Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chạy đua với thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Chủ đầu tư Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có những bước đi quyết liệt nhằm đảm bảo tiến độ, với nhiều hạng mục vượt kế hoạch ban đầu.
ACV đang muốn dùng hơn 4.000 tỉ đồng tiết kiệm từ chi phí dự phòng và đấu thầu để xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Việt, phó tổng giám đốc ACV, cho biết một số hạng mục của dự án vượt tiến độ so với ban đầu, đây là tin mừng cho "siêu sân bay".
Giai đoạn 1 của dự án bao gồm 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 là lớn nhất với tổng vốn đầu tư và khối lượng công việc khổng lồ. ACV dự kiến hoàn thành phần xây dựng cơ bản vào cuối năm 2025, vận hành thử nghiệm vào tháng 8-2026.
Các hạng mục quan trọng như kết cấu thép, tường gạch và hệ thống cột đỡ mái nhà ga đang được triển khai nhanh.
Hiện tại đã có 30% khối lượng hợp đồng được hoàn thành, với các thiết bị nhà ga đang trong quá trình sản xuất. Tháng 11 này, các nhà thầu tập trung hoàn thiện phần mái và lắp đặt vách kính.
Hạng mục đường băng, đường lăn và sân đỗ, những yếu tố sống còn cho hoạt động của sân bay, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2026, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.
Đáng chú ý, ACV đang đề xuất sử dụng 4.000 tỉ đồng tiết kiệm từ chi phí dự phòng và đấu thầu để xây dựng thêm đường băng thứ 2 dự án sân bay Long Thành.
Với chi phí đầu tư ước tính khoảng 3.300 tỉ đồng, theo ông Việt, việc xây dựng đường băng này không làm tăng tổng mức đầu tư nhưng sẽ nâng cao hiệu quả khai thác sân bay, đảm bảo khả năng vận hành ổn định ngay cả khi có sự cố xảy ra với đường băng thứ nhất.
Đại diện một hãng hàng không đánh giá đây là quyết định hợp lý, giúp tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện tại.
Nếu đợi đến khi sân bay đi vào hoạt động mới triển khai, việc thi công sẽ gây gián đoạn, tăng chi phí và ảnh hưởng đến môi trường do bụi đất phát sinh trong quá trình thi công.
Các dịch vụ phụ trợ sẵn sàng vào cuộc
Theo ghi nhận, không chỉ riêng ACV, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua mới tại sân bay Long Thành.
Ông Nguyễn Cao Cường, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), cho biết SAGS sẽ liên danh với HGS, doanh nghiệp cùng lĩnh vực tại sân bay Nội Bài, với tỉ lệ 75% và 25%, tổng mức vốn là 781 tỉ đồng vào dự án cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị hàng không tại sân bay Long Thành.
Các doanh nghiệp hàng không dồn lực để đấu thầu một số dự án liên quan trong chuỗi hàng không tại sân bay Long Thành. Lãnh đạo SAGS khẳng định tầm quan trọng của sân bay quốc tế Long Thành đối với sự phát triển và tồn tại của công ty trong tương lai.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), trong giai đoạn 1, khoảng 80% đường bay quốc tế hiện tại sẽ được chuyển từ Tân Sơn Nhất về Long Thành.
Điều này đặt ra một thách thức sống còn cho doanh nghiệp dịch vụ phục vụ mặt đất cho các hãng hàng không, nếu không giành được các hợp đồng phục vụ tại Long Thành, công ty sẽ đối mặt với những tổn thất nghiêm trọng khi các chuyến bay quốc tế dần rời khỏi Tân Sơn Nhất.
Trong cuộc đua tại sân bay Long Thành có đối thủ lớn như Vietjet và Viags - công ty con của Vietnam Airlines. Cả hai doanh nghiệp này đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, đầu tư và chiến lược kinh doanh để tham gia dự án, cạnh tranh với SAGS.
Theo các chuyên gia, với định hướng phục vụ 80% các chuyến bay quốc tế và xử lý tới 1,2 triệu tấn hàng hóa vào năm 2026, Long Thành sẽ không chỉ là trung tâm hàng không mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ hàng không và du lịch.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 3, sân bay dự kiến đạt công suất 5 triệu tấn hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng và tối ưu hóa không gian thương mại bán lẻ tại Việt Nam.
Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết hãng đang lên kế hoạch tăng cường các chuyến bay quốc tế, đặc biệt là các tuyến xuyên lục địa, nhằm đón khách du lịch và nhà đầu tư đến Long Thành.
Hãng cũng kỳ vọng có thể đưa các đối tác trong liên minh Skyteam đến khai thác, biến Long Thành thành đối thủ cạnh tranh với các trung tâm hàng không lớn trong khu vực.
Theo ông Hòa, hạ tầng hàng không đóng vai trò then chốt giúp Việt Nam không chỉ vận chuyển hành khách mà còn trở thành cửa ngõ trung chuyển toàn cầu. Long Thành và Tân Sơn Nhất sẽ là hai mắt xích chiến lược trong kế hoạch này.
Về phía Vietjet, hãng bay tư nhân lớn nhất Việt Nam đang đẩy mạnh mở rộng mạng bay quốc tế với kế hoạch mua thêm máy bay thân rộng Airbus A330.
Hãng sẽ tập trung phát triển các đường bay nối chuyến và bay thẳng từ Long Thành đến châu Á, châu Âu. Song song đó, Vietjet cũng đang tích cực đào tạo đội ngũ tiếp viên và phi công tại Học viện Hàng không của hãng để chuẩn bị nguồn nhân lực cho sân bay mới.
Sân bay Long Thành cần 14.000 nhân sự
Sân bay Long Thành đang đối mặt với bài toán nhân sự quy mô lớn khi chuẩn bị đi vào hoạt động giai đoạn đầu tiên. Theo ACV, dự án này cần tới 14.000 nhân sự với đa dạng trình độ và kỹ năng, mở ra cơ hội phát triển nguồn nhân lực địa phương, đặc biệt tại tỉnh Đồng Nai.
Yêu cầu tuyển dụng được đặt ra khá cao ở tất cả các vị trí. Đối với cấp quản lý điều hành, ứng viên cần tốt nghiệp đại học chính quy và đạt TOEIC 500 trở lên.
Nhân viên kỹ thuật phải có bằng đại học hoặc cao đẳng chính quy, TOEIC 400. Ngay cả lao động phổ thông cũng yêu cầu tốt nghiệp THPT và TOEIC 300.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực này, ACV và SAGS đã hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2 tại Đồng Nai. Các chương trình đào tạo sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực từ vận hành hàng không, gia công sản xuất vật tư, đến bảo dưỡng sửa chữa thiết bị.
Bên cạnh đó, một khu phức hợp phục vụ đào tạo, bảo dưỡng và làm việc cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ sân bay cũng sẽ được xây dựng.
Yêu cầu cao về tiếng Anh trong tuyển dụng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người lao động nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, sẵn sàng cho môi trường làm việc quốc tế tại sân bay Long Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận