06/07/2016 09:21 GMT+7

Hết tỉnh táo nổi với buổi mua đất dự án qua môi giới

TIẾN LONG (tienlong@tuoitre.com.vn)
TIẾN LONG (tienlong@tuoitre.com.vn)

TTO - Trong hoạt động địa ốc, vai trò của công ty môi giới khá quan trọng. Nhiều công ty làm vai trò trung gian khá tốt, nhưng cũng có nhiều nơi làm ăn chụp giựt.

Đi mua đất dự án đông như trẩy hội! - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đi mua đất dự án đông như trẩy hội! - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế nên nhiều người chắt chiu dành dụm những đồng tiền khó nhọc, đắn đo tìm mua cho mình một miếng đất cất nhà, cuối cùng lâm cảnh tiền mất tật mang..

Hình thức phổ biến là các công ty môi giới thường tổ chức những buổi giới thiệu dự án, mở bán đất nền để khách hàng chọn mua và đặt tiền cọc. Hai ngày cuối tuần là thời điểm các công ty môi giới đưa khách đi xem buổi mở bán dự án.

“Sống cái nhà, già cái mồ”. Vì thế, khách hàng tham gia những buổi đi mua đất dự án này thường là những người có tuổi.

Háo hức đi mua đất dự án

Một ngày chủ nhật, từ TP.HCM, chúng tôi cùng hàng trăm khách hàng tham dự buổi mở bán đất của một dự án tại huyện Đức Hòa (Long An). Công ty cho xe đưa đi, cả khách và nhân viên ngồi chật kín sáu ôtô 48 chỗ.

Lên xe, mỗi khách được phát một suất ăn sáng, nước uống, được chăm sóc rất tận tình. Xe vừa đi qua khu Tên Lửa (Q.Bình Tân), các nhân viên môi giới liên tục giới thiệu sự phát triển rầm rộ của dự án ở Long An.

Qua lời họ, chúng tôi hình dung mồn một khu nhà của mình sau này sẽ mọc lên khu trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, con đường nối từ TP.HCM tới dự án được mở rộng và giao thông không còn là vấn đề, qua đó có trường học, bệnh viện, công viên cây xanh và còn kết nối với tuyến metro...

Bởi vậy, theo các nhân viên môi giới, giá trị đất ở đây đang tăng vùn vụt từng ngày, “hồi mở bán đợt 1 giá chỉ 3-4 triệu đồng/m2, giờ đã lên 15 triệu đồng/m2 nhưng hôm nay công ty vẫn ưu đãi lấy giá như đợt đầu” khiến ai cũng nôn nao.

Lúc trên xe họ nói từ TP.HCM đến “nhà tương lai” của chúng tôi chỉ mất 15 phút, nhưng sáu chiếc xe đầy khách hàng lọ mọ gần hai giờ mới đến nơi. Tuy nhiên ai cũng háo hức nên không để ý điều này, hơn nữa trong tương lai đường sá mở to, lại có tàu điện metro, lo gì!

Dẫn dụ “con mồi” trút hầu bao

Vừa bước xuống xe, các nhân viên đã kéo khách vào hội trường tư vấn đặt cọc. Tôi có được ít tiền chắt bóp, cẩn thận đi ngó quanh cái dự án “của mình”.

Khu đất dự án cỏ hoang mọc um tùm, chẳng thấy phân nền cắm mốc gì, chủ đầu tư mới làm đường, trụ điện, xây một dãy nhà trọ... cho dễ bán. Cái trung tâm thương mại tương lai hiện đang là một khu chợ tự phát của công nhân. Và cũng chỉ có vậy bởi công viên, nhà ga, trạm xe buýt còn chờ ở tương lai, dĩ nhiên rồi.

Trong hội trường, cờ phướn, băngrôn treo khắp nơi. Một xe máy mới cáu và một tivi màn hình phẳng bự cùng nhiều quà tặng hấp dẫn bày sẵn cho chương trình bốc thăm trúng thưởng. Loa phát vang vang, rôm rả quá chừng. Khách hàng mua một nền được hai phiếu bốc thăm.

Trong tiếng nhạc mở thúc giục sôi động, nhân viên môi giới thi nhau thúc giục khách đặt cọc. Đồng tiền đi liền khúc ruột, ai cũng thận trọng ngần ngừ nhưng ai cũng sợ người khác chọn được miếng ngon, mất phần mình.

Ở bàn tư vấn, khách chưa kịp hỏi, đội ngũ nhân viên tư vấn đông đảo đã chỉ ngay những lô chưa bán, thúc giục đặt cọc. Khi chúng tôi muốn xem giấy tờ, nhân viên đưa ra một bản giấy photo chi chít sơ đồ.

Một nhân viên có vẻ là cấp trên hối thúc nhân viên khác gấp gáp gặp sếp lớn, yêu cầu giữ lại ba nền đẹp nhất cho chúng tôi chọn vì có lẽ anh ta có... cảm tình với chúng tôi. Chưa đến hai phút sau, nhân viên kia chạy ào về loan báo: một trong ba nền đã được bán! Anh nhân viên “cảm tình” hớt hải: “Đặt nhanh kẻo hết anh ơi...”.

Trên sân khấu, người dẫn chương trình liên tục đọc tên khách và ký hiệu nền đất được đặt cọc. Mỗi khi ký hiệu nền đất đọc lên, ở dưới nhân viên tư vấn ồ, à tiếc nuối cho khách “của mình”.

Không khí càng gấp gáp khi người dẫn chương trình hối thúc khách đặt mua để mở màn vòng quay thưởng. Ai nấy vừa ngần ngừ vừa háo hức tựa hầu đồng. Không khí gấp gáp ngây ngất làm nhiều người bị cuốn hút, nhiều người rút tiền đặt cọc mà không còn để ý đến giá cả.

Gần 12g, người dẫn chương trình thông báo số lượng nền nhà bán vượt chỉ tiêu nên công ty tăng thêm giải thưởng rút thăm. Phía dưới các nhân viên vỗ tay ào ào, ai nấy càng phấn khích. Tổng cộng buổi mở bán gần ba giờ có khoảng 50 nền đất được đặt cọc.

Trời ơi hợp đồng “hứa bán”!

Mua đất dự án còn đưa người mua đến với những giao dịch tiềm ẩn rủi ro, nhất là mua qua công ty môi giới với những hợp đồng dạng... hứa, loại hợp đồng chưa có trong bất kỳ văn bản luật nào quy định.

Tháng 8-2015, vợ chồng anh T.V.H. (H.Hóc Môn, TP.HCM) đến xem “chiến dịch” bán nền đất rầm rộ của một công ty môi giới tại dự án gần nhà nhưng không có lô đất vừa ý. Liên tục ba tuần sau đó, nhân viên công ty này gọi điện mời anh tham gia các đợt mở bán mới. Đến lần thứ năm, anh H. đồng ý mua một nền, đóng 20 triệu đồng tiền cọc.

Theo hợp đồng, số tiền còn lại đóng theo năm đợt. Đợt cuối công ty giao đất cho người mua. Anh H. chạy vạy đóng đến đợt 2 được 60% giá trị hợp đồng.

Tới hạn đóng đợt 3, anh điện hỏi, nhân viên công ty cho biết nền đất đang... trục trặc giấy tờ nên cho anh đóng một lần vào đợt cuối. Đến hạn, anh H. mang toàn bộ tiền đi đóng, nhân viên cũng không nhận vì chưa “lấy” được đất.

Công ty đưa ra ba phương án: một là người mua cho thêm thời gian để công ty “lấy” đất; hai là đổi lại đất khác cùng dự án hoặc của dự án khác; ba là muốn lấy lại tiền phải chịu 50 triệu đồng... phí dịch vụ! Chật vật lên xuống gần nửa năm trời, vợ chồng anh H. mới lấy lại được những đồng tiền nhọc nhằn của mình!

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn luật sư TP.HCM, hợp đồng hứa mua, hứa bán không có trong quy định pháp luật. Về mặt pháp lý, công ty bán sản phẩm phải là chủ sở hữu hoặc có quyền với tài sản đó mới ký hợp đồng hứa bán với khách.

Việc “hứa mua bán” của công ty với anh H. là vô hiệu bởi người hứa bán không có tài sản để bán. Do vậy, “bán cái không có” có thể bị điều chỉnh vào hành vi lừa đảo. Luật sư Hiền khuyến cáo: tốt nhất khi mua nhà, đất phải tránh ký loại hợp đồng này bởi rất rủi ro.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, việc đặt cọc luôn đặt phần rủi ro về phía khách mua. Khi có tranh chấp, gần như không có chuyện bên bán trả tiền lại.

“Người mua chỉ nên đặt cọc khi đã tìm hiểu kỹ dự án chắc chắn có giấy chủ quyền, chứng nhận đủ điều kiện bán của sở xây dựng, thậm chí giấy bảo lãnh của ngân hàng. Nếu suy nghĩ chưa kỹ thì không ký hợp đồng đặt cọc để tránh mất tiền” - vị này cảnh báo.

Dụ dỗ ngon ngọt, trở mặt tức thì

Ngày 21-5, chị V.B.P. (Q.3) cùng mẹ đi xem dự án ở thị trấn Bến Lức (H.Bến Lức, tỉnh Long An). Tại đây, chị P. đặt cọc 20 triệu đồng mua một nền.

Ba ngày sau khi đóng tiền ký hợp đồng mua bán, chị P. mới biết nền đất chị đặt cọc đã được chủ đầu tư... bán cho một khách hàng khác và khách hàng này ủy quyền cho công ty môi giới bán cho chị. Hợp đồng mua bán chủ đất chỉ bán 396 triệu đồng, công ty tăng giá lên 485 triệu đồng.

Thấy vậy, chị P. xin rút lại tiền cọc nhưng công ty từ chối. Lên xuống nhiều lần, chị đành ngậm ngùi vừa mất trắng tiền vừa ấm ức vì bị lừa.

Còn bà H.T.P.T. (70 tuổi, Q.1) thấy bảng quảng cáo rao bán nền đất 70m2 giá 95 triệu đồng nên đi xem. Khi tới dự án, nhân viên cho biết chỉ còn đất 100m2 với giá 570 triệu đồng/nền, đóng tiền xong thoải mái xây nhà.

Vậy là bà đặt cọc. Vừa ký xong hợp đồng, nhân viên quay ngoắt, nói trong vòng ba ngày sau phải đóng 30% giá trị hợp đồng, số tiền còn lại được đóng nhiều đợt, trong vòng 15 tháng bà mới được xây cất. Bà T. đòi lại tiền cọc thì công ty cho biết phải mua hẳn nền đất mới trả lại, không thì mất trắng.

“Tôi già yếu đau ốm, làm lụng gom góp nghĩ mua được nền đất cất nhà ở, giờ chuyện xảy ra chẳng biết kêu ai...” - bà T. nghẹn lời.

Ép nhân viên gài bẫy khách

Hiện nay, các công ty môi giới ồ ạt tuyển nhân viên cho những chiến dịch bán nền đất tại nhiều dự án ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Tùy từng dự án, nhân viên được chia thành các nhóm, mỗi nhóm 5-10 người, tùy vào thành tích mà được thưởng. Bạn N.T.N. - 24 tuổi, nhân viên một công ty môi giới tại TP.HCM - cho biết công ty hỗ trợ tiền in ấn tờ rơi, phướn quảng bá, còn nhân viên tự bỏ tiền thuê người treo, phát dọc đường, bán được hàng mới bù lại được, không thì chịu lỗ.

Các nhóm đua nhau doanh số bán hàng nên nhân viên chịu áp lực rất lớn. Cũng có công ty làm ăn tử tế nhưng không ít công ty môi giới làm ăn chụp giựt, cho nhân viên thổi phồng dự án, mập mờ thông tin để gài bẫy khách.

TIẾN LONG (tienlong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên