(Nhân đọc bài “Xin đừng “nung vôi” núi Bà Tài”, Tuổi Trẻ ngày 25-1)
Bà Tài, vốn được bao phủ bởi một thảm thực vật rừng, là một trong rất ít núi đá vôi chưa được cấp phép khai thác.
Phóng to |
Phóng to |
Ảnh: B.Đ. |
Nếu núi Bà Tài bị khai thác, không chỉ các loài thực vật và động vật đặc hữu bị mất đi, kế hoạch hành động bảo tồn mà IUCN chuẩn bị cùng với các ban ngành tỉnh Kiên Giang, Viện Sinh thái học miền Nam và Công ty Holcim Việt Nam sẽ bị phá sản. Những cá nhân và tổ chức tham gia kế hoạch này nhận thức rằng nhiều núi đá vôi ở Việt Nam sẽ bị mất do khai thác nhưng một phần điển hình, bao gồm núi Bà Tài, cần được gìn giữ vì đó là một phần không thể tách rời của di sản sinh học của Việt Nam. Trong kế hoạch đó, Công ty Holcim Việt Nam sẽ tài trợ các khảo sát tiếp theo để tư liệu hóa sự đa dạng các loài ở toàn bộ núi đá vôi còn lại tại khu vực Hòn Chông, bao gồm Bà Tài. Một số nhà khoa học hàng đầu thế giới sẽ tham gia kế hoạch này.
Tôi thấy cũng cần nhắc lại trong một cuộc họp tại Kiên Giang vào tháng 10-2012 mà tôi có tham dự cùng với đại diện Sở Khoa học - công nghệ và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, núi Bà Tài được khẳng định là “viên ngọc quý” trong khu bảo tồn núi đá vôi Kiên Lương đang được đề xuất xây dựng. Nếu Bà Tài bị khai thác, kế hoạch di dời đàn voọc bạc Đông Dương từ những ngọn núi đang khai thác về Bà Tài có nguy cơ thất bại.
Với tư cách là điều phối viên của IUCN tại Việt Nam, tôi cực lực phản đối việc khai thác núi Bà Tài. Trong hơn 15 năm qua, hầu hết núi đá vôi ở khu vực Kiên Lương (Kiên Giang) đã bị khai thác để sản xuất ximăng - vốn là nguyên vật liệu cần thiết để phát triển kinh tế Việt Nam. Đó là phần không thể tránh được trong quá trình phát triển. Nhưng trong quá trình phát triển đó, Việt Nam nên giữ lại các điển hình đại diện cho tính đa dạng sinh học của mình. Không thể lấy lý do kinh tế biện minh cho việc phá hủy toàn bộ sự độc đáo và vẻ đẹp của đất nước. Điều đó không hề có lợi cho Việt Nam về lâu dài.
JAKE BRUNNER(điều phối viên của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN - tại Việt Nam)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận