22/10/2018 19:17 GMT+7

Hé lộ bí mật lịch sử về cuộc chiến giải mã

PHÚC LONG (Theo Smithsonian)
PHÚC LONG (Theo Smithsonian)

TTO - Cơ quan Tình báo tín hiệu, tiền thân của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), từng âm thầm khởi động chương trình tuyệt mật Venona chuyên giải mã điện tín của các nhà ngoại giao Liên Xô từ khắp nơi trên thế giới gửi về Matxcơva.

Hé lộ bí mật lịch sử về cuộc chiến giải mã - Ảnh 1.

Gene Grabeel nhận bằng khen từ NSA nhờ đóng góp cho dự án Venona - Ảnh tư liệu

Phá mật mã thời chiến của Liên Xô là một suy nghĩ lạc quan, nếu không muốn nói hơi tự tin. Người Nga nổi tiếng vì khả năng tạo ra những mật mã không thể phá nổi. 

Tuy nhiên, tướng Carter Clarke, lãnh đạo tình báo quân đội Mỹ thời bấy giờ, có một cái nhìn nghi ngờ trước đồng minh Liên Xô và ông cần bằng chứng cụ thể.

Ngày 1-2-1943, Cơ quan Tình báo tín hiệu, tiền thân của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), lẳng lặng khởi động chương trình tuyệt mật Venona chuyên giải mã điện tín của các nhà ngoại giao Liên Xô từ khắp nơi trên thế giới gửi về Matxcơva.

Ước mơ của cô gái trẻ

Cùng thời gian đó, cô giáo trẻ Gene Grabeel, 23 tuổi, cảm thấy chán với cuộc sống đơn điệu ở vùng quê bang Virginia. Thị trấn Rose Hill nơi cô lớn lên chỉ có 300 người, một cửa hiệu tạp hóa, một nhà thờ và một trạm xăng. Mẹ cô nuôi gà để bán trứng, còn cha cô trồng cây thuốc lá và làm nhiều công việc lặt vặt.

Thời đó, công việc ổn định nhất đối với một nữ sinh tốt nghiệp đại học là đi dạy, Gene cũng không ngoại lệ. Khi cô than với cha rằng cô ghét công việc này, ông khuyến khích con gái tìm cái gì đó khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc.

Trong bữa tiệc Giáng sinh năm 1942, Gene trò chuyện với một cậu bạn quen thời còn bé, Frank Rowlett, người khi đó đang giữ chức vụ cao trong Cơ quan Tình báo tín hiệu. Rowlett thổ lộ với Gene có một công việc tốt hơn ở Washington...

Lúc đó, quân đội Mỹ đã cử một cơ số sĩ quan tản ra khắp đất nước để tìm kiếm con người cho hoạt động phá mật mã, Rowlett là một trong số đó. Do phần lớn đàn ông đã cầm súng ra chiến trường, những người tuyển dụng để mắt chủ yếu đến phụ nữ.

Cha của Gene đồng ý rằng con gái sẽ hạnh phúc hơn khi làm công việc "sắp xếp giấy tờ" ở Washington trong 6 tháng - ít ra thì cả hai người tưởng vậy - nên Gene đồng ý nhận lời Rowlett. Cô đến bưu điện nộp hồ sơ xin việc cho một người đàn ông tên Paavo Carlson, và ông này hối cô thu xếp đi thủ đô càng sớm càng tốt.

Chủ nhật, ngày 28-12-1942, Gene đến Washington D.C bằng tàu hỏa và bắt chiếc taxi đến tòa nhà Arlington Hall nằm ở bang Virginia lân cận. Đây là một trường nữ sinh được cải tạo lại thành trụ sở của Cơ quan Tình báo tín hiệu.

Tại đây, cô gái trẻ ngây thơ được dạy một khóa ngắn về nghệ thuật và môn khoa học phá mật mã. Chỉ 4 tuần sau khi đến, Gene được phân vào bộ phận tuyệt mật chuyên phá mật mã của Liên Xô. Cùng với thiếu úy Leonard Zubko, hai người là thành viên đầu tiên của dự án Venona.

Gene được chọn có lẽ vì Rowlett biết người bạn của mình là một công dân Mỹ chính gốc, có hoàn cảnh gia đình rõ ràng.

Hé lộ bí mật lịch sử về cuộc chiến giải mã - Ảnh 2.

Khung cảnh làm việc bên trong Arlington Hall, nơi giúp quân đội Mỹ phát hiện các kế hoạch quân sự của đối thủ - Ảnh tư liệu

Nhân chứng của lịch sử

Thành công của Arlington Hall trong việc phá mật mã của người Nhật và Đức khiến các quan chức quân đội Mỹ hết sức lạc quan. Mùa hè năm 1943, họ tăng cường nhân sự cho đơn vị chuyên trách Liên Xô vốn còn khiêm tốn.

Josephine Miller đến vào cuối tháng 5. Carrie Berry và Mary Boake đến vào giữa tháng 7, Helen Bradley vào tháng 8, Gloria Forbes vào tháng 9. Gần như tất cả họ đều xuất thân từ giáo viên.

Năm 1945, cộng đồng tình báo Mỹ bắt đầu nắm rõ quy mô do thám của Liên Xô chống lại họ. Igor Gouzenko, một chuyên gia mật mã Liên Xô, đã đào tẩu và khai với chính quyền Canada rằng người Nga đã thâm nhập vào Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử của Mỹ.

Đến khoảng tháng 11, cựu điệp viên Liên Xô Elizabeth Bentley trao cho Cục Điều tra liên bang (FBI) bản tường trình gây choáng dài 107 trang, trong đó điểm mặt từng gián điệp đang nằm vùng trong Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Cơ quan tình báo quân đội OSS, Lầu Năm Góc và thậm chí cả Nhà Trắng.

Vấn đề là Bentley khai rất nhiều, nhưng không có tài liệu nào làm bằng chứng. Đây là lúc Venona ra tay. Vào thời điểm Angeline Nanni gia nhập mùa thu năm 1945, tinh thần của nhóm Venona đang cao ngất.

Tháng 9-1947, đơn vị tình báo của tướng Clarke lặng lẽ chia sẻ những phát hiện với FBI. Các manh mối dẫn đến nhiều phát hiện chấn động, chẳng hạn vụ bắt giữ cặp vợ chồng gián điệp Julius và Ethel Rosenberg, viên trợ lý Bộ Ngoại giao Alger Hiss…

Công việc cứ tiếp kéo dài trong hơn 20 năm tiếp theo. Điều đáng ngạc nhiên là Arlington Hall vào lúc cao điểm có đến 8.000 người làm việc, nhưng không ai trong số họ biết mật mã liên lạc của Liên Xô đang bị tấn công, trừ nhóm Venona!

Hé lộ bí mật lịch sử về cuộc chiến giải mã - Ảnh 3.

Vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg bị xét xử tội gián điệp năm 1951 - Ảnh tư liệu

******

Những phụ nữ trong chương trình Venona giữ bí mật về công việc của mình, một số thậm chí không tiết lộ gì với người thân kể cả sau khi chương trình được giải mật năm 1995. 

Hầu hết các cô gái không lập gia đình hoặc sinh con, họ chỉ nhận nuôi những đứa trẻ trong gia đình, học hàng.

"Tôi nghĩ Gene là một phụ nữ độc lập và không muốn gánh trách nhiệm của hôn nhân. Gene có hẹn hò với đàn ông, và họ thường rất thích chị ấy, nhưng tôi không cho rằng chị ấy quan tâm đến chuyện kết hôn" - Eleanor Grabeel, em dâu của Gene, hồi tưởng lại sau khi bà qua đời vào tháng 1-2015 ở tuổi 94.

"Bà rất tuyệt - ông Jonathan Horton, cháu trai của Gene, hiện là giáo sư sinh vật thuộc ĐH North Carolina-Asheville kể - Bà hay đi du lịch với cô Carrie, luôn bàn về những nơi họ đã thăm. Một lần bà đọc to một vài chữ tiếng Nga trên một huân chương lưu niệm, cả gia đình đều bị sốc khi nhận ra bà nói được tiếng Nga".

"Chúng tôi nghĩ ra đủ thứ giả thuyết điên rồ về những gì bà đã làm" - ông Horton phấn khích kể.

PHÚC LONG (Theo Smithsonian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên