29/05/2019 08:14 GMT+7

Heo dịch tả 'lọt' hàng loạt chốt kiểm dịch

LÊ TRUNG - NHẬT LINH
LÊ TRUNG - NHẬT LINH

TTO - Chiếc xe tải chở heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi qua một loạt chốt kiểm dịch nhưng cơ quan chức năng không phát hiện heo bệnh. Tài xế đã đem heo bệnh bán cho nhiều điểm ở tỉnh Quảng Nam.

Heo dịch tả lọt hàng loạt chốt kiểm dịch - Ảnh 1.

Số heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi chết trên xe bị phát hiện ngày 27-5 - Ảnh: L.T.

Từ Bắc Ninh đến Quảng Nam, chiếc xe này đã "lọt" qua rất nhiều trạm, chốt kiểm dịch ở nhiều tỉnh thành, và chỉ khi dừng lại đổ xăng mới bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản!

Heo bệnh bán nhiều nơi

Theo biên bản được lập vào trưa 27-5, lúc 9h50 cùng ngày cơ quan chức năng nhận được tin báo xe tải biển số 76C-060.68 do Phạm Minh Vỹ (36 tuổi, trú huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lái chở heo thịt, đang dừng tại cửa hàng xăng dầu trên quốc lộ 1 (thuộc huyện Phú Ninh, Quảng Nam).

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, đại diện huyện Phú Ninh đã kiểm tra xe.

Xe có 39 con heo, trọng lượng 60kg/con, trong đó có 5 con heo đã chết, có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả heo châu Phi. Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi tỉnh đã hết giá trị (từ ngày 24-5 đến 26-5).

Số lượng heo theo giấy kiểm dịch gốc (tại tỉnh Bắc Ninh) là 150 con heo thịt nhưng tại thời điểm kiểm tra chỉ còn 39 con. Tài xế xe đã tự ý bỏ heo xuống các điểm ở Quảng Nam không đúng như nội dung ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch.

Theo bản trình bày của tài xế Vỹ, người này chở 150 con heo thịt từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đến một lò mổ ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

Khi đến hai điểm ở Quảng Nam là thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) và ngã ba Kỳ Lý (huyện Phú Ninh) thì có bỏ heo cho một số người. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ chiếc xe tải và lấy 3 mẫu/3 con heo chết để gửi đi giám định, kết quả đều dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Có giấy kiểm dịch nên "lọt"

Từ tháng 3-2019, tỉnh Quảng Nam có quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến quốc lộ 1 tại huyện Núi Thành và thị xã Điện Bàn, nhằm phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tỉnh yêu cầu các thành viên tham gia túc trực 24/24 giờ tại 2 chốt, gồm lực lượng của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh để kiểm tra, kiểm soát kỹ lượng xe chở heo qua đây.

Vì sao chiếc xe chở heo nhiễm dịch này vẫn "lọt" qua được các chốt? Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam - cho biết xe này "lọt" qua được là vì tài xế xe đã có giấy kiểm dịch. Giấy tờ đi qua tất cả các chốt kiểm dịch của các tỉnh đã đóng dấu đầy đủ, họ được phép lưu thông trên đường.

"Trong giấy kiểm dịch, lô hàng này từ tỉnh Bắc Ninh vào Quảng Ngãi, tuy nhiên khi đến Quảng Nam, tài xế xe tải trên bán heo cho một số điểm ở tỉnh này nên cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ. Ngoài ra trên xe có heo bị chết nên lấy mẫu xét nghiệm thì dương tính với virút dịch tả heo châu Phi"- ông Sơn nói.

Giấy kiểm dịch động vật có thời hạn từ ngày 24-5 đến 26-5, nhưng đến ngày 27-5 xe vẫn chở heo bán ở Quảng Nam?

Trả lời vấn đề này, ông Sơn giải thích: trong quá trình vận chuyển có thể sơ suất, tài xế vận chuyển trễ vài giờ thì có thể thông cảm được. "Nhưng khi chúng tôi phát hiện, thấy triệu chứng của heo nghi nhiễm dịch nên kiểm tra luôn" - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, khi xe tải này chở heo qua chốt kiểm dịch ở thị xã Điện Bàn, lực lượng chức năng đã có kiểm tra, phun thuốc tiêu độc khử trùng và đóng dấu, tuy nhiên không thể phát hiện số heo này bị nhiễm dịch tả.

"Do heo còn sống, họ lại có đầy đủ giấy tờ" - ông Sơn nói. Hiện cục này đã triển khai lực lượng đến hai điểm mà tài xế này đã bán heo để kiểm tra.

Tiêu hủy hết heo trên xe tải

Ông Nguyễn Thành Nam - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam - cho biết đến trưa 28-5, cơ quan này đã triển khai lực lượng tiêu hủy hết số heo còn lại trên xe tải trên.

Trả lời câu hỏi ở tỉnh vẫn có chốt kiểm dịch nhưng chiếc xe tải trên vẫn "lọt" được, ông Nam nói hiện nay các tỉnh phía Bắc cho lưu thông, trong quá trình lực lượng chức năng chốt của tỉnh kiểm tra vào ngày 25-5, tài xế này xuất trình đầy đủ giấy tờ, heo chưa xuất hiện triệu chứng gì hết.

Địa bàn nhập heo là ở Quảng Ngãi nhưng tài xế này không nhập ở đó mà bỏ mối ở Quảng Nam. "Họ nhập vào tỉnh đi bán dạo nên chúng tôi không biết nhưng khi phát hiện thì xử lý số heo còn lại trên xe" - ông Nam nói.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng ở phía Bắc dịch tả heo đang hoành hoành, đáng lẽ xe chở heo vào đây cơ quan chức năng phải kiểm tra thật kỹ chứ sao lại để "lọt" như vậy, ông Nam nói: "Anh em cũng làm hết trách nhiệm, có kiểm tra, nhưng phải nghi ngờ có triệu chứng mới lấy mẫu xét nghiệm chứ đâu thể dừng hết xe lại kiểm tra hết đâu có được. Mình kiểm tra giấy tờ thủ tục đầy đủ, lâm sàng heo không có triệu chứng gì thì cho đi thôi. Còn tài xế đem đi bán dạo thì mình không biết được" - ông Nam nói.

Làm rõ trách nhiệm

Sáng 28-5, ông Lê Trí Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chủ trì buổi họp khẩn với các địa phương về phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Nhận định về việc heo bệnh qua trạm và không phát hiện, để tài xế đem bán tràn lan, ông Thanh nói: "Qua sự việc này, tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra lại việc cơ quan chức năng phát hiện như thế nào, có thể là do anh em sơ suất, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong kiểm soát, kiểm tra các xe chở heo vào địa bàn.

Tỉnh đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan, trong đó có phần chủ quan, thiếu sót trong việc tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Đây là bài học tỉnh sẽ rút ra và tỉnh đã chỉ đạo rút kinh nghiệm để phòng chống dịch tốt hơn".

Xe qua Huế vẫn còn niêm phong

Theo ông Nguyễn Văn Hưng - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, sau sự việc trên đơn vị đã cho kiểm tra thông tin tại các chốt kiểm dịch.

Theo đó, xe 76C-060.68 được ghi nhận qua chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Phong Thu (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), vào ngày 24-5. Thời điểm kiểm tra, xe chở 150 con heo đi từ Bắc Ninh đến Quảng Ngãi có giấy chứng nhận kiểm dịch.

"Lúc này trên xe vẫn còn nguyên sợi dây chì niêm phong chốt khóa thùng. Anh em kiểm tra thấy đầy đủ giấy tờ, heo không có dấu hiệu bệnh nên chỉ tiến hành tiêu độc khử trùng rồi cho đi tiếp" - ông Trần Quốc Sửu, trưởng phòng quản lý dịch bệnh thuộc Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, nói.

Không để xảy ra trục lợi tiền hỗ trợ chống dịch tả heo châu Phi Không để xảy ra trục lợi tiền hỗ trợ chống dịch tả heo châu Phi

TTO - Ngày 28-5, tại kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Phú Cường - bí thư Tỉnh ủy kiêm chủ tịch HĐND tỉnh - lưu ý lãnh đạo các địa phương không để xảy ra việc trục lợi tiền hỗ hỗ trợ dịch tả heo châu Phi.

LÊ TRUNG - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên