Công nhân rút tiền tại ATM trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngoài phí rút tiền nội mạng, Agribank cũng tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/giao dịch.
Tăng để bù đắp chi phí?
Thông tin Agribank sẽ tăng một loạt phí khiến nhiều khách hàng bức xúc. Chị Thi (quận 12, TP.HCM) - công nhân may và được công ty trả lương qua tài khoản Agribank - cho biết khi được trả lương, gia đình chị rút một phần để trang trải tiền nhà trọ, tiền học cho con, tiền ăn.
Số còn lại chị để dành trong tài khoản, khi có nhu cầu mới rút ra. Tuy nhiên do từ ngày 12-5 phí rút tiền nhích lên, chị sẽ cân nhắc rút ít lần hơn.
Dù tăng nhưng mức phí của Agribank vẫn dưới mức trần quy định. Hơn nữa, việc tăng thêm vài trăm đồng “không đáng kể”, chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ chi phí
Bà NGUYỄN THỊ PHƯỢNG (phó tổng giám đốc Agribank)
Anh Thành, một chủ thẻ Agribank, cho rằng dù số tiền tăng chỉ 500 đồng/giao dịch nhưng Agribank là một trong những ngân hàng có số lượng thẻ phát hành lớn nhất.
Nhiều chủ thẻ đang làm trong khối hành chính sự nghiệp, hoặc công nhân, người về hưu... nên phạm vi ảnh hưởng sẽ lớn.
"Ngân hàng một lúc điều chỉnh ba loại phí. Do đó, không chỉ rút tiền, mà những người có giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, nhất là những người kinh doanh có nhu cầu chuyển tiền thường xuyên" - anh Thành nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó tổng giám đốc Agribank - cho biết ngân hàng đã dự kiến tăng từ khá lâu nhưng nay mới thực hiện vì đã "gánh vác chi phí đến mức độ giới hạn".
"Ngân hàngNhà nước cho mức trần là 3.300 đồng/giao dịch nhưng thời gian qua các ngân hàng, trong đó có Agribank, vẫn duy trì mức phí sau thuế là 1.100 đồng/giao dịch. Dù tăng nhưng mức phí của Agribank vẫn dưới mức trần quy định. Hơn nữa, việc tăng thêm vài trăm đồng "không đáng kể", chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ chi phí" - bà Phượng nói.
Cũng theo bà Phượng, ngân hàng đã đầu tư hệ thống máy, dự trữ tiền mặt, tiếp quỹ, vận hành, vận chuyển tiền... với chi phí rất lớn.
Nếu tính đầy đủ, mức thu phí hiện nay không bù đắp được chi phí. Việc tăng phí này không chỉ giúp ngân hàng duy trì đầu tư hệ thống và bù đắp một phần chi phí mà còn góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Vì hệ thống Agribank ở vùng sâu vùng xa rất nhiều, chi phí còn lớn hơn nữa nếu phải chuyển tiền mặt đi khắp các mạng lưới.
"Ngân hàng đã đầu tư rất nhiều về công nghệ để đưa ra các kênh thanh toán cũng như tiện ích khác nhau, nên phải khuyến khích khách hàng sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt và việc tăng phí là biện pháp gián tiếp để định hướng khách hàng.
Thời gian qua ngân hàng đã tuyên truyền nhưng không có sự chuyển dịch nhiều, người dân vẫn có thói quen chuộng tiền mặt" - bà Phượng giải thích.
Không thể không tăng phí?
Trên thực tế, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, thời gian qua nhiều ngân hàng đã tăng nhiều loại phí.
Từ tháng 3-2018 đến nay, Vietcombank đã 2 lần điều chỉnh một số loại phí, như nâng mức phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng, mức phí chuyển khoản nội mạng với số tiền trên 50 triệu đồng sẽ là 5.500 đồng/lần, thay vì áp mức phí chung là 3.300 đồng/lần chuyển khoản nội mạng (không phân biệt số tiền trên hay dưới 50 triệu đồng)...
Ngoài ra, ngân hàng này cũng lần đầu áp dụng thu phí quản lý tài khoản thanh toán với mức 2.200 đồng/tháng...
Tương tự, Eximbank cũng thu phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống và khác địa phương là 0,03% số tiền.
Ngân hàng Đông Á áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống là 11.000 đồng/giao dịch, cùng hệ thống nhưng khác tỉnh là 5.500 đồng/giao dịch.
VIB cũng bắt đầu thu phí nhiều dịch vụ trước đây được miễn phí.
Riêng với phí rút tiền nội mạng, trừ Agribank dự kiến điều chỉnh tăng từ ngày 12-5, những ngân hàng lớn khác vẫn chưa có thông báo nhưng nhiều khả năng cũng sẽ điều chỉnh tăng mức phí này trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định chắc chắn các ngân hàng sẽ phải tăng phí rút tiền nội mạng, do khoản phí đang áp dụng thấp hơn nhiều so với mức trần mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tuy nhiên, việc tăng phí phải song hành với cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo quyền lợi của những đối tượng thu nhập thấp.
Ông Đào Minh Tuấn, chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam, cho rằng trần phí rút tiền nội mạng là 3.300 đồng/giao dịch nhưng thời gian qua các ngân hàng không dám tăng vì ngại dư luận, trong khi lẽ ra phải tăng và có lộ trình, và phải tính toán mức tăng thế nào là phù hợp, có sự tương xứng giữa các ngân hàng.
"Ngoài ra, việc tăng phí phải đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ vì hiện nay có rất nhiều dịch vụ có thể thanh toán trên ATM như thanh toán các dịch vụ công, các loại phí... nhưng sự phối kết hợp để làm việc này không đồng loạt. Do đó, khách hàng cảm thấy thiệt thòi mỗi khi ngân hàng tăng phí, dẫn đến phản ứng" - ông Tuấn nói.
Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng lớn cho rằng các ngân hàng cần có biện pháp để việc tăng phí không tác động nhiều đến đối tượng thu nhập thấp (nhận lương qua tài khoản) và ít sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như công nhân, người lao động...
Chẳng hạn, mức phí rút tiền nội mạng chỉ nên áp dụng với khách hàng cá nhân, còn các trường hợp mà công ty ký hợp đồng chi lương với ngân hàng thì nên miễn phí rút tiền nội mạng và cho phép rút tiền ngoại mạng miễn phí 2-3 giao dịch mỗi tháng nhằm chia sẻ với khách hàng.
* Chuyên gia Bùi Quang Tín:
Ngân hàng cũng hưởng lợi
Khi đề ra kế hoạch kinh doanh, thời gian qua các ngân hàng đều hướng nguồn thu sang dịch vụ, chuyển thu nhập từ lãi sang từ phí nên nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng các loại phí liên quan đến thẻ, ATM, ngân hàng điện tử... Bởi theo các ngân hàng, ATM là tiện ích nên khách hàng phải trả phí khi sử dụng tiện ích.
Tuy nhiên, không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng cũng hưởng lợi với các dịch vụ này.
Chẳng hạn với việc đầu tư hệ thống ATM, các ngân hàng giảm được chi phí hoạt động do giảm giao dịch trực tiếp với khách hàng, hạn chế phải mở phòng giao dịch, giảm bớt nhân viên giao dịch với khách, giấy tờ in và hàng loạt chi phí khác.
Chưa kể, chủ thẻ luôn duy trì số dư nhất định trong tài khoản, các ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn này để kinh doanh.
Do vậy, thay vì tăng đại trà như phí rút tiền nội mạng, phí Internet Banking... rất dễ vấp phải sự phản ứng, ngân hàng nên cung cấp gói sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính để từ đó thu phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận