01/03/2022 15:33 GMT+7

"Hái ra tiền" trên dải cát ven biển bạc màu

LÊ MINH
LÊ MINH

TTO - Từ dải cát ven biển cằn cỗi, bạc màu, nhiều người dân Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao.

Hái ra tiền trên dải cát ven biển bạc màu - Ảnh 1.

Mô hình trồng rau củ quả trên cát của người dân xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà - Ảnh: LÊ MINH

Xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có diện tích khá lớn đất cát hoang hóa ít được sử dụng để canh tác vì đất cát cằn cỗi, bạc màu. Những năm gần đây, với sự cần cù, sáng tạo của người dân, nhiều khu vực ở dải cát này đã được hồi sinh, trở thành vựa rau, củ, quả cung cấp cho mọi người trong và ngoài tỉnh.

Ông Phan Trọng Minh (66 tuổi, ngụ xã Thạch Văn) cho biết, 7 năm nay gia đình ông cải tạo hàng ngàn mét vuông đất cát hoang hóa để trồng rau củ quả. Thời điểm đất được cải tạo để trồng các loại rau nhiều nhất khoảng 11 sào, sản xuất rau củ quả trên cát gần như quanh năm, đảm bảo sản phẩm sạch, mang lại kinh tế cao, bình quân mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

"Trồng củ cải năng suất lúc được mùa thu về khoảng 15-20 triệu đồng/sào/lần thu hoạch, bí đỏ mỗi sào cho thu nhập 10 triệu đồng, ngoài ra một số rau, củ khác cũng mang về thu nhập cho gia đình" - ông Minh tâm sự.

Ông Dương Văn Thái - chủ tịch UBND xã Thạch Văn - cho biết, năm 2014 người dân bắt đầu cải tạo, sản xuất rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển theo mô hình liên kết tổ hợp tác và hợp tác xã. Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau củ quả trên cát hơn 13,5ha, có 3 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác, với khoảng 44 hộ dân tham gia.

"Mô hình trồng rau củ quả trên cát làm hồi sinh vùng đất cát hoang, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra sản phẩm đảm bảo, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/hộ" - ông Thái cho biết thêm.

Hái ra tiền trên dải cát ven biển bạc màu - Ảnh 2.

Mô hình nuôi gà thịt của gia đình ông Hồ Xuân Hùng tại xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên - Ảnh: LÊ MINH

Thay vì trồng rau, củ, quả như ở xã Thạch Văn thì tại xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên), người dân lại phát triển các mô hình chăn nuôi, trong đó chủ yếu các mô hình nuôi gà thịt.

Ông Hồ Xuân Hùng (61 tuổi, ngụ xã Yên Hòa) - cho hay gia đình ông đầu tư mô hình nuôi gà trên cát từ năm 2011. Thời gian đầu nuôi thử nghiệm 200 con gà, nhận thấy có hiệu quả, ông nâng số lượng đàn gà lên hàng ngàn con.

"Tôi chủ yếu đầu tư nuôi các loại gà lai chọi, cỏ mía, gà vàng. Mỗi lứa nuôi hơn 3 tháng sẽ xuất bán. Nuôi gà trên mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít dịch bệnh. Ngoài ra phân gà cũng được tận dụng để bón cho cây trồng" - ông Hùng chia sẻ.

Ông Trần Văn Ngà (ngụ thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa) đầu tư chuồng trại nuôi giống gà lai chọi trên cát hoang hóa được 10 năm, sản lượng mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 1,5 vạn con. Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc khoa học, bài bản nên đàn gà có chất lượng tốt, trọng lượng 2,5 - 3kg/con sẽ xuất bán.

Theo chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hòa Nguyễn Thị Dương, địa phương có khoảng 160 hộ dân nuôi gà trên cát số lượng lớn, tập trung ở các thôn ven biển Phú Hòa và Bắc Hòa. Nuôi gà trên cát cho thu nhập cao hơn và ít vất vả hơn so với trồng lúa, lúc được giá thu nhập vài triệu đồng/hộ/năm.

"Các thôn ven biển chủ yếu đất cát hoang hóa, ít đất sản xuất nông nghiệp nên nghề nuôi gà trên cát được xem là mũi nhọn phát triển kinh tế của người dân. Địa phương đang hướng đến xây dựng thương hiệu gà Yên Hòa thành sản phẩm OCOP, giúp bà con mở rộng quy mô, tìm kiếm đầu ra ổn định", bà Dương nói.

Du lịch trong thời đại mới với mô hình kinh tế đêm Du lịch trong thời đại mới với mô hình kinh tế đêm

Năm 2021 bất động sản (BĐS) du lịch Nha Trang tiếp tục được đánh giá sẽ là năm bứt phát đầy ấn tượng khi xuất hiện mô hình nghỉ dưỡng phức hợp gắn liền với phát triển kinh tế đêm giúp Nha Trang có lợi thế khác biệt trên thị trường du lịch.

LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên