21/04/2013 03:32 GMT+7

"Hãy cho họ một mục tiêu"

TRẦN PHƯƠNG (Theo Christian Science Monitor)
TRẦN PHƯƠNG (Theo Christian Science Monitor)

TT - Chiến tranh thường để lại những hậu quả bị lãng quên và những người tham chiến cũng bị quên lãng. Nhưng Bryan Hoddle, một huấn luyện viên thể thao người Mỹ, trong gần một thập niên qua đã giúp hơn 1.000 cựu binh vượt qua những mất mát thân thể và giúp họ tìm lại giấc mơ tưởng như đã mất.

B0hmqxk8.jpgPhóng to
Bryan Hoddle tập chạy cùng một thương binh bị mù - Ảnh: Christian Science Monitor

Những giấc mơ được Bryan Hoddle gieo mầm trên đường băng tập chạy với những lời động viên, khích lệ. Ở nơi đó, những cựu binh trở về từ chiến trường khốc liệt ở Trung Đông, nhiều người mù lòa chạy trên những chiếc chân giả dần tìm lại con người mình. “Một lần nữa họ lại thấy mình là một vận động viên. Những con người đã mất mát quá nhiều này bắt đầu nghĩ: đúng vậy, mình có thể làm được” - Hoddle chia sẻ về ý nghĩa công việc của ông như thế.

Từ năm 2004, Hoddle - từng là huấn luyện viên cho đội tuyển thể thao khuyết tật Paralympic của Mỹ - bắt đầu giúp đỡ các cựu binh tại Trung tâm y tế quân đội Walter Reed ở Washington và Lakeshore Foundation ở Alaska với mục đích ban đầu là giúp họ thích nghi với những bộ phận giả trên cơ thể. Nhưng còn hơn thế, “Bryan giúp những người lính thấy được những điều họ không thấy bên trong con người mình” - Mandy Goff, một giám đốc thuộc Lakeshore Foundation, nói. Bằng thể thao, Hoddle cho họ một mục tiêu, chỉ cho họ thấy cuộc đời họ vẫn chưa rơi vào tuyệt vọng.

Một thương binh bị cụt hai chân đã khóc khi Hoddle cho biết anh có triển vọng tham gia đội tuyển Paralympic quốc gia. Đó là Steve Martin, người sống trong đau khổ từ khi biết mình không thể đi lại được. Anh từng là một tay chạy nước rút và một cầu thủ bóng đá trước khi nhập ngũ. Nhờ Hoddle, một năm rưỡi sau phẫu thuật bỏ chi, Martin đã bước ra đường băng tập chạy marathon. “Đó không phải là một quyết định dễ dàng - Martin cho biết - Nhưng tôi không muốn ngồi trên xe lăn suốt quãng đời còn lại”. Hay như nữ cựu binh Danielle Green, nay là vận động viên bóng rổ với một cánh tay giả, cũng vượt qua nỗi đau chiến tranh bằng thể thao.

Để huấn luyện những con người này, Hoddle cũng vượt qua những trải nghiệm không mấy dễ dàng. Đó là lần đầu tiên ông đến Walter Reed năm 2004. “Tôi thấy một anh lính bị thương ở đầu đang xếp củi, ngồi cạnh đó là một người chỉ có một tay và một chân. Tôi bước ra khỏi phòng và tự hỏi: mình đang dấn thân vào cái gì vậy? Tôi thật sự choáng khi nhìn thấy những người lính và vết thương của họ”. Nhưng cũng chính từ chuyến đi đầu tiên này, Hoddle nhận ra rằng mình sẽ không chỉ đơn giản là huấn luyện viên giúp họ thích nghi với những chi giả mà còn là một nhà tư vấn, một người bạn lắng nghe câu chuyện cuộc đời họ. Khi phát hiện hầu hết họ đều chơi thể thao trước khi nhập ngũ, Hoddle đã nảy ra ý tưởng đưa họ ra đường đua.

Số thương binh mà Hoddle giúp đỡ đã lên đến hơn 1.000 người trên tổng số 43.000 người trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan. “Những người lính này đã sống trong địa ngục. Điều tôi thật sự muốn là cho họ một hi vọng và định hướng để họ biết mình vẫn chính là con người trước đây” - Hoddle nói.

TRẦN PHƯƠNG (Theo Christian Science Monitor)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên