Hình ảnh biệt phủ của gia đình giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Yên Bái nằm trong khu đất 1,3ha tại phường Minh Tân, TP Yên Bái - Ảnh: NAM TRẦN |
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này.
"Quan chức nhà nước xưa nay được gọi là công bộc, đày tớ của dân. Cách nói, hình ảnh trên thật khiêm nhường bởi nhiệm vụ, trách nhiệm là chăm lo cho dân. Đây còn là trọng trách lớn lao với những người thật sự có trách nhiệm.
Bởi lương, thưởng của quan chức tính ra không thể giúp giàu sụ một cách bất thường, nhanh chóng như thế. Ngay cả những công chức cấp cao nhất lương hằng tháng chưa đến 20 triệu, thì thật khó lý giải khi chỉ trong một vài năm làm quan, người ta tậu tài sản, sở hữu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng?... Có chăng là sự nghi ngờ.
Hơn hết, chính quan chức lúc kê khai tài sản lại chứng minh bản thân luôn là trong sạch, đủ ăn đủ xài, "gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung". Mâu thuẫn là ở chỗ này. Là sự minh bạch, trung thực về tài sản. Thế tài sản tự dưng từ đâu ra? Bởi nó không tự sinh ra và tự mất đi.
Một số người khi bị phát hiện thì cho rằng tài sản lại là của người thân, họ hàng. Người ta hay nói của chồng, công vợ. Thì nay câu ấy trở thành tài sản là của vợ tôi, tôi không biết. Thật khó tin!
Trong khi vợ lại không có việc làm hoặc chỉ là công chức bình thường mà thôi. Con cái thì còn nhỏ tuổi càng không thể tạo ra tài sản lớn. Cha mẹ về hưu từ lâu càng không có thu nhập lớn mua biệt thự nghĩ dưỡng đắt địa...
Thế nhưng, đây vẫn là cách "chạy" trách nhiệm hiệu quả nhất khi sự cố về tài sản "khủng" thiếu minh bạch bị người dân phản ứng, báo chí tìm hiểu. Tài sản không tự nhiên sinh ra mà mất đi. Quyền sở hữu tài sản chỉ do con người cố tình chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi.
Phận làm công chức, là người có ý thức, chẳng ai lại chọn tiêu pha hoang phí, xa hoa. Càng không thể làm trái với lương tâm của mình.
Là lối sống vương giả, phú quý quá đối lập với đa số đồng bào nghèo. Tôi thích một cách so sánh hay, nếu anh là doanh nghiệp, chuyện anh xây biệt phủ giữa khu dân cư nghèo không quá phản cảm. Nhưng anh đã quyết dấn thân phục vụ dân, sống cùng dân, thì hà cớ gì trưng ra sự giàu có như thế! Hết sức phản cảm và kệch cỡm và có phần độc ác.
Trường hợp xảy ra là điều đáng lo cho công tác dân vận. Trong khi, quan chức còn phải là người làm gương cho dân để các chủ trương, chính sách của Nhà nước có thể thực thi hiệu quả, đi sâu vào quần chúng nhân dân. Việc xây biệt phủ, tậu tài sản khổng lồ khoa trương như thế là khó chấp nhận được.
Ai cũng hiểu quan chức bình thường, thanh bạch, sống bằng nghề không thể tự dưng giàu bất thường với thu nhập "khủng", tài sản "khủng". Người công chức có đạo đức, phẩm chất càng ý thức rõ điều ấy. Thận trọng trong hành động, có lối sống, ứng xử phù hợp.
Đạo đức quan chức là gì, nếu không phải: cần, kiệm, liêm, chính - những chữ tuy ngắn gọn mà mang nội hàm lớn. Thể hiện cái nhân văn, trách nhiệm với dân với nước mà mọi quan chức đều được học qua, xem là kim chỉ nam để thực hiện nhiệm vụ, thể hiện phẩm chất người làm công vụ.
Tôi bỗng nhớ câu chuyện xúc động về Bác Tôn, vị lãnh đạo kính mến nổi tiếng về sự giản dị, trong sạch.
Chuyện kể rằng vào năm 1950, Bác Tôn sang Liên Xô nhận Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin, nước bạn có đưa Bác 10.000 rúp để mua quà về cho gia đình, bè bạn. Mỗi thành viên trong đoàn đi cũng được bạn cho 1.000 rúp. Ai có tiền đều mua sắm thứ này vật nọ về làm quà cho bạn bè, vợ con. Mua sạch túi. Riêng Bác chẳng thấy mua gì.
Người bác sĩ bảo vệ sức khỏe cho Bác hỏi, Bác bảo đi mua giúp cái cối xay tiêu. Bác nói: "Ở nhà bà ấy biết tôi thích ăn cá kho tiêu, bà thường mua cá về kho. Mỗi lần đâm tiêu trong cái chén, tiêu văng ra tung tóe, mắt bà đã kém, lò mò lượm lại từng hột, thương quá! Anh mua giùm tôi cái cối xay tiêu". Mua cái cối xay tiêu chỉ 7 rúp. Số tiền còn lại Bác trao lại tất cả cho bạn Liên Xô.
Một lần khác, người ta thấy Bác Tôn mặc áo lạnh nối ống tay, hỏi, Bác vui vẻ trả lời: "Người lãnh đạo có mặc vậy thì dân mới no ấm". Câu nói là tấm lòng, trách nhiệm lớn với nhân dân.
Hai câu chuyện giản dị mà thật cảm động về tình cảm gia đình, đặc biệt, về sự cần, kiệm, liêm, chính, trách nhiệm của người đứng đầu đất nước.
Câu chuyện cũ được kể lại nhưng càng trở nên thiết thực, là bài học quý cho mỗi chúng ta, mỗi công chức, quan chức ngày nay. Khi thói khoe khoang, tiêu xài hoang phí, thiếu trung thực, vụ lợi đây đó đang xảy ra.
Thậm chí gần đây đáng buồn là có quan chức cấp cao sau khi hết nhiệm kỳ lại muốn chiếm dụng nhà công vụ như nhà riêng của mình như một đặc quyền, đặc lợi... đi ngược bổn phận làm quan chức, ngược lại với niềm tin lớn của người dân.
Tóm lại, thay cho câu hỏi quan chức có nên sở hữu nhà to hay không? Thiết nghĩ vấn đề cần đặt ra hiện nay là tính trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản của quan chức.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận