Các ngân hàng sẽ chuyển thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip - Ảnh: T.T.D.
Từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu chậm nhất đến ngày 31-12-2020, toàn bộ thẻ tại Việt Nam phải chuyển đổi xong sang thẻ chip (thẻ gắn vi mạch điện tử). Nhưng sau hai năm rưỡi, các ngân hàng vẫn chưa công bố thông tin nào về việc chuyển đổi.
Mòn mỏi đợi chuẩn chung
Anh Minh Hoàng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) nhận lương qua tài khoản. Gần đây liên tục xảy ra các vụ trộm tiền trong thẻ lúc nửa đêm, do biết thông tin, anh đã phải đi hỏi ngân hàng khi nào mới đổi qua thẻ chip để tăng tính bảo mật. Nhưng ngân hàng chỉ trả lời khi nào đổi sẽ có thông báo.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến nay thẻ tín dụng phần lớn là thẻ chip, trong khi thẻ ATM hầu hết là thẻ từ.
Số liệu mới nhất vừa được Hội Thẻ Việt Nam công bố, tính đến cuối năm 2017, toàn thị trường có 77 triệu thẻ các loại, trong đó khoảng 90% là thẻ ATM. Như vậy đồng nghĩa với việc khoảng 70 triệu thẻ ATM đang sử dụng công nghệ từ hiện nay sẽ phải chuyển đổi.
Tuy nhiên, năm 2016, khi ban hành kế hoạch về việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, Ngân hàng Nhà nước dự kiến từ 12 đến 15 tháng sau đó (tức chậm nhất khoảng tháng 4-2017), bộ tiêu chuẩn thẻ chip được ban hành, và các ngân hàng phải có kế hoạch để chuyển đổi đạt kết quả tốt.
Thế nhưng nay đã gần giữa năm 2018 các ngân hàng vẫn đang đợi bộ tiêu chuẩn thẻ chip.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết Ngân hàng Nhà nước giao cho Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) xây dựng chuẩn mực của thẻ chip nội địa.
"Hi vọng cuối năm sẽ có tiêu chuẩn về thẻ chip, các ngân hàng dựa vào tiêu chuẩn chung đó mà xây dựng lộ trình chuyển đổi. Phải có chuẩn chung để tránh tình trạng như trước đây mỗi ngân hàng đưa ra một loại thẻ, sau đó phải đồng bộ mất rất nhiều thời gian và chi phí", ông Tuấn nói.
Ngân hàng ngại chi phí khủng
Ông Tiết Văn Thành, tổng giám đốc Agribank, cho biết chi phí đầu tư để chuyển đổi sang thẻ chip rất lớn nên hiện vẫn còn vấn đề cần tính toán, đó là xem lại tỉ lệ chia sẻ phí dịch vụ với các giao dịch liên mạng.
Dù đã nhiều lần làm việc với Napas, đến nay các ngân hàng vẫn chưa thể thống nhất được nội dung này.
Ông Đào Minh Tuấn, chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam, cũng thừa nhận chi phí đầu tư chuyển đổi rẻ nhất khoảng 1 USD/thẻ. Đó là gánh nặng, đặc biệt với những ngân hàng có số lượng phát hành lớn.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mức giá phổ biến của thẻ chip khoảng 1,5-2,5 USD/chiếc, tương đương 35.000-58.000 đồng/chiếc thẻ. Trường hợp đặt số lượng lớn, từ 100.000 thẻ trở lên thì mức giá có thể mềm hơn.
Hiện tại, Vietcombank đang dẫn đầu với gần 14 triệu thẻ, VietinBank có gần 13,7 triệu thẻ, Agribank và BIDV có lần lượt 11 triệu thẻ và gần 10,4 triệu thẻ... Một số ngân hàng cổ phần cũng có số lượng thẻ phát hành từ 2,1-5,2 triệu.
Như vậy, riêng 4 ngân hàng gốc quốc doanh đã phải bỏ ra khoảng 50 triệu USD (khoảng hơn 1.100 tỉ đồng) nếu chuyển đổi thẻ.
Đó là chưa kể các ngân hàng còn phải bỏ chi phí để nâng cấp hệ thống chấp nhận thẻ gồm máy ATM và máy POS để tương thích với thẻ chip.
Về lộ trình chuyển thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip, ông Đào Minh Tuấn cho biết năm nay có một số ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, MB, Techcombank... đi đầu triển khai để ra được chuẩn thẻ chip nội địa.
Song, ông Tuấn nhận định khoảng đến năm 2022 mới có thể chuyển đổi được toàn bộ thẻ ATM trong hệ thống.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh việc chuyển thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip để tăng bảo mật, hạn chế khả năng người tiêu dùng bị mất tiền trong tài khoản - Ảnh: T.T.D.
Trong một báo cáo, Hội Thẻ VN từng chỉ ra việc Việt Nam đang là điểm đến của tội phạm trong lĩnh vực thẻ do các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã gần như hoàn tất chuyển đổi công nghệ thẻ chip, cũng chưa áp dụng đồng bộ giải pháp 3D secure (bảo mật 2 lớp).
Vùng trũng của tội phạm
Theo Hội thẻ, công nghệ và tổ chức của tội phạm thẻ ngày càng tinh vi và hiện đại, dẫn đến các thiết bị chống sao chép thông tin của các ngân hàng nhiều lúc bị vô hiệu hóa.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng việc chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip sẽ giảm tối đa những vụ rút trộm tiền trong thẻ ATM như thời gian qua vì hạn chế được tình trạng đánh cắp dữ liệu thẻ để chế tạo thẻ giả.
Nhiều chuyên gia cảnh báo: nếu tiếp tục chậm trễ, đứng ngoài xu thế "chip hóa" hoàn toàn thẻ nội địa và có chuẩn nội địa riêng, VN có thể trở thành vùng trũng cho tội phạm thẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, do tính bảo mật kém của các loại thẻ dùng dải từ hiện nay.
Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng dù khó khăn nhưng việc chuyển đổi là tất yếu, nhất là trong bối cảnh tội phạm thẻ ngày càng tăng, thủ đoạn tinh vi hơn.
"Cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, để tránh VN trở thành vùng trũng của tội phạm vì thẻ từ dễ bị giả mạo, độ an toàn không cao... Thẻ chip có độ bảo mật cao và tăng khả năng mở rộng tiện ích cho khách hàng...", ông Thoại nói.
Thẻ từ và thẻ chip khác nhau thế nào?
Thẻ từ áp dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính và lưu trữ thông tin trên dải băng từ ở mặt sau thẻ.
Các thông tin chỉ được mã hóa một lần và khi quẹt thẻ qua máy thanh toán, thông tin được giải mã. Do vậy kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp thông tin trên thẻ từ của người dùng.
Trong khi đó, thẻ chip áp dụng công nghệ gắn chip điện tử với bộ vi xử lý như một máy tính thu nhỏ và hoàn toàn độc lập, các thông tin quan trọng được mã hóa.
Quy trình giao dịch bằng thẻ chip phải trải qua nhiều bước với độ bảo mật cao.
Hiện nay hầu hết thẻ ATM là thẻ từ trong khi hầu hết thẻ tín dụng là thẻ chip, hoặc vừa từ vừa chip, tức thẻ chip nhưng trên thẻ vẫn có một dải băng từ để có thể thanh toán tại các cửa hàng chưa có đầu đọc thẻ chip.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận