
Phía sau chiếc bán tải Tesla Cybertruck lại gắn dòng chữ Toyota, phản ánh sự lo lắng của chủ xe trong bối cảnh có nhiều tranh cãi về Elon Musk, mặc dù cách đổi logo này khó có thể đánh lừa được ai - Ảnh: SKRT
Chủ xe Tesla đổi logo để tránh bị phá hoại?
Một số bức ảnh về những chiếc xe Tesla mang logo của các công ty đối thủ đã lan truyền. Lo sợ trở thành mục tiêu của sự quấy rối, phá hoại, nhiều tài xế Tesla đã được phát hiện đang đổi thương hiệu xe của họ sang logo từ các hãng như Toyota, Mazda, Honda và nhiều cái tên khác, miễn không phải là Tesla.
Những bức ảnh này đã gây ra nhiều sự chế giễu cũng như tranh luận về động cơ thực sự đằng sau quyết định kỳ lạ của chủ xe Tesla.




Nhiều chủ xe khác cũng có động thái tương tự. Không những đổi logo, họ còn đổi cả dòng chữ tên xe và phiên bản tương ứng để vờ như là xe hãng khác - Ảnh: SKRT
Một số người tin rằng việc đổi logo là một động thái phòng thủ chống lại sự phá hoại có nguy cơ ập đến. Những người khác tin rằng động cơ thực sự bắt nguồn từ việc các chủ xe thấy xấu hổ với người đứng đầu công ty đã tạo ra chiếc xe của họ - Elon Musk
Chẳng hạn, một chiếc Tesla Cybertruck sở hữu phần đuôi được thay thế bằng logo Toyota được đặt một cách thô sơ. "Toyota nên kiện vì tên tuổi tốt đẹp của họ bị bôi đen khi chẳng may lại liên quan đến một đám cháy", một người dùng viết.
"Những người mua hối hận", một người dùng chế giễu những nỗ lực của chủ xe nhằm tách bạch khỏi Elon Musk.
"Nhiều người đã mua xe Tesla nhiều năm trước khi Elon Musk 'làm khùng làm điên' và nhảy vào chính trị. Không thể trách họ vì vẫn lái những chiếc xe đó. Không phải tất cả chủ sở hữu Tesla đều có thể bán xe nhanh chóng và mua xe hãng khác", một người khác viết.
Xu hướng phá hoại xe Tesla có thể kết thúc?
Xe Tesla đã trở thành mục tiêu của các hành vi phá hoại ở nhiều quốc gia kể từ khi tỉ phú Elon Musk nhảy vào chính trường và có những động thái gây tranh cãi.

Thương hiệu Tesla bị ảnh hưởng sau khi Elon Musk tham gia vào chính trị. Hình ảnh từ drone cho thấy xác xe Tesla cháy đen sau vụ hỏa hoạn tại đại lý hãng xe ở Rome, Ý, vào ngày 31-3 - Ảnh: REUTERS
Một trong những ví dụ nổi bật là ông Musk trở thành nhân viên chính phủ đặc biệt và tự tin hoàn thành hầu hết công việc cắt giảm 1.000 tỉ USD chi tiêu công của liên bang.
DOGE ước tính đã tiết kiệm được cho người nộp thuế Mỹ khoảng 115 tỉ USD tính đến ngày 24-3, thông qua một số động thái như cắt giảm lực lượng lao động, cắt giảm ngân sách, bán tài sản và hủy hợp đồng.
Tuy nhiên báo giới Mỹ cho rằng tổng số tiền tiết kiệm được công bố trên trang web DOGE là không thể xác minh được, và các tính toán của DOGE được cho là có vấn đề.
Ngày 2-4, tờ Politico dẫn các nguồn thân cận với ông Trump cho biết Tổng thống Mỹ đã báo với các thành viên nội các và những nhân vật thân cận rằng tỉ phú Elon Musk sẽ sớm rời vai trò trong chính phủ của ông. Theo đó ông Musk sẽ sớm quay trở lại công việc kinh doanh của mình, tuy nhiên chưa rõ ngày cụ thể.
Thông tin này ngay lập tức đẩy cổ phiếu của Tesla lên hơn 3,8% sau khi giảm 2% trước đó vì lượng xe giao trong quý đầu năm nay giảm mạnh hơn dự kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận