Lô xe đạp giả xuất xứ vừa được Hải quan Bình Dương phát hiện và bắt giữ - Ảnh: Hải quan Bình Dương
Ngày 14-11, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cùng Bộ Tài chính, Bộ Công thương tổ chức hội thảo kinh nghiệm quốc tế về ngăn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Bà Vũ Thị Mai - thứ trưởng Bộ Tài chính - đánh giá hội thảo là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về ngăn chặn gian lận, xác định, điều tra gian lận thương mại với các chuyên gia về xuất xứ và phòng vệ thương mại các nước Mỹ, EU, Nhật Bản...
Trung Quốc mượn đường Mỹ xuất qua Mexico
Các chuyên gia hải quan của Mỹ, Nhật Bản và EU khẳng định không phải chỉ Việt Nam bị chuyển tải bất hợp pháp mà ngay các nước phát triển cũng gặp phải điều này.
Ông Tom Jesukiewicz - giám đốc hiện trường kiểm toán tuân thủ, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới (Mỹ) - cho biết gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là vấn đề nóng đối với Mỹ, bởi xu hướng hiện nay là các quốc gia đều tham gia FTA.
Mục đích của gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là để trốn thuế. Cụ thể, theo ông Tom Jesukiewicz, không chỉ riêng VN mà Mỹ cũng bị Trung Quốc mượn đường xuất hàng đi nước khác, cụ thể là Mexico.
Ông Claudio Dordi - giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại (Hoa Kỳ) - nhận định việc chuyển tải bất hợp pháp có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Một số loại hàng hóa được nhà xuất khẩu chuyển qua Việt Nam nhưng khi được xuất khẩu đi nước khác mà không có sự thay đổi nào về vật lý, hay nói cách khác là sản phẩm vẫn như vậy. Mặt khác, sản phẩm tháo rời rồi xuất sang VN, sau đó trải qua công đoạn lắp ráp rất giản đơn thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất đi Mỹ, EU.
"Sự lắp ráp đơn giản này không đủ để được coi hàng có xuất xứ Việt nam mà là gian lận xuất xứ" - ông Claudio Dordi nhấn mạnh.
Đối với Nhật Bản, ông Tatsuyuki Imaizumi - chuyên gia cao cấp về quy tắc xuất xứ Hải quan Nhật Bản - cho biết nước Nhật may mắn chưa gặp nhiều trường hợp gian lận xuất xứ, nhưng cũng gặp những bất thường trong quản lý xuất xứ. Cụ thể là đối với khoai tây. Nếu trồng ở Malaysia thì được hưởng thuế suất ưu đãi khi nhập khẩu vào Nhật Bản, còn nhập khoai trồng ở Trung Quốc thì không.
Nêu lại việc EU mất rất nhiều thời gian điều tra, xác định pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã gian lận xuất xứ, ông Guy Jennes - trưởng Ban gian lận thương mại và hải quan, Cơ quan chống gian lận châu Âu - cho biết cuối năm 2013, EU áp thuế suất chống bán phá giá cùng trợ giá đối với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lượng nhập khẩu mặt hàng này tăng vọt nên EU đã chủ động có biện pháp kiểm soát. Năm 2014, có những lô hàng này nhập khẩu vào EU từ Nhật Bản. Khi kê khai, doanh nghiệp đã nộp một số chứng từ.
"Ban đầu chúng tôi không để ý nhiều đến các giấy tờ đó, nhưng khi phân tích thì thấy có nghi vấn không phải được phát hành từ Nhật Bản. Cùng với đó, chúng tôi kiểm tra số hiệu container, kết hợp với việc điều tra và sự hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản. Kết quả là lô hàng chỉ được đóng vào container và chuyển qua Nhật Bản, sau đó được nhập vào EU" - ông Guy Jennes nêu.
Ông Guy Jennes đánh giá đối tượng thực hiện việc chuyển tải bất hợp pháp này rất ma mãnh. Họ chuyển hàng từ Trung Quốc, sang Nhật Bản rồi sang EU, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Không chỉ đi qua Nhật Bản để vào EU mà nhiều doanh nghiệp EU đã có khiếu nại rằng có nhiều lô hàng tiếp theo được xuất khẩu từ Trung Quốc sang Malaysia, Ấn Độ và sau này là Việt Nam.
Điều đó cho thấy để có thể lợi dụng ưu đãi về thuế, hay nói cách khác là trốn thuế, hàng hóa được chuyển tải bất hợp pháp qua rất nhiều thị trường khác nhau.
Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: TUẤN ANH
Xử lý nghiêm khắc
Ông Guy Jennes đánh giá việc chuyển tải bất hợp pháp này đã làm tổn hại đến các quốc gia thành viên EU. Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ông khẳng định khi bị phát hiện gian lận, chuyển tải bất hợp pháp, doanh nghiệp sẽ bị trừng phạt về thuế, không có tranh cãi ở đây. Cụ thể là đơn vị vi phạm sẽ bị truy thu thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Trường hợp sai phạm nặng thì có thể khởi tố hình sự.
Còn ông Tom Jesukiewicz thông tin khi kiểm tra xuất xứ hàng hóa, Cơ quan hải quan Mỹ không chỉ xem xét vào hồ sơ, chứng từ của doanh nghiệp mà còn liên hệ với cơ quan cấp giấy tờ đó cho lô hàng để kiểm tra tính chính xác. Mặt khác, việc kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng xuất khẩu vào Mỹ là không thể dù Cơ quan hải quan Mỹ có đến 60.000 người. Nên Cơ quan hải quan Mỹ áp dụng cơ chế quản lý dựa trên đánh giá rủi ro.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chuyên gia về xuất xứ, liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu - ông Brain Staples khuyên nên thực hiện cơ chế là bảo lãnh thông quan. Đó là doanh nghiệp phải mua bảo lãnh thông quan. Khi được bảo lãnh, công ty bảo hiểm sẽ phải đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp qua tình hình tài chính, giao dịch, uy tín tín dụng của doanh nghiệp như thế nào... Điều này giúp ngăn ngừa được những vấn đề gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế về hải quan, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng gợi ý về sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp. Bởi cộng đồng doanh nghiệp là người hiểu, biết rõ nhất doanh nghiệp nào trong ngành của mình làm ăn chân chính, đơn vị nào có gian lận.
"Thế giới có sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng. Do đó, cần phải hợp tác chặt chẽ hiệu quả hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan chức năng, nhất là cơ quan hải quan để tạo nhiều hơn cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính" - ông Brain Staples nhấn mạnh.
Ông Claudio Dordi:
Nguy cơ đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính
Việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lại những hệ lụy gì đối với VN? Nó làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tính tuân thủ cao của VN. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc đàng hoàng của VN sẽ có nguy cơ chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất hàng vào Mỹ. Vì với nguyên tắc quản lý rủi ro, Cơ quan hải quan Mỹ sẽ giám sát, kiểm tra chặt chẽ, thủ tục phức tạp hơn đối với hàng hóa từ thị trường có rủi ro cao. Ngoài ra, các quốc gia khác, thị trường cũng cảnh giác với hàng hóa VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận