Trung Quốc lại làm nóng Biển ĐôngTrung Quốc bày đủ chiêu trò ở biển Đông
Phóng to |
Ngư dân Mai Xuân Chí (thuyền trưởng tàu cá BĐ-95631 ở Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: “Biển Đông là ngư trường từ bao đời nay người Việt Nam mình vẫn đánh bắt, không thể chấp nhận khi chính quyền Trung Quốc vô cớ đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá tại đây...”- Ảnh: Trường Đăng |
Ông Nghị đã yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái đó để đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông theo Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình biển Đông” - ông Lương Thanh Nghị cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Hoàng Thắng - nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan - cho biết đây không phải là việc Trung Quốc nhắc lại lệnh cấm thường niên từ tháng 5 đến tháng 8 mà là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra yêu cầu pháp lý rõ ràng đối với ngư trường tranh chấp mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và các nước khác trong khu vực cùng tuyên bố chủ quyền. “Các nước lớn và các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, nếu làm ngơ hay phản ứng không đúng mức đối với cái lệnh phi pháp này thì Bắc Kinh sẽ lấn tới và hậu quả là khôn lường. Nhưng nếu tất cả các nước có chung tiếng nói, lấy UNCLOS làm hệ quy chiếu, lấy chính những tuyên bố và cam kết song/đa phương của Trung Quốc để đấu lại thì vấn đề sẽ khác” - ông Thắng nói.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc
Theo Hãng tin Reuters, trưa 9-1 (giờ Mỹ), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố: “Việc hạn chế hoạt động đánh cá của các nước khác trên vùng biển tranh chấp ở biển Đông là hành vi khiêu khích và có thể gây nguy hiểm. Trung Quốc không hề đưa ra lời giải thích hay cơ sở luật pháp quốc tế nào đối với những yêu sách này. Quan điểm của chúng tôi luôn là các bên cần tránh những hành động đơn phương gây căng thẳng và hủy hoại cơ hội giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao và hòa bình”.
Người phát ngôn Psaki cũng cho biết các quan chức ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối đến Chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, báo Manila Standard Today đưa tin Chính phủ Philippines khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước này trước sự đe dọa của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh nước này sẵn sàng đối phó với việc tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Manila. “Chúng tôi sẽ bảo vệ nguồn tài nguyên của nước mình” - một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines cho biết.
Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định quy định mới của Trung Quốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. “Các quy định này vi phạm tự do hàng hải và quyền đánh bắt cá trên biển theo UNCLOS - Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh - Hành vi của Trung Quốc sẽ làm leo thang căng thẳng, khiến tình hình biển Đông thêm phức tạp, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.
Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Renato C. De Castro thuộc ĐH De La Salle (Philippines) cho rằng hành động của Trung Quốc không chỉ để khẳng định chủ quyền trên biển Đông và gây sức ép với các nước láng giềng mà còn là bài thử đối với quyết tâm “tái cân bằng lực lượng” của Mỹ tại châu Á. Ông cảnh báo tàu cá các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines sẽ phải đối mặt với các tàu cảnh sát biển Trung Quốc và cả tàu hải quân nước này.
Giới chuyên gia quan ngại
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định đây là hành vi leo thang căng thẳng nghiêm trọng của chính quyền Trung Quốc. “Trung Quốc có quyền quản lý trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường bờ biển đảo Hải Nam. Tuy nhiên với quy định này Bắc Kinh đã hành động bất hợp pháp, vượt ra ngoài phạm vi hợp pháp của nước này”.
Giáo sư Thayer bình luận quy định mới này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những gì chính quyền Trung Quốc đã làm từ nhiều năm nay. Đó là quấy rối tàu cá nước ngoài trên biển Đông, thu giữ lượng cá đánh bắt được và các thiết bị, phạt tiền thủy thủ... “Hành động của chính quyền tỉnh Hải Nam sẽ làm leo thang căng thẳng và gây phương hại, nếu không muốn nói là phá hủy các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)” - giáo sư Thayer cảnh báo.
Ông Thayer cho rằng vụ việc này một lần nữa cho thấy chiến lược của Trung Quốc là dùng luật pháp trong nước để thúc đẩy việc đòi chủ quyền. “Phải nhấn mạnh một lần nữa rằng vùng biển trên là vùng biển quốc tế. Với hành động này, Bắc Kinh thể hiện rõ ý đồ buộc các nước phải thừa nhận việc nước này đòi chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên biển Đông rất rộng và chính quyền Trung Quốc sẽ khó có thể thực thi quy định này ở khắp mọi nơi trên vùng biển này” - giáo sư Thayer đánh giá.
Tiến sĩ Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cũng xác định Trung Quốc chỉ có quyền buộc tàu bè nước ngoài xin phép hoạt động trong EEZ của nước này tính từ bờ biển đảo Hải Nam. Việc quy định mới áp dụng bên ngoài phạm vi EEZ của Trung Quốc là hành vi sai trái, có thể gây căng thẳng với các nước láng giềng trong khu vực. “Các nước có thể phản ứng bằng cách điều động tàu bảo vệ các đoàn tàu cá, nhưng đây là biện pháp tốn kém và làm tăng nguy cơ đụng độ trên biển” - tiến sĩ Storey cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận