08/01/2024 12:09 GMT+7

Hàn Quốc tạm gỡ dừng tuyển lao động ở 8 địa phương Việt Nam

Kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 tạm gỡ quy định dừng tuyển lao động ở 8 địa phương có nhiều người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Nhiều bạn trẻ xếp hàng làm thủ tục tại kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS đưa lao động đi làm ở Hàn Quốc - Ảnh: GIA ĐOÀN

Nhiều bạn trẻ xếp hàng làm thủ tục tại kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS đưa lao động đi làm ở Hàn Quốc - Ảnh: GIA ĐOÀN

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) đã có thông báo kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024.

Tạm gỡ dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc ở những nơi nào?

Kỳ thi này tuyển khoảng 15.300 người, trong đó có 11.200 chỉ tiêu ngành sản xuất chế tạo, gần 900 người ngành nông nghiệp, 200 chỉ tiêu xây dựng và hơn 3.000 vị trí ngành ngư nghiệp. Như vậy, chỉ tiêu của đợt 1 năm 2024 nhiều hơn cùng kỳ năm 2023, khi đó tổng chỉ tiêu khoảng 12.000.

Đặc biệt, một vấn đề nhiều người quan tâm đó là kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 có áp dụng quy định tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương như nhiều năm trước. Trung tâm Lao động ngoài nước khẳng định phạm vi tuyển chọn mở rộng là toàn quốc, trừ một số ngành đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp có quy định riêng.

Trường hợp người tham gia thi có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc không được tham dự Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS).

Trước đó, Chương trình EPS đợt 1 năm 2023 tạm dừng tuyển chọn lao động Hàn Quốc đối với 8 thành phố, thị xã và huyện ở 4 tỉnh, gồm hai huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), TP Chí Linh (Hải Dương), các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Các địa phương bị tạm dừng tuyển có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Những điều cần biết khi thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS

Người lao động phải đăng ký trực tiếp, không được đăng ký hộ. Cơ quan này lưu ý một số nơi như Nghệ An, Thanh Hóa có thể đông người đăng ký nên người lao động chủ động nắm thông tin.

Còn về thủ tục, người lao động đóng phí thi tương đương 28 USD bằng tiền Việt, căn cước công dân hoặc hộ chiếu và bản photo trang có ảnh, 2 ảnh kích thước 3,5cm x 4,5cm (phông trắng, áo tối màu) cùng file ảnh căn cước và ảnh chân dung.

Sau khi đỗ tiếng Hàn và tay nghề, lao động được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng mới phải đóng phí xuất cảnh tương ứng 630 USD, chi phí liên quan.

Ngoài ra, người đi Hàn làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội và được hoàn trả cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn.

Trung tâm Lao động ngoài nước lưu ý ứng viên dù vượt qua các kỳ thi song không đảm bảo 100% sẽ được sang Hàn Quốc làm việc, vì tùy thuộc mong muốn của chủ sử dụng lao động. Sau khi nộp hồ sơ, người lao động chủ động duy trì công việc bình thường, tránh tâm lý lo lắng, căng thẳng khi chưa được xuất cảnh.

Bên cạnh đó, người dự thi cần lưu ý chọn nơi học tiếng Hàn được cấp phép, mức học phí phù hợp và cẩn trọng trước các hình thức học phí cao, bao đỗ…

Người muốn đi làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS cần tìm hiểu kỹ thông tin tại các sở lao động - thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm địa phương hoặc website colab.gov.vn.

Năm 2023, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, tăng 8,55% so với năm 2022. Qua đó, tổng số người Việt làm ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng lên khoảng 655.000.
Cơ hội xuất khẩu lao động rộng mởCơ hội xuất khẩu lao động rộng mở

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang đàm phán tăng tỉ lệ tiếp nhận lao động Việt Nam với nhiều thị trường, đặc biệt là Hàn Quốc. Dự báo số người đi làm việc ở nước ngoài sẽ đạt đỉnh như trước dịch COVID-19.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên