Với hành khách, điều họ quan tâm nhất là chuyến bay bị chậm, hủy chuyến lỗi thật sự từ đâu, chủ quan hay khách quan?
Chuyến bay chậm 3 tiếng rưỡi vì “lông chim”
Chủ quan đó là lỗi của hãng hàng không (máy bay trục trặc, dồn chuyến...), do cảng hàng không (không sắp xếp được chỗ đậu máy bay hay vận hành ống lồng tiếp cận máy bay, thiếu xe thang đưa khách xuống...). Khách quan đó là do thời tiết, thậm chí là do chim trời va vào máy bay... Tiếc là thời gian qua, họ không biết lỗi đó đến từ đâu nên nhiều lúc chỉ còn biết chấp nhận, quá lắm là phàn nàn với hãng bay.
Vậy ai có thể trả lời chính xác những câu hỏi này? Đó chính là cảng vụ hàng không, cơ quan đại diện của Cục Hàng không tại các sân bay. Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận lâu nay đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại các sân bay chưa thật sự chủ động theo dõi giám sát hoạt động của các hãng hàng không, đặc biệt trong các trường hợp quyền lợi của hành khách bị xâm phạm khi chuyến bay bị chậm, hủy chuyến. Cục cũng chưa chi tiết hóa nội dung giám sát của cảng vụ tại các sân bay, chưa chủ động yêu cầu nhân viên cảng vụ phải cử người đến tìm hiểu nguyên nhân mỗi khi xảy ra chậm, hủy chuyến có đúng như các hãng báo cáo, đồng thời giám sát việc khắc phục và giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của hành khách bị chậm, hủy chuyến.
Sau đợt giám sát theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không mà cụ thể là cảng vụ tại các sân bay phải chủ động thông báo chính xác lỗi chậm, hủy chuyến. Đó là việc làm cần thiết và cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của hành khách. Bởi lẽ, trong “ma trận” về quy trình hàng không, sân bay, máy bay, an ninh, an toàn, vận chuyển, kiểm soát không lưu... chỉ có cảng vụ mới có đủ thông tin để đi đến kết luận nguyên nhân chậm, hủy chuyến. Cơ quan này sẽ khẳng định ngay lập tức và công khai với hành khách chuyến bay bị trễ, chậm, hủy có thật là do lỗi kỹ thuật hay thời tiết, máy bay về trễ như hãng ra rả trên loa hay thật sự hãng đã dồn chuyến, lừa dối khách hàng... Một khi đã xác định được nơi gây ra lỗi, cũng sẽ dễ dàng hơn để buộc đơn vị phạm lỗi khắc phục nhằm bảo vệ quyền lợi của hành khách, hoặc ít ra là cũng không để họ phải chịu cảnh vật vạ, chờ đợi mỏi mòn ở các sân bay.
Cần nhắc lại là quyền của Cục Hàng không rất lớn, đủ để bảo vệ quyền lợi của hành khách đi máy bay. Đó là được thu hồi giấy phép kinh doanh nếu các hãng hàng không liên tục vi phạm lỗi chậm, hủy chuyến. Không sử dụng quyền lực được trao, vẫn để xảy ra chậm, hủy chuyến bất thường, khi đó lỗi không hoàn toàn của các cảng hay hãng hàng không mà là Cục Hàng không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận