhỉ? Động lực nào ngoài "nghĩa vụ" của Hoa hậu, đưa Hen đi đến những nơi này?

Tôi đi khá nhiều nơi, nhưng đều mới dừng lại ở tặng quà, hỗ trợ. Trong thâm tâm, tôi muốn bỏ thời gian khoảng 1, 2 tháng sống chung với người dân, tìm hiểu những vấn đề của họ để giúp đỡ họ. Tôi không thích kiểu chỉ về một hôm để trao quà. Làm vậy không hiệu quả. Khi ra Tây Bắc, tôi chỉ mong có một dự án trồng cây nông nghiệp hoặc gì đó dài hạn cho người dân. Khi thăm trẻ em mồ côi ở Bảo Lộc, tôi muốn ngủ lại đó, sinh hoạt và cùng các bà sơ chăm sóc các em. Chỉ có vậy, tôi mới hiểu được tâm tư của các em.

Tôi rất thích cách hoạt động của Mùa hè xanh, vì các bạn sinh viên tình nguyện đã lên sống cùng đồng bào trong 1, 2 tháng, lao động cùng đồng bào. Khi dạy tiếng Anh cho các em, nếu thấy không hiệu quả, các bạn sẽ thay đổi phương pháp. Chứ hoa hậu thì là cưỡi ngựa xem hoa thôi.

* Nghe những gì Hen còn trăn trở, về hoạt động cộng đồng, về nghĩa vụ Hoa hậu, phải chăng Hen còn đang day dứt vì không ít những mong muốn của mình hình như chưa thực hiện được?

- Mỗi ngày thức dậy, bị cuốn theo guồng quay công việc, tôi thường quên đi cảm giác day dứt. Nhưng thỉnh thoảng, có những lúc ngồi tĩnh tâm lại, tôi thực sự thấy hối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho các em. Nhiều lúc đi tặng quà theo các tổ chức, tôi thấy hơi buồn vì người nhận so bì với nhau ai được quà to hơn.

Tôi nhớ một lần đi trao quà, có một bác nói rằng nhà bác rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách nhận quà. Lúc đó, tôi lấy tiền túi biếu bác một ít. Nhưng thực lòng, tôi không hề thích làm vậy, nó giống như sự thương hại chứ không phải giúp đỡ đúng nghĩa.

* Theo Hen, với trẻ em ở vùng cao và trẻ em ở những vùng khó khăn khác nữa mà Hen từng gặp, vấn đề lớn nhất của chúng là gì?

- Tôi không đến gặp các em với tư cách một người nổi tiếng mà như một người chị, một người đồng hành. Các em quý tôi, khóc khi thấy tôi, khiến tôi rất cảm động. Điều tôi trăn trở nhất chính là làm sao để các em có ước mơ, luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Nếu quay lại, tôi sẽ có một định hướng rõ ràng hơn.

* Hôm nay ở Tắk Pổ, Hen có hồi hộp nghĩ điều gì đang chờ mình không?

- Tôi nghĩ mình có làm được gì cho họ không nhỉ? Chắc là không nhiều, không thể ngay lập tức. Nhưng tôi đến đây bằng cả tấm lòng. Tôi muốn tự mình chuẩn bị quà tặng cho các em nhỏ và hai cô giáo, nhưng quãng đường lên núi lại khó khăn quá, không có phương tiện vận chuyển. Không thể lên tặng quà mà để bà con dân bản phải vác nặng giúp mình. Vì thế, tôi chuẩn bị một ít quà tặng cá nhân cho 2 cô giáo, như đôi giày thật tốt để các cô đi lại thuận tiện hơn.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 4.
H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 5.

* Hai năm sống với nghĩa vụ và quyền lợi dưới chiếc vương miện hoa hậu, Hen đã mệt chưa? Trao lại vương miện cho người kế vị xong rồi, Hen còn hứng thú với những chuyến đi kiểu này, những hoạt động tương tự nữa hay là… thôi nhỉ?

- Tôi nghĩ rời vương miện, bỏ lại sau lưng những gì mang tên nghĩa vụ Hoa hậu, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để đồng hành với các cộng đồng. Tôi thật lòng mơ ước cuộc sống của mình sẽ chuyên về hoạt động cộng đồng, tôi mong muốn được tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Tôi không biết tương lai sẽ ra sao nhưng hiện tại tôi mong mình sẽ không đòi hỏi gì về vật chất. Dù vậy, tôi cũng hiểu rằng nếu mình bỏ hết công việc để đi làm những hoạt động kể trên, ai sẽ lo cho gia đình mình? Hiện tại, tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình. Đấy là mong muốn. Đấy là mơ ước. Tôi vẫn chưa dám bỏ hết tất cả.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 6.

* Cuộc sống của gia đình Hen hiện tại ra sao?

- Cuộc sống của gia đình tôi không thay đổi quá nhiều, sau khi tôi trở thành hoa hậu. Bố mẹ tôi ở nhà vẫn lao động như bất kỳ người dân nào ở buôn.

Tôi có 3 người em. Một em gái đã lấy chồng, còn 2 em trai đều nghỉ học từ lâu, không học hết 12 luôn. Một em trai đang làm công nhân ở Bình Dương. Tôi kêu em thôi đừng đi làm công nhân nữa, hãy tìm một nghề nào đó, tôi sẽ hỗ trợ em đi học nghề. Vì tôi nghĩ đến tương lai, các em tôi không thể cứ làm công nhân mãi.

Đó không phải là tình trạng riêng của các em tôi mà là tình trạng chung của trẻ em buôn làng. Các em không có ước mơ, không biết mình mong muốn làm gì. Trong suy nghĩ của các em, có được công việc làm thuê, mỗi ngày được trả 100.000 đồng để gặp gỡ bạn bè uống cà phê là mừng rồi. Các em sẵn sàng nghỉ học để đi làm những công việc như vậy. Các em không hề có kế hoạch dài hạn cho cuộc đời, điều đó khiến tôi trăn trở.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 7.

* Những người trẻ, những đứa trẻ sống không ước mơ, không giống Hen, như trước đây hay như ngay bây giờ. Và những người trẻ không mơ ước ấy ở ngay trong gia đình mình, mỗi lần nghĩ đến, Hen có bao giờ chán đến mức muốn buông tay?

- Tôi buồn lắm. Các em tôi bỏ học từ trước đó rất lâu, khi tôi còn làm người mẫu ở Sài Gòn chứ chưa đi thi hoa hậu. Tôi động viên, khích lệ đủ kiểu, nhưng trong đầu các em không tồn tại ý nghĩ sẽ thay đổi cuộc sống qua giáo dục. Trong nhà tôi đã vậy, trong buôn làng cũng vậy. Đến tận bây giờ, vẫn chẳng có mấy em học hết lớp 12 và nghĩ đến chuyện học cao hơn.

Năm ngoái, có một bé gái trong buôn học qua 12, mẹ em nói với tôi em thích xuống Sài Gòn học, tôi đã về quê để trò chuyện, tư vấn cho em. Tôi nói bé xuống đây ôn thi, tôi dắt đi làm hồ sơ, hỗ trợ. Cuối cùng, bé cũng thi đỗ vào Đại học Mở TP.HCM, chuyên ngành công nghệ thông tin. Bé học đại học, người lớn trong buôn chỉ hỏi học ngành này ra làm nghề gì. Còn tôi quan tâm đến cá nhân bé hơn, tôi hỏi vì sao con thích ngành này, học ngành này thì con khám phá được những tố chất gì của bản thân. Thỉnh thoảng, buổi tối không phải đi đâu, tôi lại tìm gặp, nói chuyện và chỉ cho bé những cách để sống tự tin hơn. Nhưng đó là trường hợp quá hiếm hoi trong buôn của tôi.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 8.
H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 9.

* Ở Tắk Pổ, điều kiện vệ sinh của người dân và đặc biệt là trẻ em có như ở buôn của Hen không?

- Tôi quan sát thấy các em học sinh ở đây bị chảy dịch ở tai. Đó là một căn bệnh mà tôi và trẻ em quê tôi cũng từng bị khi còn nhỏ, có thể xuất phát từ điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Tôi đoán là tình trạng này của các em nhỏ Tắk Pổ cũng có cùng nguyên nhân. Nguồn nước là một trong những điều cần quan tâm nhất.

* Nguồn nước nhiễm bẩn trong buôn làng là vấn đề nhức nhối Hen đã nêu lên từ năm ngoái, đến giờ, câu chuyện bức xúc và buồn bã ấy đã được giải quyết chưa?

- Ở buôn làng quê tôi, người dân dùng nước từ những ống hứng nước mưa gắn ngoài ruộng. Các ống này được đặt rất gần với mặt đất, không hề có biện pháp lọc. Mà đất nông nghiệp, người ta dùng thuốc trừ sâu hay phân bón ngay gần đó. Nếu muốn hiểu rõ, phải sống chung với người dân. Đó là cách duy nhất để hiểu hết mức độ nghiêm trọng của tình trạng nước bẩn này.

Năm ngoái, tôi có dự định làm hệ thống lọc nước chung cho buôn làng. Nhưng sau khi khảo sát, chi phí quá lớn, đội lên tiền tỉ. Hơn nữa, một khó khăn rất lớn là thủ tục hành chính, do hệ thống lọc nước phải đi qua đất đai của rất nhiều gia đình và cả đất công nữa. Đất dưới quê đã phân chia hết rồi, làm giếng hay lắp máy lọc thì đặt trên đất của ai cũng là vấn đề đau đầu.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 10.

* Nước nhiễm bẩn đã là nguyên nhân ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người dân buôn làng, hay ngay chính trong gia đình Hen, khiến Hen vừa bức xúc vừa trăn trở đau xót?

- Ngày trước, tình trạng sức khoẻ của người dân buôn làng tôi rất tốt. Hồi học lớp 6, có lần tôi đi cấp cứu mà gần như cả buôn làng đến thăm vì chuyện đó quá hiếm hoi. Người cho 2.000 đồng, người cho 5.000 đồng. Nhưng bây giờ, người bệnh ngày càng nhiều. Trước đây người dân hầu hết qua đời vì tuổi già thì nay qua đời vì bệnh tật dường như nhiều hơn xưa. Tôi nghĩ nguyên nhân phần lớn xuất phát từ nguồn nước. Có lẽ tỷ lệ nhiễm bẩn ngày càng cao.

Tôi có một người bạn cùng lứa, ngày xưa học chung. Từ năm 2014, sau một lần bị té, bạn tự dưng liệt toàn thân, không rõ lý do. Tôi về thăm, thấy cơ thể bạn teo lại còn nhỏ xíu, ngồi trên xe lăn, thấy thương vô cùng. Về mặt kinh tế, người dân quê tôi khá hơn do chuyển sang trồng những loại cây có năng suất cao và tiêu thụ tốt hơn. Hồi trước trồng bơ, người dân chỉ biết bán 2.000, 3.000 đồng một ký. Bây giờ chuyển sang giống bơ năng suất cao, còn có thể xuất khẩu nữa.

Tôi về quê cũng thấy người dân xây nhà khang trang hơn nhưng đó là do quá trình tích cóp 10, 20 năm mới làm nên được, chứ không phải gần đây họ bỗng dưng giàu lên.

* Bệnh tật tăng ngoài ô nhiễm nguồn nước do các yếu tố như thuốc trừ sâu, phân bón, Hen quan sát ở buôn làng, thấy đất đai trồng trọt đã thay đổi ra sao thói quen nương rẫy của bà con?

- Hồi xưa, có loài cỏ tranh, người dân cứ làm cỏ hoài mà không hết, họ chuyển sang dùng thuốc diệt cỏ. Gia đình nào cũng vậy, mọi người phấn khởi vì thấy hiệu quả. Khi tôi chưa nghiên cứu gì về đất, tôi cũng không ngờ đến những hậu quả của việc dùng thuốc diệt cỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến đất đai. Chúng tôi không hề biết hành động đó sẽ làm đất thoái hoá và lâu ngày thì chết dần. Tôi luôn nghĩ sau này phải dành tiền mua đất nông nghiệp để cải tạo.

Tôi phổ biến thông tin cho gia đình mình để mọi người hiểu. Nhưng trong buôn không dễ dàng như vậy. Mỗi gia đình đều tin theo những thông tin họ có, rất khó để thay đổi những suy nghĩ lâu năm. Vì ý định mua đất nông nghiệp để cải tạo và sử dụng lâu dài, tôi đã và đang tìm hiểu rất nhiều về các loài cây và tác động của chúng đến môi trường.

Những năm tới, tôi dự định sẽ tập trung cải tạo đất nông nghiệp của gia đình, qua đó tìm ra lối đi mới cho người dân buôn tôi. Tôi bước ra từ buôn làng, chỉ là tạm bước ra, còn thâm tâm tôi luôn ở đó...

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 11.
H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 12.


Bộ ảnh đó được Tuổi Trẻ chuyển tải và cũng khởi đầu cho một hành trình đẹp như cổ tích. Từ một điểm trường nằm ở lưng chừng núi Ngọc Linh, nơi hoang vu ít ai biết tới, Tắk Pổ xuất như một điểm trường trong trẻo truyền cảm hứng về cái đẹp của nghề dạy học, của sự sẻ chia ở nơi tưởng như khó khăn nhất.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 13.

Một chiều sau bão, 34 đứa trẻ Ca Dong và 2 cô giáo đã “đứng tim” khi thấy Hoa hậu H’Hen Niê bất ngờ xuất hiện giản dị trên bãi cỏ may trước cổng rào nhỏ dẫn vào điểm trường Tắk Pổ. Lúc Hen xuất hiện, nhiều bà con Ca Dong thậm chí không tin nổi vào mắt mình. Họ vốn chỉ thấy cô hoa hậu mang màu da đặc trưng với nụ cười hiền khô xuất hiện trên tivi, điện thoại đầy sang trọng chứ không ngờ hoa hậu một ngày nào đó tự đi chân trần cõng đồ vượt núi tới Tắk Pổ. Một người nhận ra Hen, hai người bắt đầu ồ lên, rồi dân làng ở nóc Tắk Pổ đã chạy ào ra để nhìn ngắm hoa hậu thật ngoài đời.

Cô giáo Thu ngượng ngùng, thoáng chút bối rối khi gặp Hen rồi ôm ngực: “Chúng em không ngờ mọi thứ lại tới... mức này. Không thể tin được rằng điểm trường nơi mình dạy lại được mọi người yêu quý đến vậy. Sự xuất hiện của hoa hậu là điều mà bà con, mọi người khó tin nhất.

Ngày hôm sau, khi chia tay hoa hậu và đoàn công tác của Tuổi Trẻ, cô Thu đã viết những dòng thẫm đẫm sự xúc động về một năm đặc biệt trên Facebook của mình: “Cảm ơn sự ngọt ngào của nghề dạy học đã đem đến cho tôi quá nhiều thứ, cảm ơn tất cả những khó khăn và cả nước mắt tủi hờn những ngày gian khó. 2019 này sẽ là một năm đánh dấu những kỷ niệm, cả sự trưởng thành mà cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên...”

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 14.

Hai cô giáo Trà Thị Thu và Riah Uối - cùng dạy ở điểm trường Tắk Pổ - được biết đến từ một sự ngẫu nhiên: những bức hình chụp buổi khai giảng để làm kỷ niệm. Nằm cheo leo trên triền núi mờ sương đỉnh Ngọc Linh, Tắk Pổ từ lâu là một trong những điểm trường heo hút nhất ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Để chuẩn bị cho học trò ở đó một lễ khai giảng đủ đầy, ấm cúng, cô giáo Thu cùng Uối đã cõng ba-lo mang theo hồ dán, giấy màu trước đó mấy ngày để dán chữ, trang trí cho chương trình khai giảng. Sáng 5-9, trời vừa ngớt mưa rừng thì 34 đứa trẻ đầu khét nắng gồm khối Mầm non và khối Tiểu học đã đến cửa lớp háo hức đón lễ khai giảng. Hai cô giáo kê bàn, ráp ghế, khoảnh gỗ nhỏ nơi hai cô giáo làm chỗ ngủ được kê lên để làm bục treo băng rôn chào mừng lễ khai giảng. Đám học trò xếp ghế ngồi lúc nhúc dưới nền sân còn ướt mưa, hướng ánh mắt tròn to lên bục giảng để nghe cô giáo dạy hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước chúc mừng năm học mới.

Cô giáo Thu chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng sau ngày khai giảng, mọi thứ đến với Tắk Pổ, đến với hai cô giáo như một giấc mơ: “Chúng em không thể tin một ngày nào đó Tắk Pổ sẽ liên tục được đón từng đoàn khách tới thăm. Sự kiện “sốc” nhất là hoa hậu H’Hen Niê trực tiếp đi bộ lên, cùng ăn ở với cô trò một đêm hai ngày. Thật khó tin khi một nơi khó khăn, thiếu thốn đủ bề như Tắk Pổ lại luôn đón nhận được sự yêu quý, nhớ nhung của quá nhiều người…

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 15.

Ngày chúng tôi cùng hoa hậu H’Hen Niê lên thăm Tắk Pổ, ngôi trường đang thay đổi từng ngày. Dễ cảm nhận nhất là sự háo hức, vui tươi đặc biệt của hai cô giáo trẻ và dân làng ở nóc Ca Dong. Hình ảnh đẹp về lễ khai giảng mà báo Tuổi Trẻ chia sẻ đã khiến Tắk Pổ thành điểm đến của nhiều tấm lòng hảo tâm với vùng cao, với giáo dục. Một cán bộ trẻ ở TP.Đà Nẵng đã bật khóc rồi quàng tay ôm cô Thu, cô Uối: “Vật chất thiếu thốn chúng ta có thể san sẻ, cõng lên chia cho nhau được. Nhưng tôi không tưởng tượng được sự thiếu thốn về tinh thần, các cô còn quá trẻ, lại đang ở tuổi đôi mươi, tuổi của những cảm xúc yêu đương, tìm hiểu trong trẻo đẹp đẽ nhất. Ở đây đường sá, công việc đã ngăn cách mọi thứ. Sự hi sinh, chịu đựng của các cô làm chúng tôi xúc động!”

Hai cô giáo ở Tắk Pổ vài ba tuần mới xuống núi một lần. Đường đi bộ quá xa. Kể cả thứ 7, chủ nhật thì các cô cũng ráng ở lại bởi những đứa trẻ vẫn cần được chăm sóc trông coi. Cô Trà Thị Thu “khai” rằng vì sống quanh năm trên các điểm trường vùng cao nên cô vẫn... chưa có bạn trai. Nhưng kể cả có bạn trai cũng có cả những nỗi niềm khó kể. Cô Riah Uối không biết... đi xe máy, nên mỗi lần có thời gian về quê nhà ở Nam Giang (Quảng Nam) thăm người yêu cô Uối phải đi mất cả ngày trời. Lúc nhờ bạn chở về, có hôm bắt xe ôm để đi nhưng đôi lúc nhớ nhung quá thì bạn trai của cô từ Nam Giang phải chạy xe máy vượt hàng trăm cây số lên huyện để gặp người yêu.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 16.

Tuyến đường lên Tắk Pổ trước đây chỉ là một lối mòn, lâu lâu bà con trên làng mới xuống núi để mua đồ ăn, thuốc men. Từ ngày hai cô giáo làm lễ khai giảng trên điểm trường, lối đi nhỏ ấy đã được mở rộng ra, cỏ cây bị dẫm nát bởi mỗi tuần có hàng chục đoàn lên thăm. Cả cô Thu và cô Uối phải vừa dạy học, vừa hướng dẫn mọi người nói chuyện với dân làng.

Từ một điểm trường hoang vu, chỉ có các giáo viên vùng cao mới biết tới, Tắk Pổ nay đã được nhiều người quan tâm. Điểm trường nơi hai cô dạy cũng đã có thêm tivi thông minh, được lắp mạng wifi, được tặng dàn pin năng lượng mặt trời để đêm đêm cô trò có điện ôn bài. Hai cô giáo cũng nhận được nhiều món quà rất ý nghĩa như laptop để soạn giáo án, giày dép. Lãnh đạo huyện tặng các cô bằng khen, thêm hàng chục thư khen ngợi, chia sẻ mà các đồng nghiệp, bè bạn trên cả nước gửi về...

Giờ đây, Tắk Pổ đã đông vui và tấp nập vào những ngày cuối tuần. Điểm trường ấy như một điểm đến để mọi người có thể nhìn thấy và chia sẻ niềm vui, chắc hẳn không chỉ là về cái đẹp của nghề dạy học trên vùng cao.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 17.

Với một năm đáng nhớ như 2019, hai cô giáo nói rằng tết này sẽ dành tặng bà con Tắk Pổ một cái tết đặc biệt. Hai cô sẽ góp tiền xuống núi mua dụng cụ, nồi nấu, thịt mỡ, hành tây, tiêu sọ. Hai cô sẽ mời dân làng vào rừng hái lá dong, chặt dây giang về cùng gói bánh chưng, cùng dân làng đón tết Nguyên đán.

Cô Ri Uối tâm tình: “Tụi em mong rằng qua năm mới gia đình mình, tất cả bà con Ca Dong, học trò của tụi em và mọi người sẽ có một cái Tết sum vầy, ấm cúng, năm mới mọi điều hạnh phúc tốt đẹp và may mắn nhất sẽ tới!”

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 18.

Cô Trà Thị Thu chia sẻ, cô đang ấp ủ nhiều dự tính như hướng dẫn cho bà con Ca Dong ở Tắk Pổ xây nhà vệ sinh, trồng lúa nước, nuôi trâu bò. “Bà con trên này vẫn chỉ sống theo thói quen tự cung tự cấp, qua năm tụi em sẽ bắt đầu hướng dẫn bà con góp công để làm nhà vệ sinh, đưa những em khoẻ mạnh, học hết cấp 2, gửi nhờ bạn bè, người quen ở các thành phố nuôi nấng, tạo công ăn việc làm cho các em. Sau này khi các em quay về Tắk Pổ sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức và cuộc sống cho dân làng”, cô Thu nói.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 19.
H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 20.

Để tiếp nối câu chuyện cổ tích từ Tắk Pổ, Báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm của Cộng đồng cựu sinh viên Học viện Công nghệ AIT Việt Nam đã quyết định xây tặng một công trình đặc biệt tại Tắk Pổ.

Ông Lê Thanh Hảo - chủ tịch AIT Việt Nam cho biết ý tưởng đã được các kiến trúc sư đi khảo sát, lên bản vẽ: “Chúng tôi đang trao đổi, gấp rút hoàn thiện các thủ tục, cách làm với các bên để dự kiến giữa năm 2020 này có thể khởi công công trình. Nếu thành hiện thực thì đây sẽ là một món quà rất đẹp để tặng hai cô giáo trẻ và các nhà giáo vùng cao khác đã cống hiến hi sinh tuổi thanh xuân ở vùng sâu vùng xa”.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My ông Hồ Quang Bửu nói địa phương sẽ ủng hộ, góp công của để công trình này sớm thành hiện thực.

H’Hen Nie đến với cô trò Tắk Pổ - Ảnh 21.

Mi Ly -
THÁI BÁ DŨNG
NGUYỄN KHÁNH, MI LY
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên