Phóng to |
Gần 18g, quán đặc sản heo tộc Thành Mắt trên đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) đã kín bàn. Dù thực đơn có hàng trăm món nhưng chỉ các món đặc sản heo tộc liên tục được bưng lên.
Nhộn nhịp quán “đặc sản”
Thành Mắt không phải là quán duy nhất ở Sài Gòn bán món ăn vốn xưa nay chỉ gần gũi với người dân vùng núi này. Mới “xuống phố” gần đây nhưng heo tộc đã xuất hiện khá nhiều trong thực đơn của quán nhậu, nhà hàng, quán ăn... TP và được khách ăn vô cùng ưu ái, khoái khẩu vì yếu tố “nguyên sơ”: thịt chắc, da giòn. Ông Nguyễn Minh Long (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Bình) nhận xét: “Heo tộc ăn “bắt”, thịt đỡ dai hơn so với heo rừng. Cuối năm có tiệc tùng, nhậu nhẹt là anh em rủ nhau ra quán heo tộc vừa để đổi không khí vừa ăn khoái khẩu”.
Có lẽ chính yếu tố mới mẻ này đã lôi kéo được không ít dân nhậu đến chọn món heo tộc. Mới gần 10 giờ sáng thứ hai đầu tuần, quán heo tộc Lương Gia Quán trên đường Nguyễn Tuyển, Q.2 khách đã ngồi hơn 2/3 số bàn ghế. Càng về chiều không khí càng đông vui nhộn nhịp, khách đến mua cũng không ít. Chủ quán cho biết: “Cứ hai ngày một lần, quán lại đi gom hàng từ nhiều tỉnh như Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng... về để đáp ứng nhu cầu của khách”. Tương tự như Lương Gia Quán, chị Mỹ Phượng (nhân viên quán Thành Mắt) cho biết: “Trưa tối gì quán cũng đông. Khách đến ăn chủ yếu là các món chế biến từ heo tộc. Bình thường một ngày quán bắt ít nhất 20 con heo tộc mới đủ phục vụ thực khách”.
Không chỉ cánh mày râu nhậu nhẹt mới khoái món này, ngay cả chị em cũng không ngại vào quán thưởng thức món heo tộc. “Heo tộc đâu phải chỉ để nhậu, chế biến xào, nấu để ăn cơm kiểu văn phòng cũng rất ngon nên bạn bè tôi vào buổi trưa cũng thích đi ăn để đổi vị” - chị Mỹ Lê, nhân viên HD Bank - cho biết.
Phóng to |
Muôn nẻo về phố
Để đến được với các nhà hàng, quán nhậu tại Sài Gòn, hành trình của heo tộc cũng lắm ngả đường. Ông Lê Văn Dũng, chủ một điểm bán heo tộc trên đường Bình Long (Q.Bình Tân), cho biết: “Heo tộc của tôi được lấy nguồn từ Campuchia, nuôi nhốt trong chuồng tại nhà, cứ khách đến đặt hàng sẽ bắt làm luôn rồi mang đi giao, chắc giá 200.000 đồng/kg. Heo còn sống, giết thịt, làm lông sạch sẽ thêm 100.000 đồng”.
Heo tộc được chuyển từ các trang trại miền núi về nuôi nhốt tại khá nhiều ở các quận huyện vùng ven như Q.9, Hóc Môn, Củ Chi... Không xây dựng chuồng trại chắc chắn như heo nhà, chuồng trại nuôi heo tộc khá sơ sài chỉ với hàng rào B40 cao hơn 1,5m xung quanh. Bên trong là hào rãnh cho heo uống nước, một góc nhà nho nhỏ để hơn 20 con heo nhỏ trú ngụ và máng thức ăn đặt rải rác trong khoảng sân khá rộng. Chị Trâm (chủ trang trại nuôi heo tộc Bá Duy trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q.9) cho biết: “Nuôi heo tộc cực nhất là giai đoạn mới đem từ miền núi về, phải chích ngừa rồi chăm chút dữ lắm vì heo không quen nước, thức ăn, dễ bị tiêu chảy rồi chết. Nhưng đến lúc nuôi heo lớn thì khá nhẹ nhàng, chỉ cần cho ăn vỏ mít, vỏ thơm, rau muống là được, không cần phải cho ăn cám mấy cữ như heo nhà vì mỡ nhiều thịt sẽ mất ngon”.
Chị Trâm cho biết trước đây heo tộc rất khó tìm nguồn, thường phải lặn lội lên tận các vùng của người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Lắk... Nhiều khi cả nhóm phải đi bộ hơn chục cây số, rồi ngồi lì ở đó cả ngày uống rượu, nói chuyện với bà con buôn làng mãi mới mua được một con, không thân thì họ nhất quyết không bán.
Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu của dân nhậu Sài thành tăng cao nên việc nuôi và mua bán heo tộc đã có một số thay đổi. Thay vì “săn” một cặp heo tộc về đồng bằng và nuôi suốt một năm ròng mới xuất chuồng bán, nhiều thương lái đã quyết định hướng dẫn cho các buôn làng ở các vùng “mối ruột” của họ tổ chức nuôi heo tộc số lượng lớn. Chị Trâm nói đặc biệt vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, mọi người đặt heo rất nhiều từ các quán nhậu, nhà hàng cho đến các gia đình..., đến khoảng 26 tháng chạp đã không còn hàng để bán.
Heo tộc lẫn lộn với heo rừng
Có một điều khá thú vị là nếu trước đây heo rừng nuôi được ưa chuộng nhất, nay heo tộc đang giành lấy vị trí này với giá bán cao hơn heo rừng nuôi. Heo rừng hiện được nuôi theo quy trình công nghiệp, xuất chuồng hàng loạt nên giá thành rẻ hơn (khoảng 120.000 đồng/kg) nhưng chất lượng thịt kém, mỡ nhiều hơn heo tộc. Vì thế đã có tình trạng biến heo rừng nuôi thành heo tộc để bán giá cao. Tuy nhiên để phân biệt đâu là heo rừng nuôi và heo tộc cũng không phải dễ.
Tại trang trại, heo tộc và heo rừng được nuôi nhốt cùng một nơi, kích cỡ khá tương đồng với nhau và tất nhiên chế độ ăn uống cũng giống hệt nhau. Nếu không có sự hướng dẫn của người nuôi thì không phải ai cũng nhận ra sự khác biệt của hai loại heo này. Ông Võ Văn Phiên, chủ trang trại heo rừng ở Bến Cát, Bình Dương, nói heo tộc lông đen sẫm, mõm ngắn, bụng phệ, heo rừng lông có màu nâu sậm, mõm dài hơn. Ông cho biết: “Dạo gần đây, nhiều chủ quán nhậu, nhà hàng... đặt hàng ở trang trại của tôi để lấy heo con, loại 10-12kg, rồi đem về quảng cáo là heo tộc. Cách này tiện cái là đỡ phải khai báo với kiểm lâm khi xuất chuồng”.
Tại các điểm bán heo tộc trên đường, người bán cũng thừa nhận bán lẫn heo tộc với heo rừng. Ông Trần Thành Công (chủ một điểm bán trên đường Tô Ký, huyện Hóc Môn) cho biết phải sành ăn lắm mới phân biệt được heo rừng với heo tộc, bởi cả hai loại thịt đều na ná nhau. Nhiều người còn quét sơn đen lên heo nhà thành heo tộc để bán. “Tất nhiên, với tình trạng lẫn lộn này thì phần thiệt cuối cùng vẫn thuộc về người mua. Bởi vậy, thưởng thức được heo tộc 100% cũng là một thử thách không nhỏ của người ăn” - ông Công nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận