Ông Nguyễn Hóa - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Thương mại - cho biết trong đợt thi tuyển sinh ĐH năm nay, toàn trường có đến hơn 100 thí sinh đăng ký nhầm khối thi. Trường đã tìm cách liên hệ với các em trước đó để chỉnh sửa, nhưng đến ngày 3-7 vẫn còn hơn 20 thí sinh nhầm khối thi mà trường không liên hệ được, đành phải cấp tập sửa sai trong ngày làm thủ tục. Theo đó, một số mã ngành đào tạo của trường thay đổi nên khối thi cũng bị thay đổi, trong khi thí sinh vẫn dùng các tài liệu hướng dẫn “Những điều cần biết” năm trước nên đăng ký nhầm.
Nhiều nhất là thí sinh đăng ký vào ngành kinh doanh quốc tế đáng lẽ phải đăng ký thi khối D, nhưng lại ghi khối A và đến trường dự thi do các năm trước trường đào tạo một ngành tương tự là thương mại quốc tế nằm trong nhóm ngành quản trị kinh doanh phải thi khối A. Với thí sinh không thể thay đổi khối thi do các em đã tập trung ôn luyện từ trước thì đành phải chuyển sang một ngành đào tạo khác. Với thí sinh có nguyện vọng theo học ngành đã đăng ký thì đành phải ra về, chờ đến đợt thi khối D để thi tiếp.
Theo TS Nguyễn Hóa, các trường ĐH nếu không có máy chấm trắc nghiệm sẽ chấm nhờ ở những trường có máy móc hiện đại. Tuy nhiên, đôi khi máy móc cũng không đọc được phương án trả lời của thí sinh, không quét hết được các phương án nếu thao tác khoanh vào ô đáp án của thí sinh không chuẩn. Nhiều thí sinh chỉ chấm chấm quanh khung tròn mà không tô phủ kín nên có thể máy để lọt. “Tuy nhiên, theo quy định chấm, nếu số câu bỏ trống lớn hơn hai câu, bài chấm được xem là “có vấn đề”, sẽ được rút ra để kiểm tra bằng mắt” - TS Hóa cho biết.
* Trong ngày thí sinh làm thủ tục dự thi 3-7, hội đồng coi thi của nhiều trường vẫn bày tỏ băn khoăn, lo lắng về quy định cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử (không phát trực tiếp) vào phòng thi.
Tại Trường ĐH Công đoàn, trao đổi với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT, ông Phạm Văn Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: trường có tới 6.000 thí sinh thi nhờ, trong đó nhiều thí sinh đăng ký NV1 vào các trường dân lập, dự đoán học lực của thí sinh có sự chênh lệch nhiều nên việc kiểm soát gian lận thi cử cũng là vấn đề nhà trường lo lắng. “Chúng tôi phải có những buổi tập huấn riêng với nội dung kiểm soát tiêu cực với thiết bị điện tử thế nào” - ông Hà cho biết.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Công đoàn thì nhà trường phải tính tới cả tình huống gian lận bằng các thiết bị hiện đại từ khu vực bên ngoài điểm thi, chụp ảnh đề thi qua cửa kính phòng thi nên đã kiểm tra kỹ hành lang các điểm thi, bổ sung hệ thống cửa kính. Cũng theo ông Hà, một số thiết bị điện tử có khả năng sử dụng để quay cóp như đồng hồ, bút viết có chứa dữ liệu văn bản cũng được trao đổi kỹ với cán bộ an ninh trong buổi tập huấn.
Trường ĐH Thủy lợi in hẳn cuốn cẩm nang coi thi, trong đó liệt kê hàng chục tình huống có thể xảy ra sai sót, tiêu cực để giám thị thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời nhắc nhở thí sinh trước các buổi thi.
Trước băn khoăn của các trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Đây là năm thứ 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thực hiện quy định cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử (không có chức năng phát trực tiếp) vào phòng thi. Thực tiễn mùa thi trước cho thấy đây không phải vấn đề các trường quá lo lắng. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các trường khu vực Hà Nội nghiêm túc, nhất là khâu in sao đề thi và phương án vận chuyển, bảo mật đề thi của các trường”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận