Agribank vừa tăng phí rút thẻ nội mạng lên 1.500 đồng. Trong ảnh là máy ATM ở Hà Nội đang bị niêm phong sau sự cố hàng loạt chủ thẻ bị mất tiền - Ảnh L.THANH
Chủ đề về phí thẻ đã làm nóng Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng: Ngân hàng hướng tới Phát triển bền vững do Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm 8-5.
Tại diễn đàn, trả lời về phí thẻ hiện nay, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam, cho rằng các loại phí thẻ của Việt Nam là phù hợp với thông lệ của Hội thẻ quốc tế.
Các mức phí thẻ được Ngân hàng Nhà nước quy định mức trần. Đơn cử, phí thẻ như rút giao dịch nội mạng là từ 0 đồng đến 3.000 đồng/ giao dịch, tuy nhiên trên thực tế hầu hết mức phí rút tiền nội mạng được các ngân hàng áp dụng chỉ 1.000 đồng/ giao dịch.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết đang yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) báo cáo về việc tăng phí rút tiền nội mạng ATM từ 1.000 lên 1.500 đồng/ giao dịch.
Trao đổi với báo giới bên lề diễn đàn, ông Tuấn cho hay, các ngân hàng ước tính chi phí một giao dịch thẻ ATM khoảng 7.000-10.000 đồng.
Về phí thẻ ATM, bà Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia ngân hàng, nêu thực tế phía khách hàng luôn kêu ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, có rất nhiều loại phí và luôn luôn có xu hướng tăng.
Trong khi đó, ngân hàng thì cho rằng mức phí đó quá thấp, đúng ra là khoảng 7.000 đồng/giao dịch. Như vậy, mức phí thẻ ATM là mấu chốt của vấn đề.
"Vậy mức phí thẻ bao nhiêu là phù hợp để hài lòng cả người sử dụng dịch vụ và phía ngân hàng? Có câu chuyện ngân hàng đầu tư bao nhiêu vào cây ATM thi thì phân bổ hết cho người sử dụng bấy nhiêu hay không?, bà Mùi đặt câu hỏi với Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam.
Ông Đào Minh Tuấn cho rằng các ngân hàng đưa ra con số chi phí cho giao dịch thẻ ATM để muốn nói rằng mức thu phí còn thấp. Nếu thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên thì phí rút tiền sẽ giảm đi.
Ông Tuấn giải thích thực tế, các thanh toán hàng hóa dịch vụ chủ yếu là bằng tiền mặt nên phải rút tiền mặt.
Theo thống kê của các ngân hàng, lượng tiền mặt giao dịch thẻ ghi nợ nội địa có tăng nhẹ trong 5 năm trở lại đây, từ 0,7% năm 2013 đến nay tăng 3%.
Tức là, trước đây chỉ có 0,7% giá trị giao dịch thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa, đến nay tỉ lệ này đã tăng lên 3%.
"Nếu tỷ lệ này nếu tăng lên 20%, tức là 20% giá trị thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ thì các ngân hàng sẽ giảm phí thẻ", ông Tuấn nhận định.
So sánh phí thẻ ở các nước, ông Tuấn thừa nhận các nước không thu vì hầu hết các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ đều thanh toán không dùng tiền mặt, vì thế ngân hàng không tính phí đối với chủ thẻ ATM và đơn vị bán hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận