10/01/2020 09:05 GMT+7

Hết thời 'không say không về'!

KIM SƠN
KIM SƠN

TTO - Tôi muốn nói cảm ơn nghị định 100/2019. Có lẽ đã từ rất lâu, lâu lắm rồi, người dân mới thấy một nghị định mà ngay khi vừa ban hành, áp dụng vào thực tế đã tạo hiệu ứng rõ nét và tích cực như vậy.

Hết thời không say không về! - Ảnh 1.

Quán nhậu ở Q.Ninh Kiều, Cần Thơ đã vắng vẻ, khách mua về nhà thay vì ngồi lai rai tại quán - Ảnh: C.CÔNG

Giữa mùa tiệc tùng cuối năm, mọi người đã cân nhắc hơn chuyện uống bia rượu ở quán xá, đó là điều đáng mừng.

Người nâng ly, người cấp cứu

Người lái ôtô, xe máy, kể cả xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị phạt mức rất cao (có trường hợp lên đến 35 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe gần 2 tháng), đã tác động mạnh đến rất nhiều người.

Trước nay có những tiệc rượu bia cha mẹ dẫn theo trẻ con 4-5 tuổi, cụng ly kiểu "không say không về" trước mắt con rồi ai nấy lấy xe về. Bao vụ nhập viện hoặc "đi mãi không về" sau cuộc vui hoặc thương vong vì gặp ma men trên đường. 

Từ nay có thể hi vọng chuyện này sẽ giảm. Chuyện lạm dụng rượu bia là điều xấu hổ, điều này đang lan đến giới trẻ, giới công chức, nhiều công việc được giải quyết ở tiệc có rượu bia. Từ nay, tất cả sẽ được hạn chế.

Xã hội sẽ có nhiều thay đổi tích cực nếu nghị định 100 được thực thi nghiêm túc. Nghị định đã đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của rất nhiều người, của xã hội. 

Thật phi lý khi bao năm qua, người người nâng ly chúc nhau bằng bia rượu xả láng, trong khi ở các bệnh viện lớn nhỏ cả nước đội ngũ thầy thuốc phải căng mình suốt đêm ngày để cứu chữa các trường hợp tai nạn giao thông, đâm chém, ẩu đả nhau do say xỉn cao hơn ngày thường! Một hình ảnh vô cùng tệ hại mà xã hội đã phải nén lòng chịu đựng!

Văn minh hơn trên đường

Cùng với tình trạng người say cầm lái là các kiểu chạy xe mất trật tự trên đường hằng ngày đang tạo nên hình ảnh giao thông hỗn loạn, kẹt xe, ùn tắc thêm nghiêm trọng. 

Có thể thấy trong nghị định mới này đủ các mức xử lý vi phạm giao thông với mức phạt cụ thể và khá cao. 

Ôtô, xe máy không nhường đường cho xe khác, cho người đi bộ, người khuyết tật, đến các kiểu quẹo ẩu không bật đèn báo hiệu, đến các vi phạm tốc độ (không giảm tốc khi chạy xe từ trong hẻm ra đường lớn, chạy quá tốc độ), đến các kiểu dừng xe trên cầu, chở quá số người... đều có mức phạt rõ ràng. Nghị định cũng có quy định mức phạt với người đi xe đạp, đi bộ không đúng luật.

Lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè sẽ bị xử phạt không nhẹ với quy định mới này. Điều này sẽ tác động đến rất nhiều thành phần đang cách này cách khác lấn chiếm đường phố, cản trở giao thông, gây nguy hiểm trên đường. 

Ở đô thị như TP.HCM, nếu căn cứ theo nghị định mới, nơi nào cũng nhiều kiểu vi phạm rõ ràng trước mắt. 

Rồi ai phạt và phạt ai? Xử phạt nghiêm túc không? Xử phạt những người buôn bán nhỏ hay những "ông lớn" đang vi phạm an toàn giao thông trên đường? Điều này trước hết tùy vào lực lượng xử lý vi phạm giao thông.

Phạt nặng hành vi say rượu lái xe trước hết để bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của cộng đồng. Phạt cả với người đi bộ phạm luật. 

Người đi xe đạp có hơi men, phạt cũng không oan chút nào! Lạm dụng rượu bia, không chỉ nguy cơ tai nạn giao thông mà còn kéo theo nhiều vấn đề xã hội từ tệ nghiện rượu đến cả chuyện sức khỏe thế hệ, giống nòi.

Nghị định mới đủ mạnh để răn đe, chấn chỉnh trật tự giao thông nói chung. Vấn đề còn lại là sự nghiêm minh trong xử phạt của cơ quan chức năng. 

Chuyện xử phạt theo nghị định mới, mong không chỉ là những vụ xử phạt cá nhân, nhỏ lẻ. Người dân cần thấy quyết tâm và sự bền bỉ vì trật tự giao thông mới văn minh hơn và giảm lạm dụng rượu bia.

Theo tôi, để tạo chuyển biến nhanh, nên tập trung xử lý vi phạm từ những "ông lớn". Đó là các trạm xe khách liên tỉnh trong nội thành (kèm theo đó là tình trạng dừng đậu xe thành hàng dài đón khách ngay dưới lòng đường).

Đó là tình trạng nhiều nhà hàng lớn đang chiếm dụng lòng lề đường ngay giữa trung tâm thành phố. Phạt nghiêm những "ông lớn" được không? Nếu làm được vậy, xã hội sẽ thay đổi theo và thay đổi lớn.

Cần Thơ: dân nhậu e dè

Các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mạc Thiên Tích, Trần Văn Hoài..., quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - nơi tập trung các quán nhậu xôm tụ nhất thành phố này - mấy hôm nay đã thưa vắng khách.

Chủ quán Vịt Xiêm Hương Lúa (phường An Hòa, quận Ninh Kiều) cho biết: kể từ khi áp dụng nghị định 100, lượng khách giảm gần 2/3.

Phần khách đến quán cũng chỉ ngồi ăn chút ít rồi về, rất ít uống rượu, bia. 50 bàn trong quán này bày chén bát ra sẵn nhưng không có khách. Phần lớn khách mua về nhà ăn. Nhậu mấy chai ngoài quán ra về bị phạt bạc triệu và giam xe thì gắt quá, ai cũng e dè.

Quán này có dán giấy giới thiệu dịch vụ đưa người và xe về tận nhà (trong vòng 15km) nhưng cũng không có khách. Hầu hết quán ăn nhậu ở đường Võ Văn Kiệt đều chung tình cảnh vắng khách.

Không khí ăn uống trầm lắng hẳn. Bà Lê Thị Hồng, chủ quán nhậu Cá 59 (quận Ninh Kiều), nói: "Lượng khách mấy ngày gần đây giảm nhiều. Luật phạt nặng mang tính răn đe cũng đúng, nhưng sống bằng nghề buôn bán tôi không bỏ được, giờ quán phải cho nhân viên giảm giờ".

Trong khi đó, theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, từ ngày 1 đến 7-1 có 142 ca tai nạn giao thông đến cấp cứu, trong đó có 47 ca nồng độ cồn; giảm so với tuần trước (156 ca, 59 ca có nồng độ cồn).

C.CÔNG - T.LŨY

Một người Trung Quốc say xỉn đi xe đạp bị phạt 500.000 đồng Một người Trung Quốc say xỉn đi xe đạp bị phạt 500.000 đồng

TTO - Trong số 51 trường vi phạm nồng độ cồn bị Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xử phạt, có một người Trung Quốc đi xe đạp khi có rượu bia trong người.

KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên