Khoảng 3.000 học sinh, phụ huynh tỉnh Bình Dương tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ngày 14-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là nhắn nhủ của GS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với gần 3.000 học sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2020 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức tại tỉnh Bình Dương sáng qua, 14-6.
Các em phải lựa chọn nguyện vọng làm sao phù hợp năng lực bản thân, điều kiện kinh tế của gia đình và đặc biệt là ngành mình yêu thích nhất phải xếp lên đầu tiên. Không nên đăng ký ngành học mình không yêu thích.
ThS Hoàng Thúy Nga
Khóa dữ liệu sau khi xác nhận nhập học
Trao đổi với học sinh về chuyện chọn ngành cho tương lai, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng trong cuộc đời mỗi con người có ba điều cần cân nhắc: khi dậy thì; khi chọn nghề và khởi nghiệp; khi lập gia đình. Nếu không cân nhắc kỹ ba điều này thì cuộc sống sẽ gặp nguy hiểm.
"Các em tuyệt đối đừng bị hào quang của nghề nghiệp chi phối, mà quan trọng nhất phải lắng nghe tiếng gọi từ trái tim mình. Chọn ngành phải đúng sở thích, sở trường và khả năng của mình, đồng thời tìm hiểu thông tin thị trường lao động để chọn được ngành nghề cho phù hợp" - thầy Sơn nói. Khi biết nhiều thí sinh muốn chọn 3, 4 ngành ở các khối thi khác nhau, thầy Sơn bảo thí sinh cần phải xem lại dự định này. Nếu chọn ngành mà chỉ chọn ở trường duy nhất là không nên.
Theo ThS Hoàng Thúy Nga - Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT và mỗi em chỉ được điều chỉnh lần duy nhất bằng phiếu hoặc trực tuyến (bằng mật khẩu tài khoản thí sinh được cấp khi đăng ký dự thi). Nếu các em muốn điều chỉnh tăng số lượng nguyện vọng buộc phải điều chỉnh bằng phiếu. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu từ ngày 9 đến 18-9; điều chỉnh trực tuyến từ ngày 9 đến 16-9.
Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Nếu trúng tuyển, thí sinh phải nộp hồ sơ xác nhận nhập học là giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc (mỗi thí sinh chỉ được cấp một giấy duy nhất). Khi thí sinh đã xác nhận nhập học thì hệ thống sẽ khóa và không thể đăng ký xét tuyển tiếp.
"Năm nay, nếu thí sinh đã trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức xét tuyển nào, sau khi xác nhận nhập học thì tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh trên hệ thống đều bị khóa lại và không được đăng ký xét tuyển nữa" - bà Nga lưu ý.
Đăng ký dự thi thế nào để không sai sót?
Từ sáng nay (15-6) đến 30-6, thí sinh sẽ chính thức bắt đầu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH. Lưu ý với thí sinh về việc này, ThS Hoàng Thúy Nga cho biết hồ sơ đăng ký dự thi năm nay khác tên gọi so với năm ngoái là kỳ thi tốt nghiệp THPT, gồm bì đựng hồ sơ và 2 phiếu đăng ký (số 1 và 2). Thông tin đăng ký trên 2 phiếu này phải giống nhau. "Trên phiếu đăng ký xét tuyển có hướng dẫn rất chi tiết cách thức ghi, thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn này. Nếu chưa rõ cần hỏi cán bộ thu nhận hồ sơ tại trường để tránh ghi sai sót" - bà Nga khuyên.
ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay thực tế thí sinh thường xuyên mắc phải nhiều lỗi khi đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển như tên không viết hoa; viết ngày tháng năm sinh không đúng quy cách; viết sai quy cách số chứng minh nhân dân/căn cước công dân; ghi sai số điện thoại và email cá nhân (với thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến, hệ thống sẽ gửi một mã OTP dùng một lần về số điện thoại đã đăng ký.
Cần phải nhập mã xác thực được nhận vào hệ thống thì mới xác nhận được việc thay đổi nguyện vọng); sai phần đăng ký môn thi; ghi sai mã ngành và mã trường ĐH; ghi sai khu vực tuyển sinh...
"Năm nay thí sinh là học sinh lớp 12 chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH, không được phép chọn các môn thi thành phần, không được đánh dấu X vào từng môn học vào phần dành cho thí sinh tự do. Thí sinh tự do có thể chọn cả hai bài thi hoặc chỉ chọn một số môn thành phần tùy theo mục đích xét tuyển ĐH của mình" - ông Hiển lưu ý.
Học sinh Huế quan tâm ngành công nghệ thông tin
Cũng trong sáng 14-6, hơn 3.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Thừa Thiên Huế.
"Em rất quan tâm đến thông tin hiện tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ có nhiều việc làm đối với ngành công nghệ thông tin (IT). Vậy nhu cầu việc làm ấy như thế nào và học ngành IT ở Huế thì có gì lợi thế hơn so với học ở các tỉnh, thành khác?" - câu hỏi của bạn Trần Thị Phương Thanh (lớp 12B4 Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Huế) nhận được nhiều sự hưởng ứng từ bên dưới hội trường.
Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Công Hào - trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên ĐH Huế - cho biết hiện nay ĐH Huế mỗi năm đào tạo 1.500 - 2.000 sinh viên ngành IT. "Về việc làm thì các em yên tâm. Hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp IT đã ký kết với các trường thành viên của ĐH Huế để đảm bảo việc làm đầu ra cho các em ngay sau khi ra trường" - ông Hào nói.
Ông Đoàn Minh Thắng, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực IT tỉnh Thừa Thiên Huế, đến hết năm 2020 tỉnh sẽ đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực IT làm việc tại Huế; phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 lao động IT phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm.
NHẬT LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận