23/09/2021 10:50 GMT+7

Hãng tin Reuters: Pháp khinh thường Anh đến mức không thèm nhắc đến

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Thủ tướng Boris Johnson gọi AUKUS là "bước tiến lớn với an ninh toàn cầu" và kêu gọi Pháp kiềm chế, ngừng tức giận. Pháp không hề nhắc đến Anh dù chỉ trích Mỹ và Úc, điều mà theo Reuters là một sự khinh thường thấy rõ.

Hãng tin Reuters: Pháp khinh thường Anh đến mức không thèm nhắc đến - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Johnson (phải) gác chân lên bàn trong chuyến thăm Điện Elysee và gặp Tổng thống Pháp Macron vào tháng 8-2019 - Ảnh: REUTERS

"Về cơ bản, đây là một bước tiến lớn đối với an ninh toàn cầu. Đó là 3 đồng minh có cùng chí hướng sát cánh, tạo nên mối quan hệ đối tác mới để chia sẻ công nghệ. AUKUS không phải là độc quyền, không loại trừ ai", Thủ tướng Anh Johnson phát biểu trước báo giới tại Washington D.C (Mỹ) ngày 22-9.

AUKUS, quan hệ đối tác quốc phòng mới giữa Anh, Mỹ và Úc được công bố vào tuần trước, sẽ mở đường cho Canberra sở hữu tàu ngầm hạt nhân từ hai đối tác còn lại, đồng nghĩa Úc sẽ không mua 12 tàu ngầm động cơ thông thường từ Pháp.

Điều này khiến Paris tức giận và cáo buộc Mỹ "đâm sau lưng", dẫn tới việc triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc về nước. 

Tuy nhiên, Pháp lại không hề nhắc đến Anh trong các chỉ trích, điều mà Hãng tin Reuters nhận định là sự khinh thường của Paris rằng London không đáng được nhắc tới.

Cũng có lời giải thích rằng vì thoạt đầu Paris không nghĩ London có vai trò lớn trong sự hình thành AUKUS nên đã không phản ứng mạnh.

"Tôi chỉ nghĩ rằng đã đến lúc một số người bạn thân thiết nhất của chúng ta nên 'prenez un grip' tất cả những điều này và 'donnez-moi un break'", ông Johnson nói với truyền thông Anh, song lại chen vào hai cụm tiếng Pháp mang nghĩa kêu gọi Paris "kiềm chế" và "suy nghĩ kỹ lưỡng, ngừng tức giận".

Theo một số nguồn tin ngoại giao của Reuters, các nhà lãnh đạo Pháp đang dần nhận ra Anh có vai trò lớn hơn họ nghĩ trong việc thúc đẩy sự hình thành của AUKUS. 

Thỏa thuận đã được bàn tới tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 ở Cornwall (Anh) vào tháng 6 vừa qua. Tổng thống Emmanuel Macron cũng tham dự nhưng không được thông báo bất kỳ điều gì về cuộc tiếp xúc giữa Anh, Úc và Mỹ. 

Căng thẳng Pháp - Mỹ hiện đã tạm lắng sau cuộc điện đàm 30 phút giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden ngày 22-9. 

Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiến hành các cuộc tham vấn sâu để xây dựng lại lòng tin và sẽ gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10. Paris cũng đồng ý cử đại sứ trở lại Mỹ gần 1 tuần sau khi triệu hồi.

Mối quan hệ giữa Úc và Pháp trong khi đó vẫn chưa hạ nhiệt. Ngày 22-9, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết ông đã cố gắng thiết lập một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron suốt một tuần qua nhưng không thành công.

"Nhưng chúng tôi sẽ kiên nhẫn", ông Morrison nói sau khi gặp các nhà lập pháp Mỹ để vận động sự ủng hộ cho AUKUS và kế hoạch sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

Úc sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân Anh, Mỹ làm vũ khí phòng vệ Úc sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân Anh, Mỹ làm vũ khí phòng vệ

TTO - Các tàu ngầm lớp Collins hiện có của Úc sẽ nghỉ hưu vào năm 2026, trong khi sớm nhất đến năm 2040 Canberra mới nhận được chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên. Đi thuê tàu ngầm là giải pháp Úc đã chọn.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên