20/11/2018 08:21 GMT+7

Người thầy kiến tạo

GIẢN TƯ TRUNG
GIẢN TƯ TRUNG

TTO - Mọi người đều thừa nhận công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống, nhưng công nghệ lại thay đổi chóng mặt. Đó là thách thức cho tất cả mọi người, trong đó có học sinh, thầy cô, nhà trường và cả phụ huynh.

Dạy học thời công nghệ đòi hỏi người thầy phải nỗ lực ứng dụng công nghệ mới và quan trọng hơn là làm sao có thể dạy học thành công trong thời đại "văn hóa số".

Thật vậy, sự thay đổi của 4.000 năm cộng lại cũng không bằng sự thay đổi của thế kỷ 20, nhưng sự thay đổi của thế kỷ 20 cũng không bằng trong 10 năm đầu của thế kỷ 21.

Mọi thứ thay đổi khủng khiếp và khó đoán định. Từ đó, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ khiến con người có lúc hoang mang. 

Nếu được dùng một từ để diễn tả thời đại công nghệ làm thay đổi cuộc sống ở khía cạnh văn hóa, không phải khía cạnh công nghệ, đó là: "loạn chuẩn".

Ngày nay người thầy phải đối mặt với thách thức như: làm sao giúp học trò hiểu tự do khác với hoang dã; cá tính khác với quái tính; chân thật khác với trơ trẽn...; giúp học trò hình thành "nhân tính, quốc tính và cá tính" trong thời buổi quá nhiều toan tính; 

"Định chuẩn" trong thời "loạn chuẩn"; làm sao cài đặt được "hệ điều hành" mới khi chúng ta đã chạy "hệ điều hành" khác lạ với phần còn lại của thế giới trong thời gian quá dài... Trong biến động khủng khiếp ấy, người thầy vẫn phải giúp con trẻ học và đi tìm chân lý.

Để giải quyết thách thức này, mỗi người thầy, nhà trường phải cố gắng chạm được những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, chạm được những giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn. 

Đạt được điều đó, việc dạy học trở nên chắc chắn hơn, không biến cuộc đời mình thành cuộc đời thử - sai, từ đó giúp học trò bớt phải thử - sai nữa.

Như vậy, chân dung người thầy thời nay cần được hiểu ở ít nhất hai khía cạnh: người thầy thời công nghệ và người thầy thời "loạn chuẩn". 

Đó là người thầy không chỉ biết đưa công nghệ mới vào giáo dục, mà còn vững vàng trong thời loạn chuẩn, giúp bản thân mình và học trò của mình bước vào thời đại này; kiến tạo, xác lập những chuẩn mực mới, giá trị mới, niềm tin mới và sống vững vàng với nó, chứ không phải là thích ứng với thời đại này.

Có 4 tâm thế đối với các nhà giáo, giúp xác lập 4 tâm thế cho các thế hệ học trò. 

Thứ nhất là thụ động, đó là những người thầy tới đâu hay tới đó, muốn ra sao thì ra. 

Thứ hai là ứng phó, đó là những người thầy mà hoàn cảnh tới đâu thì ứng phó tới đó. Khác với người thầy thụ động là không muốn ứng phó, mặc kệ hoàn cảnh, người thầy ứng phó trong hoàn cảnh mới vẫn xoay trở để làm nghề dù gặp nhiều khó khăn. 

Thứ ba là chủ động, là người thầy chủ động trong thời loạn chuẩn, chủ động cập nhật, thích ứng và theo kịp được những thay đổi chóng mặt, khôn lường. 

Cuối cùng là kiến tạo, là người thầy không chỉ thích ứng, đối phó được bối cảnh mới, mà còn góp phần tạo ra các xu hướng mới và định hình nên xã hội mới. 

Những người thầy kiến tạo sẽ tạo ra các thế hệ học trò kiến tạo và tạo ra một quốc gia kiến tạo. 

Đất nước phát triển ra sao tùy thuộc vào nền giáo dục với những người thầy kiến tạo, đó chính là chân dung mà mọi người thầy cần phải hướng tới.

GIẢN TƯ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên