20/12/2018 08:26 GMT+7

Công việc của người thầy

GIÁP VĂN DƯƠNG
GIÁP VĂN DƯƠNG

TTO - Công việc của người thầy là lên lớp dạy học. Giáo viên được đào tạo ra, cơ bản cũng chỉ xoay quanh công việc ấy. Nhìn từ bên ngoài thì như vậy là đúng.

Công việc của người thầy - Ảnh 1.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Khi học hết phổ thông, tôi được gia đình khuyên thi vào sư phạm với lý do: trong xã hội, chỉ có thầy giáo và thầy thuốc được gọi là 'thầy' vì đó là nghề cao quý.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, tôi đã nghe theo tiếng gọi riêng để trở thành kỹ sư, thay vì thầy giáo. Nhưng như một sự an bài từ trước, ra trường tôi lại trở thành thầy giáo, ngay tại đại học mà tôi theo học.

Kể từ lúc đó, những buồn vui của nghề dạy học, những vấn đề chung và riêng của giáo dục trở thành mối quan tâm của tôi.

Và một trong những mối quan tâm đó là công việc của người thầy, sứ mệnh của người thầy thực sự là gì?

Thoạt tiên, câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản. Công việc của người thầy là lên lớp dạy học. Ai làm nghề dạy học cũng làm thế cả. Giáo viên được đào tạo ra, cơ bản cũng chỉ xoay quanh công việc ấy.

Nhìn từ bên ngoài thì như vậy là đúng.

Nhưng sâu thẳm từ bên trong, bằng trải nghiệm cá nhân, tôi biết: chỉ khi nào người thầy cảm thấy công việc của mình là đặc biệt và có được sự tự hào nghề nghiệp thì người thầy mới có thể làm tốt công việc của mình.

Với nghề giáo, yêu nghề và tự hào nghề nghiệp còn đóng vai trò cao hơn nữa. Vì nghề giáo làm việc với trẻ nhỏ, với con người. Đó là những thực thể có cảm xúc, có tâm hồn, có nhu cầu được yêu thương trân trọng, lại luôn luôn thay đổi...

Vì thế, nếu không yêu trẻ, yêu nghề, không tự hào về nghề nghiệp của mình thì người thầy chỉ dừng ở mức làm cho xong việc. Và học trò chắc chắn sẽ nhận ra, do trẻ con vốn dĩ vô cùng thông minh và nhạy cảm. Ai yêu quý mình, ai đối xử chân thành với mình, ai đang giúp đỡ mình, trẻ con đều biết hết.

Vậy mà buồn thay, trong những tháng ngày này xảy ra quá nhiều chuyện liên quan đến ứng xử và nhân cách của người thầy. Vụ 231 cái tát chưa qua đi, lại đến nghi án hiệu trưởng "lạm dụng" hàng chục học sinh trong nhiều năm ở một trường nội trú.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao giáo dục trong những năm gần đây lại liên tục xảy ra những sự việc phản giáo dục đến như vậy? Đâu là nguyên nhân của cơ sự này?

Để xảy ra những sự việc như thế, có một nguyên nhân xuất phát từ chính những người đang được gọi là cô, là thầy.

Những sự việc kéo dài, có tính cách lặp đi lặp lại không thể nào qua mặt được những thầy cô đang làm việc tại trường. Nhưng vì sao không ai lên tiếng? Nếu không là đồng lõa thì điều gì ngăn cản họ?

Phải chăng những người thầy, người cô không dám bảo vệ học trò của mình, không dám bảo vệ nghề nghiệp của mình, chấp nhận thỏa hiệp với cái ác ngay chính trong ngôi trường của mình một phần vì họ sợ hãi, một phần vì họ không thực sự hiểu công việc của mình, không có được tự hào nghề nghiệp của mình?

Nói cách khác, họ không thực sự hiểu mình là ai, công việc của mình là gì, đâu là những giá trị và đạo đức nghề nghiệp cần bảo vệ để có hành xử đúng.

Cái hiểu về nghề nghiệp của người thầy hiện quá đơn giản, không xa hơn việc dạy kiến thức từ sách giáo khoa và thực hiện nó như một công việc để kiếm sống. Trong khi trên thực tế công việc thực sự của người thầy phải là nâng đỡ và phát triển con người, mà việc dạy học chỉ là một phương tiện.

Vì không hiểu ra như thế, nên những người thầy đã không thể hoàn thành công việc của mình và liên tiếp để xảy ra những sự việc phản giáo dục trong nhà trường, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Vụ hiệu trưởng bị tố xâm hại nam sinh: Cần quy định về tiếp xúc riêng học sinh Vụ hiệu trưởng bị tố xâm hại nam sinh: Cần quy định về tiếp xúc riêng học sinh

TTO - Thông tin vị hiệu trưởng trường dân tộc nội trú bị hàng loạt nam sinh tố giác ép quan hệ tình dục đã gây phẫn nộ trong dư luận.

GIÁP VĂN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên