Nhiều CĐT chạy đua cam kết lợi nhuận khiến người mua rất khó xác định và chọn mua sản phẩm phù hợp giá trị thật |
Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra tọa đàm “Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội và rủi ro”. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) đã nhận định giá trị, sức hấp dẫn của phân khúc nghỉ dưỡng. Đồng thời chỉ ra những bất cập, rủi ro của thị trường này trong bối cảnh chung hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, phân khúc nghỉ dưỡng có tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Các địa danh như Quảng Ninh, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… đang thu hút dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước. Phân khúc này có sức hấp dẫn lớn khi cam kết sinh lời cao và bảo toàn vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro khi “bỏ tiền” vào phân khúc này.
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định: “BĐS nghỉ dưỡng hiện nay đang trên đà phát triển khi NĐT nhìn thấy rõ tiềm năng của ngành du lịch. Tuy nhiên, thị trường này phát triển thiếu bền vững khi chưa có số liệu minh bạch. NĐT thứ cấp còn lúng túng trước thông tin. , Đa số đầu tư theo tâm lý đám đông nên gặp phải rủi ro về tài chính, nguồn cầu”.
Chuyên gia Rudolf Hever cho rằng: “Các điểm đến du lịch hấp dẫn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… đang có công suất hoạt động khá tốt. Nhưng nhiều CĐT chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp còn phân khúc trung cấp hầu như đang bị bỏ quên”. Chuyên gia này khẳng định: “Thị trường BĐS nghỉ dưỡng có nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng không ít rủi ro. Chẳng hạn, Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào 2 nguồn khách du lịch là Trung Quốc và Nga, chưa có sự mở rộng ra các khu vực khác. Ngoài ra, hiện nay nhiều dự án chào bán rầm rộ nhưng lại chưa đi vào hoạt động nên bản thân người mua, NĐT thứ cấp không lường trước được những rủi ro về tiến độ, chất lượng. Khách hàng thường mua các sản phẩm qua hình ảnh quảng cáo mà chưa nhìn nhận hết về loại hình đầu tư, dòng sản phẩm mà mình mua. Bên cạnh đấy, nhiều chủ đầu tư (CĐT) hiện nay chạy đua theo cam kết lợi nhuận cao nhưng lại khá mơ hồ về đầu ra của sản phẩm. Do đó, hầu hết các CĐT đều lấy yếu tố lợi nhuận cam kết để đánh bóng sản phẩm khiến người mua khó xác định được giá trị thật của dự án”.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh đến vấn đề đảm bảo lợi nhuận của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Theo ông, đa số CĐT hiện nay cam kết mức lợi nhuận 8 - 10%/năm cho dự án đầu tư. Thế nhưng, trong trường hợp CĐT không thực hiện nghĩa vụ cam kết với khách mua thì chưa có các biện pháp cụ thể. Ngoài ra, việc khách mua vay ngân hàng mức tối đa cũng khá khó khăn nếu đó không phải là ngân hàng liên kết với CĐT. “Dù BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh trong 3 năm qua nhưng phân khúc này vẫn tiềm ẩn nhiều bất lợi. Cụ thể, đây là hình thức mới mẻ tại Việt Nam chưa có nhiều người tham gia. Bên cạnh đấy, loại hình này phụ thuộc phần lớn vào du lịch. Nếu lượt khách du lịch ít thì thị trường nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, thu nhập của phần lớn người dân còn thấp để có thể mua BĐS nghỉ dưỡng. Do đó, số lượng khách mua tham gia thị trường bị hạn chế”, TS Hiếu khẳng định.
Trong khi đó, chuyên gia Huy Nam “nhắn nhủ” đến khách hàng “đừng lướt sóng, đừng vay ngân hàng để đua mua”. Ông cho rằng, so với các kênh đầu tư khác như thị trường chứng khoán, tính thanh khoản của BĐS nghỉ dưỡng kém xa. Đặc biệt, đầu ra của phân khúc nghỉ dưỡng cũng khó khăn hơn các loại hình đầu tư khác. “Nếu chỉ nhìn vào các con số quảng bá và kỳ vọng lợi nhuận thì khách mua nên cân nhắc. Theo tôi là không nên lướt sóng và cũng không nên vay ngân hàng để đầu tư BĐS nghỉ dưỡng. Rủi ro phong trào có khả năng xảy ra”, ông Nam nhấn mạnh.
Về tính pháp lý, luật sư Trần Thái Bình chỉ ra: “Hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng chuyên biệt trong kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng. Các thuật ngữ về BĐS nghỉ dưỡng hay condotel vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng. Hiện không có cơ sở cấp giấy chứng nhận sở hữu đối với các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng và nếu có còn tùy vào từng dự án”.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Thế nhưng, những rủi ro về nguồn vốn, tính pháp lý, sự minh bạch… sẽ là rào cản khiến không ít NĐT băn khoăn và lo ngại khi “xuống tiền”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận