Ngày 2-5, thủ lĩnh Ismail Haniyeh của phong trào Hồi giáo Hamas nói nhóm này đang nghiên cứu một đề xuất ngừng bắn ở Dải Gaza sau 7 tháng xung đột với Israel.
Trong cuộc gọi tới Giám đốc tình báo Ai Cập Abbas Kamel, ông Haniyeh cho biết ông "đánh giá cao" vai trò của Ai Cập, quốc gia đang cùng Qatar và Mỹ làm trung gian cho các cuộc đàm phán.
Nhà lãnh đạo Hamas cũng "nhấn mạnh tinh thần tích cực của nhóm trong việc nghiên cứu đề xuất ngừng bắn".
Sau cuộc điện đàm khác với Thủ tướng Mohammed bin Abdulrahman Al Thani của Qatar, Hamas thông báo đã nhất trí tiếp tục các cuộc thảo luận hiện tại để "hoàn tất một thỏa thuận" cho Gaza.
Hamas tiếp tục đàm phán ở Ai Cập
Ngoài ra, ông Haniyeh xác nhận rằng phái đoàn của Hamas sẽ quay trở lại Ai Cập "càng sớm càng tốt để hoàn thành các cuộc thảo luận". Kênh Al-Qahera News của Ai Cập cũng đưa tin "một phái đoàn của Hamas sẽ đến Cairo trong vòng 2 ngày tới để tiếp tục đàm phán ngừng bắn".
Theo Anh, các bên trung gian đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn trong 40 ngày và trao đổi hàng chục con tin từ tay Hamas lấy các tù nhân Palestine bị Israel bắt giữ.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Hamas chấp nhận kế hoạch ngừng bắn khi đến thăm Israel ngày 1-5.
"Nếu Hamas thực sự quan tâm đến người dân Palestine và muốn thấy sự đau khổ của họ giảm bớt ngay lập tức thì họ nên chấp nhận thỏa thuận này", Hãng tin AFP dẫn lời ông Blinken nói.
Tuy nhiên, đến nay kết quả cuộc đàm phán vẫn rất mong manh, với những tranh cãi qua lại về số lượng con tin có thể được thả và những khác biệt sâu sắc giữa các bên.
Hamas khẳng định mục tiêu của họ là "chấm dứt cuộc chiến này", tức Israel phải rút quân khỏi Gaza. Ngược lại, chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu với Hamas sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc.
Cuộc chiến ở Gaza khơi mào từ cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel ngày 7-10-2023 khiến 1.170 người thiệt mạng.
Israel ước tính 129 con tin bị nhóm này bắt giữ trong cuộc tấn công vẫn còn ở Gaza, nhưng 34 người trong số đó có thể đã chết. Trong khi đó, cơ quan y tế Gaza nói các cuộc tấn công trả đũa của Tel Aviv đã làm gần 35.000 người Palestine thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ cắt giao thương với Israel
Áp lực lên Israel ngày càng lớn khi ngày 2-5, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định ngưng toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu với Israel.
Trước đó, Colombia cũng tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Tel Aviv.
Đáp trả, Ngoại trưởng Israel chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã vi phạm các thỏa thuận khi chặn các cảng xuất nhập khẩu của Israel.
"Đây là cách hành xử của một nhà độc tài, coi thường lợi ích của người dân và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời phớt lờ các hiệp định thương mại quốc tế", Ngoại trưởng Israel Katz viết trên mạng xã hội X.
Ông Katz cho biết ông đã chỉ đạo tìm các lựa chọn thay thế, tập trung vào sản xuất trong nước và nhập khẩu từ các nước khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận