Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo đến xem khu vực binh sĩ Triều Tiên đã đào tẩu tại làng Bàn Môn Điếm - Ảnh: REUTERS
"Nhắm vào một người đang đào tẩu và bắn súng về phía nam là hành động vi phạm thỏa thuận đình chiến. Băng qua đường phân định biên giới quân sự đã là vi phạm. Mang súng trường vào Khu vực an ninh chung (JSA) tiếp tục lại là một vi phạm khác" - ông Song nói như kể tội Triều Tiên khi đến làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 27-11.
Về lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau cuộc chiến 1950-1953. Không một hiệp đình hòa bình nào được ký trong hơn 60 năm qua.
Truyền thông và quân đội Hàn Quốc công bố 2 vết đạn Triều Tiên ghim vào một tòa nhà của Hàn Quốc trong khu vực như là bằng chứng hiển hiện, bên cạnh "bằng chứng sống" là binh sĩ đào tẩu.
Hãng tin Reuters đưa tin ông Song đến JSA để khen thưởng 6 binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ đã giải cứu một binh sĩ đào tẩu từ Triều Tiên.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dường như cố tình nói to để các binh sĩ Triều Tiên bên kia nghe rõ. Họ chỉ đứng cách ông Song khoảng 10m, sau các hàng cây mới trồng để ngăn các vụ đào tẩu tương tự.
Các đoạn băng an ninh được công bố ngày 22-11 đã cho thấy quá trình chạy trốn của binh sĩ Triều Tiên. Cuộc đào tẩu ngay tại JSA - khu vực căng thẳng nhất ở biên giới 2 miền.
Anh lính họ Oh đã lái xe bỏ trốn sang hướng Hàn Quốc và ngay lập tức bị đồng đội truy đuổi sát nút. Hình ảnh thậm chí cho thấy anh lính suýt bị đồng đội bắt kịp và họ nổ súng khi cách anh chỉ vài mét.
Anh lính trúng đạn nằm gục trên bãi đất và một thời gian sau đó một số binh sĩ Hàn mới bò đến tiếp cận kéo anh về.
Binh sĩ Hàn Quốc và binh sĩ Triều Tiên (phía trên) đối mặt nhau tại khu vực anh lính họ Oh đã trốn thoát - Ảnh: REUTERS
Anh này hiện đã hồi phục sau khi được phẫu thuật gắp đạn. Sau sự vụ, phía Triều Tiên đã thay toàn bộ binh sĩ tại JSA, đào hào và trồng cây để ngăn các vụ việc tương tự.
Ngày 26-11, quân đội Hàn Quốc xác nhận đã bắt đầu chiêu tâm lý chiến ngay sau khi anh lính Triều Tiên được giải cứu. Các hệ thống loa công suất lớn của Hàn Quốc đặt tại biên giới liên Triều đã ngày đêm ra rả tin tức về người này.
Một nhà ngoại giao Mỹ gọi anh lính đào tẩu là "cửa sổ" nhìn vào cuộc sống Triều Tiên. Trên thực tế, không phải không có những vụ người từ Hàn Quốc trốn sang Triều Tiên. Kết cục chung của những người này là ngục tù kèm khoản tiền phạt rất nặng khi họ trở về Hàn Quốc.
Phần lớn những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc phải trốn sang nước thứ ba rồi đáp máy bay sang Seoul. Họ bị cách ly trong 180 ngày sau khi tới Hàn Quốc rồi được đưa tới các khu định cư, nơi họ sẽ phải sống trong 12 tuần tiếp theo để giúp họ thích nghi với cuộc sống mới.
Sau khi hoàn thành các chương trình hòa nhập cộng đồng, mỗi người đào tẩu sẽ nhận được 20 triệu won (hơn 18.000 USD) hỗ trợ tìm nhà và việc làm. Tuy nhiên, một số người lại dùng một phần trong khoản tiền này để trả "phí môi giới" cho những người đã giúp họ đào tẩu.
Số liệu từ văn phòng ngân sách quốc hội Hàn Quốc cho thấy nhiều người cuối cùng chọn cách làm tạp vụ trong các nhà hàng và các vị trí khác, với mức lương thấp chỉ bằng 67% lương trung bình cả nước.
Đối với các nhân vật đào tẩu cấp cao của Triều Tiên, quy trình này có thể rất khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận