25/01/2013 06:30 GMT+7

Xin đừng "nung vôi" núi Bà Tài

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Núi Bà Tài ở xã An Bình, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) được đánh giá cao về đa dạng sinh học, nằm trong quy hoạch cấm khai thác khoáng sản và được các nhà khoa học đề xuất bảo tồn, nay đang đứng trước nguy cơ bị “xẻ thịt nung vôi”.

lR7GiJJR.jpgPhóng to
Núi Bà Tài được đánh giá cao về đa dạng sinh học - Ảnh: L.H.T.

Cuối năm 2011, UBND tỉnh Kiên Giang đã cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hương Hải (trụ sở tại Hà Nội) đầu tư dự án nhà máy sản xuất vôi hóa và gạch nhẹ chưng áp, chế biến vật liệu xây dựng. Theo đó, Công ty Hương Hải được phép khai thác ba mỏ đá vôi ở núi Nhỏ, núi Lò Vôi Lớn và núi Túc Khối, huyện Kiên Lương. Cuối năm 2012, Công ty Hương Hải đề nghị được khai thác thêm cả núi Bà Tài với lý do công suất nhà máy lớn, không đủ nguồn nguyên liệu.

Tại cuộc họp mới đây do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức để xem xét kiến nghị của Công ty Hương Hải về việc khai thác núi Bà Tài, ông Nguyễn Xuân Lộc, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang, cho biết núi Bà Tài nằm trong khu vực quy hoạch cấm khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, theo ông Lộc, dự án nhà máy của Công ty Hương Hải lại nằm ngay gần chân núi Bà Tài nên nếu giữ núi Bà Tài để bảo tồn cũng rất khó. Ông Lộc cũng cho biết dự án của Công ty Hương Hải khi khai thác hết công suất có thể đóng góp cho địa phương 100 tỉ đồng/năm. “Bảo tồn cũng cần, mà tiền cho ngân sách cũng rất cần, theo tôi là nên cho khai thác” - ông Lộc nói.

Ông Lê Khắc Ghi, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh, cho biết tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty Hương Hải với thời hạn 50 năm để khai thác ba mỏ đá vôi ở ba núi nói trên, nhưng theo tính toán của doanh nghiệp, ba mỏ đá này chỉ đủ cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động khoảng bảy năm. “Nếu không cho phép khai thác núi Bà Tài thì sau bảy năm họ lấy gì để sản xuất?” - ông Ghi đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Lương Thanh Hải, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Kiên Giang, đề nghị giao cho Công ty Hương Hải khai thác một phần núi Bà Tài, chỉ giữ lại một phần núi phía biển để bảo tồn.

Riêng đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang đề nghị không nên giao núi Bà Tài cho Công ty Hương Hải khai thác. “Cho doanh nghiệp quả núi này tỉnh cũng không thu được bao nhiêu, không khai thác thì chúng ta cũng không nghèo hơn nên tôi đề nghị nên giữ lại” - bà Trần Thị Hằng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nói.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên ông Trần Thanh Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết sẽ báo cáo thường trực UBND tỉnh quyết định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, núi Bà Tài không có tên trong quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản để làm ximăng hay làm vật liệu xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công ty Hương Hải được UBND tỉnh Kiên Giang cấp chứng nhận đầu tư thời hạn 50 năm với công suất giai đoạn 1 là 200.000 tấn sản phẩm/năm, khi hoàn thiện có thể đạt 1 triệu tấn/năm. Phải chăng chính UBND tỉnh Kiên Giang đã bị “hớ” khi cấp chứng nhận đầu tư với quy mô quá lớn để doanh nghiệp có cớ xin được giao thêm núi Bà Tài? Điều đáng lưu ý khác là Bộ Xây dựng xác nhận núi Bà Tài không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, nhưng khi nhận được văn bản xin khai thác núi này của Công ty Hương Hải, bộ này vẫn có công văn “Chuyển văn bản của công ty để UBND tỉnh Kiên Giang hướng dẫn xem xét cấp phép hoạt động khoáng sản mỏ đá vôi núi Bà Tài”.

Trong một diễn biến khác, ngày 16-1, Viện Sinh thái học miền Nam đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm đặc biệt để sớm hình thành khu bảo tồn thiên nhiên núi đá vôi Kiên Lương nhằm bảo toàn đa dạng sinh học của khu vực này. Theo Viện Sinh thái học miền Nam, một số loài động, thực vật đặc hữu đến nay chỉ mới tìm thấy ở khu vực núi đá vôi Kiên Lương, trong đó có loài lan bầu rượu chỉ phát hiện ở núi Bà Tài và một loài thu hải đường được đặt tên khoa học Begonia bataiensis, theo tên núi Bà Tài.

IUCN kêu gọi bảo vệ vĩnh viễn núi Bà Tài

Ngày 17-1, ông Jake Runner - điều phối viên của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại VN - đã có thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi bày tỏ quan ngại về đề xuất giao núi Bà Tài cho Công ty Hương Hải khai thác làm nguyên liệu sản xuất vôi. Theo ông Jake Runner, Bà Tài là một trong số ít núi đá vôi còn nguyên vẹn cuối cùng ở khu vực Hòn Chông, Kiên Lương và là một phần trong chuỗi núi đá vôi được biết đến trên toàn thế giới về sự đa dạng sinh học nên IUCN kêu gọi chính quyền tỉnh Kiên Giang hãy bảo vệ vĩnh viễn núi Bà Tài.

Cùng ngày, GS Herbert H.Covert - chủ tịch Đại học Colorado, Hoa Kỳ - cũng có thư gửi UBND tỉnh Kiên Giang bày tỏ lo lắng trước khả năng cho phép Công ty Hương Hải khai thác đá tại núi Bà Tài. GS Herbert H. Covert cho biết ông đang cùng các nhà khoa học VN nghiên cứu bảo tồn quần thể voọc bạc Đông Dương quý hiếm tại khu vực núi đá vôi Hòn Chông, Kiên Lương. “Hai trong số bốn ngọn núi nơi loài này cư trú hiện đang được khai thác, những động vật này sẽ cần phải được di chuyển trong tương lai gần và núi Bà Tài là một trong những địa điểm có thể là nhà cho chúng... Tôi khẩn nài các bạn tiếp tục là một đối tác xuất sắc trong việc giúp bảo tồn di sản thiên nhiên giàu có của Kiên Giang bằng cách bảo vệ toàn bộ núi Bà Tài...” - GS Herbert H.Covert kêu gọi.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên