06/11/2017 11:33 GMT+7

Hàng loạt án mạng, thương tích vì va quẹt xe, vì sao?

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Rất nhiều vụ đâm chém, giết người chỉ vì một va quẹt xe nhẹ với nhau. Các thanh niên sẵn sàng ra tay tàn độc giữa đám đông chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ.

Hàng loạt án mạng, thương tích vì va quẹt xe, vì sao? - Ảnh 1.

Vết thương của Nguyễn Duy Phúc do bị chém sau vụ ve quẹt xe trên đường - Ảnh: SƠN BÌNH

Theo công an TP.HCM, thời gian qua xảy ra nhiều vụ hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, giết người xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt khi tham gia giao thông.

Những vụ đâm chém trên đường có không ít người tham gia được cho là có trình độ, học vấn cao, từ anh lái xe máy đến xe tải, thậm chí đi xe ôtô hạng sang. 

Tại sao chuyện "nhỏ xíu" mà họ chọn cách hành xử bạo lực như thế?

Án mạng, thương tích lớn từ va quẹt xe

Khoảng 4h sáng 5-10, Nguyễn Quý (37 tuổi, ngụ quận 11) lái ôtô trên đường Lê Duẩn. Khi đi đến giao lộ Lê Duẩn - Hai Bà Trưng (quận 1) thì bị Nguyễn Duy Phúc (36 tuổi, ngụ quận 1) đi xe máy chặn đầu xe vì cho rằng ôtô của Quý ép xe máy của Phúc.

Trong lúc cãi nhau, Quý lấy chiếc rìu trên ôtô (dài khoảng 40cm) chém liên tiếp nhiều nhát, gây thương tích vùng lưng của Phúc rồi lên xe bỏ đi. Phúc chạy xe máy đuổi theo nhưng vết thương nặng đành đến bệnh viện cấp cứu và trình báo cho công an.

Trước đó khoảng 2h sáng 3-10, Nguyễn Thanh Liêm (21 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) đi xe máy chở Ngô Duy Dũng (23 tuổi, ngụ tỉnh Nam Định) đến trước số nhà 3/12F Nguyễn Cảnh Chân (quận 1) thì va chạm với một xe máy chạy ngược chiều của một nam thanh niên (chưa rõ lai lịch).

Sau khi cãi nhau, Liêm chở Dũng bỏ đi đến đường Trần Đình Xu (quận 1) thì bị nam thanh niên vừa va chạm xe cầm hai cây dao dài (khoảng 40cm) lao vào chém Liêm. Liêm bỏ chạy. Thanh niên trên đuổi theo và chém liên tiếp Dũng. Dũng bị thương phải đi cấp cứu. 

Ngoài trung tâm quận 1, khu vực vùng ven cũng xảy ra nhiều vụ gây thương tích, án mạng chỉ vì va quẹt xe trên đường. 

Lúc 16h ngày 8-10, tại trước nhà số 60/5 quốc lộ 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Hồ Minh Phúc (20 tuổi) và Nguyễn Văn Hóa (24 tuổi) đang đi xe máy thì va quẹt với xe máy do Lê Văn Thành (36 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) chở Lâm Công Thắng (36 tuổi) dẫn đến cãi nhau.

Hóa rút dây thắt lưng, Thành và Thắng tháo mũ bảo hiểm lao vào đánh nhau. Thành nhặt đá dưới đường ném trúng trán Phúc chấn thương. Phúc mở cốp xe lấy con dao bấm đâm trúng bụng Thành. Sau đó, Thắng và Thành được người dân đưa đi cấp cứu.

Trước đó khoảng 8h sáng 4-10, Hà Ngọc Long (44 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) đi xe máy chở bạn trên đường Nguyễn Kiệm. Khi đến gần Bệnh viện Quân Y 175 (quận Gò Vấp), xe Long va chạm với xe máy của Lê Nguyễn Nhật Minh (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình).

Sau đó hai bên cự cãi và Long lên xe máy bỏ đi. Khi Long cách hiện trường khoảng 100m, thì Minh nhặt viên gạch lao ra chặn xe, cầm gạch đập trúng đầu khiến Long ngã xuống đường. Nạn nhân bất tỉnh, đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong. Còn Minh bị người dân khống chế giao công an…

Tại sao chọn đâm chém nhau?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, cho biết tình trạng đâm chém nhau khi mâu thuẫn giao thông, có nguyên nhân chủ quan là chính những người hành xử như vậy không nhận thức được hành vi của họ có thể dẫn đến hậu quả ra sao. 

Hàng loạt án mạng, thương tích vì va quẹt xe, vì sao? - Ảnh 2.

Chỉ vì mâu thuẫn khi ôm cua qua đường suýt va chạm xe, Vũ Anh Tuấn (26 tuổi, ngụ Q.2) đã rút dao đâm chết 1 người và 3 người khác bị thương cuối năm 2016 - Ảnh: SƠN BÌNH

Về nguyên nhân khách quan, theo TS. Duy, luật pháp hiện còn chưa nghiêm minh, những hành vi như vậy còn được xử lý nhẹ dẫn đến tính răn đe không cao, nhiều người ta không sợ và có khuynh hướng "làm đại".

Bên cạn đó, hiện nay bạo lực có khuynh hướng gia tăng trong gia đình, nhà trường, xã hội. Các nhà quản lý xã hội đã có nhiều biện pháp nhưng chưa đủ và có cảm giác vẫn có chỗ cho hành xử như thế.

Muốn hạn chế tình trạng trên phải làm sao? Tiến sĩ Đinh Phương Duy chia sẻ: Cần nghiêm minh hơn về pháp luật và biện pháp lâu dài là phải có tác động giáo dục giá trị. 

Phải sống trong hòa bình, thương yêu nhau, cư xử văn minh. Phải giáo dục niềm tin vào cuộc sống tử tế, lành mạnh, xã hội luôn có những con người tốt đẹp. Và phải giáo dục thanh thiếu niên từ môi trường gia đình, nhà trường và cơ quan

Tiến sĩ Đinh Phương Duy

"Phải sống trong hòa bình, thương yêu nhau, cư xử văn minh. Phải giáo dục niềm tin vào cuộc sống tử tế, lành mạnh, xã hội luôn có những con người tốt đẹp. Và phải giáo dục thanh thiếu niên từ môi trường gia đình, nhà trường và cơ quan", ông Duy nói.

Cũng theo TS. Duy, người ta phải có ý thức hình thành thói quen, nếp sống văn minh, tức là hiện đại mà vẫn đảm bảo được yếu tố về văn hóa. Trong thời đại 4.0, phải hiện đại, khoa học kỹ thuật nhưng nếu lạm dụng sẽ mất đi "cái gốc" giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân cách...

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, tiến sĩ Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm Đại học quốc gia TP.HCM, cho biết từng chứng kiến tài xế taxi mở cốp xe lấy thanh sắt đánh nhau với người đi đường do va chạm xe. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cách hành xử bạo lực đó nhưng cần nhìn nhận thực tế từ xã hội

Tiến sĩ Trương Văn Vỹ

Theo Tiến sĩ Vỹ, hiện cuộc sống rất hối hả, con người "cá nhân hóa", sống ích kỷ, đặc biệt là hiếu thắng, thích thể hiện. Nhưng bao trùm tất cả thì chữ "nhẫn" bị thiếu trầm trọng. 

Nhiều vụ va chạm xe, chỉ cần nói một lời dễ chịu hoặc xin lỗi là xong. Nhưng không "nhẫn" nên họ nặng nhẹ, thách thức nhau, rút dao, kiếm, mã tấu… giải quyết nhau.

Hơn nữa, đứng trước khuynh hướng bạo lực đó, là sự thờ ơ của nhiều người theo kiểu "chuyện của ai người ấy xử". 

Thực tế rất nhiều trường hợp, có người đứng xem, quay clip rồi bỏ đi, rất ít người can ngăn. Từ đó sự bất công, bạo lực, sai trái trong xã hội... không được kiềm chế mà luôn có điều kiện tồn tại.

Theo tiến sĩ Trương Văn Vỹ, muốn hạn chế, câu trả lời rất "công thức" như phải tăng cường giáo dục công dân, đạo đức, pháp luật, giao thông… Nhưng hiện nay những mặt giáo dục đó đến từ đâu, rồi ai giáo dục, giáo dục như thế nào thì rất khó tìm thấy câu trả lời?

Phải ứng xử có văn hóa

Theo Phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an TP.HCM, thời gian qua có nhiều vụ mâu thuẫn rất nhỏ trong quá trình tham gia giao thông dẫn đến đánh nhau, đâm chém gây thương tích hoặc chết người.

Khi có xảy ra tai nạn, va chạm… thì trước hết người dân phải giữ bình tĩnh, ứng xử có văn hóa. Không có những lời nói hoặc hành động nhằm gây mâu thuẫn với người điều khiển phương tiện đã xảy ra va chạm. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất đến giải quyết vụ việc.

Mỗi người một ý thức thể hiện sự nhường nhịn, ứng xử văn minh, lịch sự sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn thành phố. Đừng để những chuyện đáng tiếc xảy ra, gây hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên