![]() |
Chàng thanh niên cầm băngrôn đi bên phải sau này trở thành nhà tình báo lỗi lạc - thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn |
Kỳ 1: Bảo Đại và “cuộc đón tiếp quái dị” Kỳ 2: Ngày lịch sử Kỳ 3: Sài Gòn rực lửaSố phận 74 bức ảnh qua 2 cuộc kháng chiến
Tuổi Trẻ xin trích đăng bài viết của ông nhân một cuộc hội ngộ của những người bạn từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên trước năm 1975. Bài viết đăng trong quyển Ngòi pháo 9-1 do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2000.
“Mấy cô cậu dám làm, tôi lấy tiền sao được!”
Thuở đó, tôi làm thư ký kế toán cho Hãng Caltex, chiều đi dạy học ở Trường Lê Bá Cang, ban đêm còn phải đạp xích lô kiếm tiền thêm nuôi cha bị lao. Tôi hoạt động học sinh chung với Đỗ Ngọc Thạnh, thường hay đến gặp Thạnh tại nhà bà Mười, má anh Kim Sơn và Ngọc Hà. Tôi và Thạnh chơi với nhau rất thân vì ba Thạnh là họa đồ Nguyễn Duy Khương, ba tôi là bạn học cùng khóa tốt nghiệp Trường đại học Công chính ở Hà Nội.
Ba của chị Yến Sa (bây giờ là bà Nguyễn Thị Bình, lúc đó là cán bộ hoạt động trí thức sinh viên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn) là họa đồ Lợi, cũng học chung khóa này. Do đó, chúng tôi chơi thân với nhau từ hồi còn là những đứa trẻ dưới 10 tuổi, trong những năm 1936-1937 ở đường Hàm Nghi (nay là đường Bạch Đằng) ở Gia Định.
“... Trong biển người, rừng tràng hoa tiễn đưa anh Trần Văn Ơn ngày 12-1-1950, có một vòng hoa bé nhỏ mang hoài bão vào đời của chúng tôi với dòng chữ: “TÂM NIỆM TRUNG NGÔN”. Đó là tên bốn người bạn ở Chợ Lớn của anh Ơn ghép ngẫu nhiên lại thành câu có ý nghĩa. Với cái tuổi chưa tròn đôi mươi của những học trò nhỏ thuở ấy, chúng tôi rất tự hào. Không những mình sẽ nói những lời đúng, trung nghĩa mà còn phải trung tín với lời mình nói, giống như Trần Văn Ơn đã vì cái đúng, cái chính đáng là đòi trả tự do cho các bạn đang bị giam cầm; anh đấu tranh chống áp bức mà phải hi sinh...”. (HUỲNH THỊ NGÔN - cựu nữ sinh Trường Gia Long. Trích quyển Ngòi pháo 9-1) |
Sau cuộc đấu tranh bãi khóa ở Trường trung học Mỹ Tho (1949) trường tạm đóng cửa, tôi về Sài Gòn. Một hôm Thạnh đến tìm tôi tại nhà ở đường Ngô Tùng Châu và rủ tôi tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn.
Tôi phấn khởi nhận lời ngay, hai anh em chúng tôi thường gặp nhau bàn kế hoạch, khi ở nhà tôi, khi ở nhà bà Mười, một hai lần ở nhà ông bà kỹ sư Trần Văn Đức tại số 89 bis đường Verdun (bây giờ là Cách Mạng Tháng Tám), nhà có bốn cô gái đàn rất giỏi: Bình Minh, Bình Thanh, Bình Trang và Bình Nghiêm.
Ngày 9-1-1950, học sinh rầm rộ kéo xuống đường biểu tình. Chúng tôi tập trung trước dinh thủ hiến. Tất cả xe đạp chúng tôi để dựa gốc cây đa cho mát. Tôi đứng phía bên tòa án. Khi chúng bắt đầu đàn áp, mạnh ai nấy chạy.
Chúng bắn chỉ thiên, dùng ma trắc đánh đập. Tôi chạy ra ngoài, gặp một chị vóc dáng nhỏ bé nâng đỡ một chị rất lớn, máu me đầy người. Tôi không dám đến đỡ tiếp vì câu “nam nữ thọ thọ bất thân”, vội vàng kêu một anh xích lô chạy qua đó nhờ chở hai cô gái đi. Chị nhỏ người ẵm chị bị thương (chị này bị chúng đập bể đầu, máu chảy xối xả) lên xích lô.
Nếu qua nhà thương Sài Gòn thì sợ bị bắt, tôi bảo xích lô chạy qua Khánh Hội, nay là quận 4, qua chợ Xóm Chiếu, tôi biết ở đó có một trạm y tế. Tôi đạp theo chiếc xích lô. Ba chúng tôi chạy theo hướng cầu Mống đến trạm y tế Khánh Hội. Mấy người y tá hiểu liền cơ sự. Họ thật dễ thương, rửa vết thương trên đầu cô nữ sinh, lấy bông gạc băng lại, cô y tá còn cởi áo cho nạn nhân bị thương mặc trước khi chúng tôi quay về.
Tôi hỏi cô gái bị thương nhà ở đâu để đưa về, cô nói: “Ở nhà chị Bình Minh, 89 bis đường Verdun”. Tôi mừng quá, không ngờ nạn nhân mình cứu giúp lại là người trọ trong gia đình mà tôi hết sức quen thuộc. Về đến nơi, tôi móc túi trả tiền anh xích lô đã đưa hai chị đi suốt qua Xóm Chiếu rồi trở về Sài Gòn, nhưng anh từ chối không nhận, nói: “Mấy cô, mấy cậu dám làm, tôi lấy tiền sao được!”.
“Tôi thấy hãnh diện!”
Được biết nạn nhân chúng tôi cứu giúp hôm đó là chị Phương Dung, học sinh năm thứ hai Trường Gia Long, là người chị họ của chị Bình Minh, được gia đình gửi lên nhà kỹ sư Đức để tá túc đi học. Ngày 12-1-1950 tràn đầy khí thế của nửa triệu đồng bào các giới Sài Gòn - Chợ Lớn, cùng biểu thị tình đoàn kết chống ngoại xâm! Tôi rất hãnh diện được cầm băng rôn mang dòng chữ “Toàn thể học sinh Nam Việt” đi đầu trong rừng khẩu hiệu, câu đối điếu. Tấm ảnh ấy may mà dưới thời Mỹ, cơ quan an ninh tình báo địch không biết được, nếu không họ đã “tóm” tôi chứ đâu để yên cho tôi hoạt động trong lòng địch lâu đến thế!
Có nhiều cảnh sát cũng đi đưa tang, mang cả vòng hoa đến viếng. Lúc đại biểu các giới đọc điếu văn, một cảnh sát nhảy ra chụp micro xin nói. Tôi liếc nhìn Thạnh, Thạnh lắc đầu. Tôi giật micro khỏi tay viên cảnh sát, nói to: “Không được, anh là lực lượng của Pháp!”. Về sau tụi tôi bị anh Mười Cúc phê bình là không thừa cơ hội tranh thủ họ để “thêm bạn bớt thù”.
Nhờ khí thế ngày 12-1-1950 - ngày đám tang anh Ơn - mà đến ngày 12-3 - ngày cứu trợ đồng bào bị đốt nhà ở Bàu Sen - tụi tôi đi quyên tiền đồng bào rất dễ. Đi tới đâu người ta cho tới đó. Có người ôm chúng tôi khóc nói: “Các cậu giỏi quá, gan quá!”.
Hồi đó chị Yến Sa hoạt động trong sinh viên, học sinh trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn. Giữa năm 1951, tôi được lệnh vào chiến khu Đ nhận nhiệm vụ mới và phải cắt đứt tất cả các mối quan hệ trong thời gian hoạt động học sinh sinh viên.
Tôi tưởng không bao giờ có dịp gặp lại các bạn thân yêu của thời kỳ đó. Đến đầu năm nay, tức 49 năm sau, tôi thật sự xúc động gặp lại các bạn ở đây, đặc biệt là chị Ngôn, người đã cùng tôi cứu một người bạn là nạn nhân của cuộc đàn áp dã man ngày hôm đó, trong một tình huống gay cấn mà tôi còn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ như việc đó vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Tôi muốn cảm ơn các anh, các chị, các bạn đã cho tôi dịp ôn nhớ lại những kỷ niệm về những con người, những sự việc mà tôi đã chôn chặt trong đáy lòng từ ngót nửa thế kỷ nay. Những kỷ niệm của thời trai trẻ, tuổi chưa đầy 20, trong một giai đoạn đấu tranh kiên cường, giành độc lập cho Tổ quốc.
Tháng 5-1999
________________
Ngọn lửa Trần Văn Ơn đã trở thành một phong trào học sinh - sinh viên rộng lớn cho tới tận ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thêm ký ức khác của một người trong cuộc - nhà báo Lê Văn Nuôi.
Kỳ cuối: Ký ức về tờ báo trong tù
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận