Khách hàng rút tiền tại ATM trên đường Nguyễn Hữu Thọ, H. Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngoài ra, các ngân hàng đầu tư hệ thống ATM lớn còn đề xuất thu phí hạ tầng và đặt vấn đề tính lại tỉ lệ chia sẻ phí giữa Công ty chuyển mạch quốc gia VN (Napas) và các NH thanh toán.
Giá vốn đến 9.000 đồng/giao dịch?
Trao đổi với Tuổi Trẻ cuối ngày 7-5, ông Phùng Duy Khương, phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết NH này cũng tính tăng phí rút tiền nội mạng (chủ thẻ rút tại chính ngân hàng phát hành thẻ) trong tháng 5 này. Mức tăng có thể bằng với Agribank là từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng (sau thuế).
Lý giải về việc điều chỉnh này, ông Khương cho biết nếu tính đúng, tính đủ thì giá vốn cho một giao dịch ATM lên đến 9.000 đồng vì hàng loạt chi phí kèm theo như chi phí thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ... mà nặng nhất là số tiền nạp tại các máy ATM.
Nếu mỗi máy nạp 1 tỉ đồng, hệ thống 2.000 ATM của VietinBank tồn số tiền 2.000 tỉ đồng không sinh lãi.
"Ngân hàng kỳ vọng số dư tiền trong tài khoản của khách hàng sẽ bù đắp phần nào chi phí, nhưng phần lớn khách hàng không để lại số dư trên thẻ, nếu có thì chỉ trong thời gian rất ngắn và số tiền không nhiều. Do vậy thời gian qua ngân hàng vẫn đang "thu không đủ chi", chịu lỗ nên bắt buộc phải tăng phí dù đó là biện pháp cuối cùng và bất đắc dĩ vì mục tiêu của ngân hàng vẫn là phát triển khách hàng nội mạng" - ông Khương nói.
Tương tự, lãnh đạo BIDV cũng xác nhận đang tính toán tăng phí rút tiền nội mạng để bù đắp khoản lỗ cũng như hướng người dùng sang các kênh thanh toán không dùng tiền mặt.
Đề xuất thu phí hạ tầng, tính lại tỉ lệ chia sẻ phí
Không chỉ tăng phí, các ngân hàng lớn còn đề xuất xem xét lại mức phí rút tiền ngoại mạng (chủ thẻ rút tiền tại máy ATM của ngân hàng khác) cũng như tỉ lệ chia sẻ phí giữa Napas và các ngân hàng trong các giao dịch liên mạng.
Thời gian dài trước đây, tỉ lệ chia sẻ phí thu được giữa ngân hàng có ATM và Napas là 50:50, tức một giao dịch rút tiền ngoại mạng là 3.000 đồng (chưa thuế), mỗi bên hưởng 1.500 đồng.
Theo các ngân hàng, tỉ lệ này chưa hợp lý vì ngân hàng phải bỏ ra rất nhiều chi phí từ hạ tầng, nhân viên, đến quỹ tiền mặt.
Từ ngày 1-3 vừa qua, Napas đã giảm 150 đồng/giao dịch rút tiền và tiến tới giảm dần theo lộ trình hằng năm. Nhưng nhiều ngân hàng vẫn cho rằng tỉ lệ chia sẻ này quá cao.
Ông Tiết Văn Thành, tổng giám đốc Agribank, cũng từng đề xuất xem lại tỉ lệ chia sẻ phí dịch vụ với các giao dịch liên mạng để các ngân hàng có chi phí đầu tư hệ thống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Minh Tuấn, chủ tịch Hội Thẻ VN, thừa nhận đề xuất này là hợp lý vì các ngân hàng phải đầu tư nhiều hơn. Trong khi tỉ lệ chia sẻ phí có từ trước khi sáp nhập hai đơn vị chuyển mạch là Smartlink và Banknet, đến nay không hợp lý thì cần điều chỉnh và Napas đã đề ra lộ trình mỗi năm giảm vài trăm đồng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn đề xuất thu phí hạ tầng từ các ngân hàng nhỏ vì thời gian qua các ngân hàng nhỏ chỉ phát hành thẻ nhưng không đầu tư máy, dẫn đến hệ thống ATM của ngân hàng lớn phải gánh chịu trong khi mức thu từ các chủ thẻ quá thấp và chịu lỗ.
Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng lớn có trụ sở tại Q.3 (TP.HCM) cho biết tại hội nghị thường niên Hội Thẻ VN vừa qua, các ngân hàng lớn đã đề xuất vấn đề này, nhưng Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không được tăng vào người dùng cuối cùng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo BIDV nhấn mạnh cần thiết phải có mức phí hạ tầng vì nhiều ngân hàng nhỏ phát hành thẻ rất lớn nhưng chỉ có vài chục máy ATM, thậm chí ít hơn. Sau đó ngân hàng này miễn phí rút tiền để các chủ thẻ rút tiền tại ATM của ngân hàng lớn.
Các ngân hàng cần có công thức tính rõ ràng
Theo TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong câu chuyện phí cần có sự sòng phẳng và rõ ràng.
Ông Bảo đặt vấn đề: "Ngân hàng kêu lỗ khi giá vốn một giao dịch rút tiền ATM là 9.000 đồng, nhưng chỉ thu được hơn 1.000 đồng. Giá vốn ATM là gì? Ngân hàng kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ, kèm theo việc chi lương qua tài khoản. Vậy việc tách riêng tính giá vốn ATM để tính chi phí thì liệu có tính đúng, tính đủ chưa?".
Ngoài ra, ông Bảo cho rằng khi ngân hàng tăng phí thì phải tăng chất lượng dịch vụ và cần thông báo trước lộ trình cho người dân biết để chuẩn bị.
Liên quan đến bất cập của phí giao dịch liên mạng, nhiều chuyên gia khác cho rằng các ngân hàng nên tự giải quyết với nhau, chẳng hạn như thu phí hạ tầng, không nên đổ lên người tiêu dùng. "Ngân hàng phát hành thẻ hưởng được nhiều lợi ích khi khách hàng mở thẻ, như được hưởng số tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản, chưa kể bán được dịch vụ khác nên ngân hàng phát hành thẻ buộc phải chia sẻ phí với ngân hàng có máy ATM" - ông Bảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận