03/03/2021 14:00 GMT+7

Hậu trường thi Olympic quốc tế - những chuyện chưa kể - Kỳ 2: Thước đo niềm say mê

VĨNH HÀ - THẢO THƯƠNG
VĨNH HÀ - THẢO THƯƠNG

TTO - Quyết định bỏ qua bài dễ để 'chiến' bài khó nhất, một bài hình có 6 cách giải khác nhau và đều đúng, hay bỏ ra cả tiếng chỉ để tìm cách giải tối ưu. Đó là những chuyện lạ mà rất bình thường ở các kỳ Olympic quốc tế.

Hậu trường thi Olympic quốc tế - những chuyện chưa kể - Kỳ 2: Thước đo niềm say mê - Ảnh 1.

Đội tuyển Olympic toán quốc tế năm 2017 vui mừng về kết quả cao đưa đội tuyển lên thứ hạng cao nhất trong lịch sử thi Olympic toán quốc tế của Việt Nam - Ảnh: NVCC

TS Lê Bá Khánh Trình, người nhiều năm gắn bó với đội tuyển học sinh giỏi, cho rằng kỳ thi Olympic quốc tế chỉ có thể là kỳ thi của những người có niềm say mê.

Kích hoạt sự sáng tạo

Yêu cầu của kỳ thi Olympic toán quốc tế là học sinh sẽ phải trải qua hai ngày thi. Mỗi ngày chỉ làm 3 bài toán, trong thời gian 4,5 tiếng. Khả năng tập trung cao độ, sự quyết đoán trong việc lựa chọn hướng đi và tìm ra cách đột phá để đến đích là những thứ mà những học sinh tham gia cuộc thi đẳng cấp này phải có.

Và để giải bài toán kéo dài vài tiếng, nếu không xuất phát từ đam mê thì sẽ khó lòng làm được. Chỉ từ đam mê mới có thể rèn luyện, hình thành năng lực đặc biệt.

Võ Anh Đức, học sinh đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 2013, chia sẻ: "Khởi đầu tôi học toán không phải để đi thi quốc tế, cũng không hề đặt ra mục tiêu phải có huy chương, giải thưởng. Mà xuất phát điểm là sự đam mê, thích khám phá, vì đam mê mà lao vào học.

Kỳ thi Olympic quốc tế chỉ là hệ quả của đam mê đó. Dĩ nhiên, thành quả đó đem lại tạo động lực và những cơ hội để tôi và các thành viên khác theo đuổi tiếp toán học".

Và để "xứng" với sự đam mê, người ra đề thi ở các kỳ Olympic quốc tế luôn đề cao ý tưởng sáng tạo. Một bài toán có thể có nhiều cách giải, giống như nhiều con đường để đến đích. Con đường nào ngắn nhất, đẹp nhất, có phong cách nhất sẽ là con đường tạo ấn tượng, có thể ghi điểm nhiều hơn.

PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, chủ tịch Hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), có khái niệm "văn hay" trong làm toán để nói về những lời giải đẹp, mạch lạc, ngắn gọn, sáng sủa, thậm chí gây bất ngờ cho người chấm.

Và theo ông, nhiều học sinh tài năng không chỉ đặt cho mình mục tiêu tìm ra lời giải mà phải là lời giải hay nhất, sáng tạo, độc đáo nhất.

Lê Quang Dũng, học sinh từng đoạt huy chương vàng trong kỳ Olympic toán quốc tế năm 2017, cho biết trong kỳ thi năm 2017 cũng có những bài mà đội Việt Nam mỗi người có một cách giải, trong đó có cách giải bất ngờ với chính các thầy trong đoàn và ban giám khảo.

Dũng dùng từ "cách giải đẹp" để nói về bài của Hoàng Hữu Quốc Huy (đoạt huy chương vàng có số điểm cao nhất trong đội tuyển toán năm 2017) vì ý tưởng rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu.

"Đề khó nhưng hợp phong cách với đội Việt Nam nên xử lý tốt" - Lê Quang Dũng chia sẻ và phân tích kết quả của đội tuyển toán 2017 theo góc nhìn của những người đam mê toán.

Những chia sẻ của Dũng cho thấy kết quả thi, giải thưởng cũng quan trọng, nhưng cái để lại dấu ấn cho các bạn trong một kỳ thi đẳng cấp lại là cách giải đẹp, xử trí thông minh. Những trải nghiệm đó sẽ đọng lại ở những học sinh sẵn có đam mê và đang tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học cơ bản.

Hậu trường thi Olympic quốc tế - những chuyện chưa kể - Kỳ 2: Thước đo niềm say mê - Ảnh 2.

Ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT (bìa phải), thăm phòng thi trực tuyến của học sinh Việt Nam trong kỳ thi Olympic toán quốc tế trước giờ thi - Ảnh: NVCC

Trải nghiệm của những người "dò đường"

"Thường thì cả đội đều cố gắng thi ngày đầu tốt nhất để có tâm lý tốt cho ngày thứ hai. Phan Nhật Duy, một thành viên của đội năm đó, đã làm không tốt bài thi ngày đầu, nhưng ngày thứ hai bạn ấy lại bứt phá" - Dũng nói về đồng đội khi nhận xét tinh thần thi đấu, nỗ lực trong thời điểm quan trọng để đạt mục tiêu. Và bản thân Dũng cũng có một lựa chọn mà theo em là sáng suốt.

"Về độ khó của đề thi năm 2017, bài thi số 5 dễ hơn số 6. Nhưng thay vì làm lần lượt từng câu theo độ khó tăng dần, tôi quyết định bỏ bài 5 để tập trung hết sức vào giải quyết bài 6. Đây là bài khó, nhiều học sinh nước khác không làm được nhưng lại là thế mạnh của tôi. Tôi quyết tâm dồn sức làm trọn vẹn bài đó" - Dũng nói.

Điều này cho thấy việc chọn đúng sở trường, tập trung cao độ là một "bí quyết". Kỳ thi đẳng cấp không phải chỉ là nơi để giải đáp án của những bài thi mà là cuộc thi của bản lĩnh, sự quyết đoán.

Về kết quả của Lê Quang Dũng, GS.TS Lê Anh Vinh, trưởng đoàn học sinh dự Olympic toán quốc tế năm đó, nhớ lại: "Dũng bỏ bài 5, bài 6 thì làm quá ngắn, chỉ một trang rưỡi viết tay trong khi đáp án của ban giám khảo là một trang rưỡi đánh máy nên chúng tôi khá lo. Nhưng khi đọc bài thì thật bất ngờ. Cách Dũng làm rất đơn giản, dùng một bước chuyển là giải quyết xong".

Cách "đơn giản" như GS Vinh nhận xét, nhưng Dũng phải bỏ ra 3 tiếng đồng hồ trong khi thời gian quy định cho cả bài thi là 4,5 tiếng. Những chuyện như thế này chỉ có thể diễn ra ở một cuộc so tài đỉnh cao.

Võ Anh Đức khi đã đi qua thời học sinh để dấn sâu hơn vào nghiên cứu khoa học cho rằng toán học chỉ hấp dẫn đối với những người có sự tò mò, thích khám phá. Và với những người này thì việc tìm ra một con đường, khám phá ra một ẩn số là hạnh phúc.

Một trường hợp khác khi nói về hành trình khám phá của mình, Nguyễn Mạc Nam Trung, học sinh đoạt huy chương bạc trong đội tuyển Olympic toán quốc tế năm 2020, cho rằng: Vấn đề cốt lõi để vượt qua thách thức của đề thi là phải biết cách cảm nhận đề. Có nghĩa mình quan sát xem ý của đề hướng mình đến điều gì.

Chẳng hạn một bài toán hình học yêu cầu chứng minh tính chất, mình nhìn tính chất đó và phải phán đoán, liên hệ với những cái đã học, vận dụng nó để tìm ra hướng đi. Thế nên "cảm nhận đề" rất quan trọng, nếu không cảm nhận được thì chẳng khác nào lạc trong mê cung không tìm được đường ra và cứ chơi vơi trong các bài toán đó.

"Trong đề thi toán năm 2020, tôi mất một tiếng với bài bất đẳng thức có mũ, mũ chứa biến - một câu rất lạ và "cái bẫy" nằm ở câu cuối. "Đề phát biểu rất đẹp nhưng tôi đã tính sai, chọn một hướng đi không đột phá nên không ra kết quả" - Trung nuối tiếc.

Bù lại Nam Trung kể về một "con đường" khác: "Một bài tổ hợp dễ so với tôi, nhưng tôi lại tốn khá nhiều thời gian vì muốn tìm ra cách đi tối ưu nhất cho bài toán của mình và phải chứng minh được đó là cách tối ưu nhất".

Ai đó sẽ nói "con đường" mà Nam Trung chọn có phần bay bổng quá so với tính thực tế của một kỳ thi đầy ganh đua mà tấm huy chương là cái đích cuối cùng. Nhưng những người thực sự đam mê thì sẽ luôn có sự thôi thúc để đi tìm sự "tối ưu".

GS.TS Lê Anh Vinh, trưởng đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế trong nhiều năm, kể từng có những bài toán trong kỳ thi mà 6 thành viên của Việt Nam, mỗi em có một cách giải và các cách đều đúng. Đó là điều thú vị của đề thi và cũng chỉ thấy xuất hiện ở cuộc thi hội tụ những học sinh thực sự tài năng.

"Từng có bài giải của một học sinh trong đoàn Việt Nam phải chấm đến 6 lần vì quá dài. Có những bài giải chỉ ngắn gọn trong nửa trang giấy nhưng có bài giải dài đến một trang, vài trang" - GS.TS Lê Anh Vinh cho biết.

Chính sự đa dạng này đã làm cho các kỳ thi Olympic quốc tế trở thành "ngày hội của sự sáng tạo" chứ không đơn thuần là cuộc thi với những điểm số. Và sau những vầng hào quang, cái hay của những sân chơi đẳng cấp quốc tế là ở chỗ đó, nó khai mở, nuôi dưỡng, phát triển đam mê.

------------------------------

Chỉ có ở các kỳ thi Olympic quốc tế thì mới có chuyện lục tung cả giấy nháp của học sinh để tìm thêm điểm cho bài thi...

Kỳ tới: Chấm thi và cuộc "đấu trí" của các thầy

Hậu trường thi Olympic quốc tế - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Hậu trường thi Olympic quốc tế - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: 'We are from Việt Nam'

TTO - Có rất nhiều câu chuyện hậu trường chưa biết về trí tuệ Việt Nam trong các cuộc thi Olympic quốc tế.

VĨNH HÀ - THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Olympic quốc tế