Sau Agribank, hai ngân hàng có lượng thẻ phát hành lớn khác là Vietcombank và VietinBank vừa thông báo tăng phí rút tiền nội mạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cụ thể, Vietcombank tăng phí rút tiền ATM nội mạng (chủ thẻ rút tiền tại ATM của ngân hàng mình) thêm 500 đồng, lên mức 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế), ngang với mức tăng của Agribank.
VietinBank đưa ra hai mức phí rút tiền tại ATM của chính ngân hàng áp dụng cho các dòng thẻ khác nhau.
Cụ thể, Thẻ Gold, Pink-Card chịu mức phí là 2.200 đồng/giao dịch (sau thuế), với dòng thẻ C-Card, S-Card mức phí là 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế).
Trong khi đó, BIDV - ngân hàng còn sót lại của nhóm Big 4 có gốc nhà nước, vẫn chưa thông báo biểu phí rút tiền ATM mới.
Như vậy đã có ba ngân hàng lớn nhất tăng phí rút tiền nội mạng sau 5 năm "đứng yên", kéo theo khoảng 38,73 triệu chủ thẻ, tương đương hơn 50% số người dùng sẽ phải trả thêm phí khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.
Những ngày vừa qua, thông tin ngân hàng tăng phí rút tiền nội mạng vấp phải sự phản ứng của nhiều khách hàng do đây là loại phí phổ thông nhất và gần như chủ thẻ nào cũng phải trả.
Các chủ thẻ cũng cho rằng để cân bằng quyền lợi giữa khách hàng và ngân hàng, tăng phí các ngân hàng phải đồng thời tăng chất lượng dịch vụ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước đó, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng trong câu chuyện tăng phí ATM này cần có sự sòng phẳng và rõ ràng.
"Ngân hàng kêu lỗ khi giá vốn một giao dịch rút tiền ATM là 9.000 đồng, nhưng chỉ thu được hơn 1.000 đồng. Giá vốn ATM là gì? Ngân hàng kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ, kèm theo việc chi lương qua tài khoản. Vậy việc tách riêng tính giá vốn ATM để tính chi phí thì liệu có tính đúng, tính đủ chưa?", ông Bảo đặt vấn đề.
Còn một số ngân hàng khác nhân dịp này đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét lại mức phí rút tiền ngoại mạng cũng như tỉ lệ chia sẻ phí giữa đơn vị chuyển mạch là Napas và các ngân hàng có máy ATM.
Lý do là hiện nay các ngân hàng bỏ ra hàng loạt phí như đầu tư máy, tồn quỹ, nhân lực, bảo trì, thuê mặt bằng, đường truyền mà chỉ được hưởng 1.650 đồng/giao dịch là không hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận