05/09/2021 19:23 GMT+7

Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ... bị điểm tên vì ban hành quy định khiến dân bức xúc

N.AN
N.AN

TTO - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đánh giá công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng, song một số địa phương đã ban hành các quy định chưa cân nhắc kỹ lưỡng gây bức xúc trong dư luận.

Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ... bị điểm tên vì ban hành quy định khiến dân bức xúc - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP

Thông tin được nêu ra trong báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 được thông tin tại cuộc họp chiều ngày 5-9 do Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo - chủ trì, kết nối trực tuyến tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước.

Công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng

Theo đó, Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường, vì vậy vẫn phải tiếp tục cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một "pháo đài", mỗi người dân là một "chiến sĩ", Trung tâm chỉ huy và kiểm tra trực tuyến đã kết nối đến hơn 5.500 xã, phường trên cả nước (chiếm khoảng 50%); 19 tỉnh, thành phố phía Nam kết nối 2.594 điểm cầu (đạt 100%).

Ban Chỉ đạo đánh giá, các địa phương đã thực hiện tương đối nghiêm việc kiểm soát phòng, chống dịch, phát huy vai trò tổ cộng đồng và huy động các lực lượng tham gia. 

Tuy vậy, để mỗi xã, phường, thị trấn thực sự là một "pháo đài", các địa phương cần tiếp tục kiện toàn, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các "pháo đài" cần chuẩn bị phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, không để lúng túng, bị động, tăng kiểm tra giám sát…

Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra những hạn chế khi vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… ban hành các quy định như giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông… nên gây bức xúc trong dư luận. Một số địa phương ban hành các hướng dẫn khác với Trung ương chưa kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia.

Không để giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu

Việc tổ chức thực hiện là khâu yếu, có nơi có lúc chưa thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ, còn tình trạng lúng túng trong phân công nhiệm vụ. Thậm chí, có địa bàn chưa làm tốt, chưa nắm vững quan điểm chỉ đạo, chưa xác định được nhiệm vụ của xã, phường (pháo đài) phải làm gì, người dân (chiến sĩ) phải làm gì…

Do đó, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Theo đó, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội. Vì vậy cần thực hiện triệt để, thần tốc xét nghiệm trên diện rộng cho toàn bộ người dân, mở rộng và nâng cao năng lực điều trị, khẩn trương tiêm vắc xin, phát huy vai trò các tổ cộng đồng…

Các địa phương khác chủ động xét nghiệm sàng lọc, chuẩn bị sẵn sàng phương án khi có ca trong cộng đồng và tăng nhanh, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, thu dung, khẩn trương tiêm vắc xin và mua sắm vật tư, trang thiết bị…

Gắn với việc đảm bảo an sinh, có điểm cung ứng thực phẩm, huy động người khỏe mạnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người đã khỏi bệnh, đủ điều kiện di chuyển an toàn tham gia vận chuyển hàng hóa, lương thực; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa…

Tình hình dịch các địa bàn: Một số địa phương có nguy cơ phát sinh ổ dịch mới

TP.HCM đang trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố nên số mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Riêng quận 7 và huyện Củ Chi đã kiểm soát được dịch.

Tại Bình Dương, Long An, Tiền Giang có số ca mắc khi được tầm soát, sàng lọc trong 7 ngày vừa qua vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30 - 50%). Các tỉnh thành còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca nhiễm được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7 - 15%) có xu hướng giảm dần trong 2 tuần qua.

Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên: nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn khi số ca nhiễm được phát hiện qua tầm soát cộng đồng, sàng lọc tại cơ sở y tế khoảng 15 - 30%, nên thời gian tới vẫn có thể phát sinh thêm các ổ dịch mới.

Tại các địa phương khác (40 tỉnh, thành phố), tình hình dịch cơ bản đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát, do đó các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là...

Huyện Củ Chi là cơ sở thay đổi chiến lược phòng dịch ở TP.HCM sau ngày 15-9 Huyện Củ Chi là cơ sở thay đổi chiến lược phòng dịch ở TP.HCM sau ngày 15-9

TTO - Tại buổi làm việc với huyện Củ Chi chiều 4-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá "những kết quả ở Củ Chi đến giờ này là cơ sở để bổ sung các điều kiện cần thiết, góp phần nghiên cứu, thay đổi chiến lược chống dịch ở TP.HCM".

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên