21/07/2022 13:46 GMT+7

Ham rẻ, người tiêu dùng tiếp tay cho thực phẩm bẩn?

NGUYỄN HỒNG ANH
NGUYỄN HỒNG ANH

TTO - Theo bạn đọc Nguyễn Hồng Anh, chính việc ham rẻ của người tiêu dùng là một trong những nguyên nhân góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thực phẩm bẩn tồn tại.

Ham rẻ, người tiêu dùng tiếp tay cho thực phẩm bẩn? - Ảnh 1.

Dừa được người bán nhúng vào chất tẩy làm trái dừa khi gọt vỏ nhìn trắng và bắt mắt hơn - Ảnh: T.T.D.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết dưới đây tham dự diễn đàn an toàn thực phẩm.

"Bản thân tôi vốn là người rất chú trọng an toàn thực phẩm để giữ gìn sức khỏe cho gia đình, nên vô cùng bức xúc khi đọc được những thông tin tiêu cực liên quan đến vấn đề "50% mẫu rau quả ở chợ đầu mối TP.HCM có dư lượng hóa chất" được đăng tải trên báo chí.

Vốn dĩ, việc sử dụng các loại thực phẩm bẩn, dư thừa hàm lượng hóa chất chế biến, thuốc trừ sâu hay chất bảo quản một cách không kiểm soát sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đang là một trong những nước có tỉ lệ ung thư tăng cao nhất trên thế giới, trong đó nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ thực phẩm bẩn.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần kiên quyết và mạnh tay hơn trong quá trình xử lý nếu không muốn ngay tại "sân nhà" của một đất nước nông nghiệp mà sản phẩm nông nghiệp cũng bị tẩy chay.

Nguyễn Hồng Anh

Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe, việc tiêu thụ thực phẩm bẩn tràn lan sẽ gây ra nhiều tác hại đến sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước, giảm thiểu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khiến người tiêu dùng quay mặt với các sản phẩm nội địa, làm giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu trên toàn thế giới. Hệ quả lâu dài của việc này sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, có một thực trạng đang tồn tại là vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn len lỏi vào trong từng bữa ăn của người Việt. Lý giải cho vấn đề này, cá nhân tôi cho rằng xuất phát từ hai nguyên nhân.

Thứ nhất, chính là sự ham rẻ của người tiêu dùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thực phẩm bẩn tồn tại.

Thứ hai, do "mờ mắt" với nguồn lợi nhuận cao nên một số nhà sản xuất, đơn vị phân phối và tiểu thương kinh doanh sẵn sàng tiếp tay cho thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi.

Để giải quyết tận gốc vấn nạn thực phẩm bẩn như hiện nay, cá nhân tôi cho rằng Nhà nước và chính quyền địa phương nên đẩy mạnh xây dựng các công cụ để kiểm soát an toàn thực phẩm.

Chúng ta có thể ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm bằng việc xây dựng một chuỗi sản xuất, nếu một cơ sở trong chuỗi vi phạm sẽ nhanh chóng bị đào thải ra khỏi thị trường.

Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra thường xuyên, nâng cao ý thức sạch trong sản xuất cũng như phân phối thực phẩm cho người kinh doanh, các đơn vị, công ty… giúp họ nhận ra lợi nhuận lâu dài không phải khoản tiền kiếm được trước mắt mà là lợi ích và sức khỏe của cộng đồng, sự tin tưởng từ khách hàng.

Để tự bảo vệ mình và người thân trước tình trạng "bủa vây" của các thực phẩm bẩn, nhiều hộ gia đình đã chọn một số giải pháp tình thế như tự ươm trồng rau tại nhà, đặt thực phẩm ở các điểm bán được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc mua từ các đầu mối uy tín, các điểm trực tiếp bán thịt, các lò mổ hoặc rau tại nơi sản xuất, các khu vực mua sắm có trang bị máy kiểm tra nồng độ hóa chất…

Điển hình như gia đình của chị họ tôi đã tận dụng khoảng sân thượng để trồng rau sạch nhưng do diện tích đất có hạn nên cũng chỉ trồng được một số loại phổ biến như rau dền, rau muống, cải, bầu, khổ qua… Do đó, hằng tuần chị vẫn phải ra chợ mua thêm một vài loại rau, gia vị mà nhà không trồng được.

Dù thế, những "mô hình thực phẩm sạch" này không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thực hiện. Vì vậy, một số người đã tranh thủ tìm mua thực phẩm tận gốc từ người thân hoặc bà con quen biết ở nông thôn gởi lên.

Cũng bởi, những thực phẩm này thường được đảm bảo bằng uy tín cá nhân, nuôi trồng từ vườn nhà, bán trực tiếp cho khách hàng, thông qua kênh phân phối thương mại. Người đồng nghiệp của tôi chia sẻ rằng hằng tuần anh đều đặt hàng một cô bạn ở quê gởi lên, nào là cá đồng, thịt heo, thịt bò, rau, trái cây vườn nhà.

Tuy nhiên, hình thức cung cấp thực phẩm này cũng chỉ là giải pháp tình thế, phục vụ được một số lượng nhỏ những người thân quen, chứ chẳng thể phục vụ hiệu quả cho một cộng đồng. Người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ một lượng thực phẩm khác ngoài thị trường.

Xét về lâu dài, ở góc độ người tiêu dùng, cá nhân tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phổ biến kiến thức rộng rãi đến cộng đồng, để họ nắm được những thông tin cơ bản như thế nào là thực phẩm sạch, cách phân biệt thực phẩm kém chất lượng hoặc những thứ nên hạn chế…

Bên cạnh đó, điều cần nhất vẫn nên là sự minh bạch, công khai về quy trình sản xuất nuôi trồng thực phẩm từ phía doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để người dân nắm rõ".

Hằng ngày đối diện với thực phẩm độc hại đang bủa vây bữa ăn của mình và gia đình, bạn muốn góp ý gì để giải quyết tận gốc vấn nạn này?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Thực phẩm bẩn: Ai chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng? Thực phẩm bẩn: Ai chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng?

TTO - Sau bài 'Không thể để người dân tiếp tục bị đầu độc!' (Tuổi Trẻ ngày 18-7), Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chưa thông tin thêm, trong khi Hà Nội cho biết sẽ công khai vi phạm.


NGUYỄN HỒNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên