21/12/2018 14:31 GMT+7

Hãy thôi chắp vá, đổ lỗi

NGUYỄN THỊ MAI LOAN  (Trường THPT Trần Nhân Tông)
NGUYỄN THỊ MAI LOAN (Trường THPT Trần Nhân Tông)

TTO - Học xong 4 năm đại học và ra trường đi dạy, làm sao giáo viên 'không thực sự hiểu mình là ai, công việc của mình là gì, đâu là những giá trị và đạo đức nghề nghiệp cần bảo vệ để có hành xử đúng'?

Hãy thôi chắp vá, đổ lỗi - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Bài viết Công việc của người thầy đặt ra những câu hỏi vô cùng nhức nhối: Những sự việc kéo dài, có tính cách lặp đi lặp lại không thể nào qua mặt được những thầy cô đang làm việc tại trường. Nhưng vì sao không ai lên tiếng? Nếu không là đồng lõa thì điều gì ngăn cản họ?

Là giáo viên có hơn 20 năm đứng lớp cả trường công lập lẫn tư thục, tôi chia sẻ với vấn đề bài báo đặt ra nhưng không đồng cảm với vài lập luận của tác giả.

Đã là giáo viên, học xong 4 năm đại học và ra trường đi dạy, làm sao giáo viên "không thực sự hiểu mình là ai, công việc của mình là gì, đâu là những giá trị và đạo đức nghề nghiệp cần bảo vệ để có hành xử đúng"?

Rõ ràng, câu chuyện đau lòng vừa diễn ra ở Phú Thọ như một nhát chém mạnh vào đạo đức xã hội. Cần xác định hành động của hiệu trưởng ngôi trường này là thú tính không thể chấp nhận được trong bất kỳ môi trường nào. Và những giáo viên biết chuyện mà không lên tiếng chính là đồng phạm với ông ta.

Tác giả viết "Phải chăng những người thầy, người cô không dám bảo vệ học trò của mình, không dám bảo vệ nghề nghiệp của mình, chấp nhận thỏa hiệp với cái ác ngay chính trong ngôi trường của mình một phần vì họ sợ hãi, một phần vì họ không thực sự hiểu công việc của mình, không có được tự hào nghề nghiệp của mình?".

Tôi cho rằng những người thầy, người cô mà bài viết nhắc tới là những con sâu làm rầu nồi canh. Và sâu mọt thì phải loại trừ!

Hãy nhìn vào tấm gương của những người thầy cô trường dân tộc nội trú băng rừng lội suối vẫn kiên trì bám trường bám lớp dù muôn vàn khó khăn. Họ vun đắp nhiệt huyết và lòng tự hào nghề nghiệp cho chúng tôi bằng tình yêu nghề, yêu trẻ nhiệt thành. 

Hãy nhìn họ mà không vin vào lý do các giáo viên ở ngôi trường kia lo sợ nếu tố cáo tiêu cực: bị mất việc. Một cá nhân tố cáo thì còn sợ, nhưng ở đây là một tập thể cơ mà? Cũng đừng đưa ra lý do là "thấy thầy hiệu trưởng có nhiều cống hiến"...

Thỉnh nguyện của tôi là: nếu giáo dục nước nhà đang bị "lỗi hệ thống", hãy mạnh dạn thay thế hay phá bỏ chỗ bị hỏng. Chắp vá, đổ lỗi chỉ khiến cho tình hình xấu thêm, khiến hình ảnh ngành giáo dục, người giáo viên càng thảm hại.

Trước khi làm giáo viên, ta phải là con người có lòng nhân ái, tự trọng và chính trực. Đừng viện bất cứ lý do gì khi ta im lặng bao che cho hành vi thú tính. 

Ta cần xác định công việc của người thầy là thông qua dạy chữ để dạy người. Nghĩa là người thầy ngoài việc vững vàng chuyên môn phải có nhân tính, phải có kỹ năng tích hợp dạy người trong từng bài giảng, dù là bất cứ môn gì. 

Xin đừng làm cả một cộng đồng giáo viên luôn dạy học bằng lương tâm, trách nhiệm và lòng yêu nghề, yêu trẻ bị chỉ trích, bêu riếu chỉ bởi vài cá nhân tiêu cực.

Giáo chức là danh xưng của chúng tôi. Khi chọn nghề, chúng tôi đều biết nghĩa vụ của mình là truyền đạt kiến thức, là đem yêu thương, bao dung và chính trực đến cho học sinh.

Chúng tôi không bao giờ tự phong nghề mình là cao quý. Vậy xã hội, cộng đồng hãy bớt hô hào, tôn vinh đi, hãy để giáo viên với thiên lương của mình thực hiện thiên chức của nghề!

Công việc của người thầy Công việc của người thầy

TTO - Công việc của người thầy là lên lớp dạy học. Giáo viên được đào tạo ra, cơ bản cũng chỉ xoay quanh công việc ấy. Nhìn từ bên ngoài thì như vậy là đúng.

NGUYỄN THỊ MAI LOAN (Trường THPT Trần Nhân Tông)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên