30/03/2015 11:22 GMT+7

​“Hà bá” đuổi giữa mùa khô

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI

TT - Dù giữa mùa khô nhưng tình trạng sạt lở bờ sông tại tỉnh Đồng Tháp đang diễn ra nghiêm trọng.

Căn nhà của ông Nguyễn Phước Thăng (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) bị sạt lở xuống sông - Ảnh: Thành Nhơn

Đặc biệt tại nhiều nơi, chỉ sau một đêm “hà bá” đã ngoạm sâu vào bờ hàng chục mét, khiến nhiều hộ dân lâm cảnh mất đất, mất nhà.

Ngày 26-3, UBND tỉnh Đồng Tháp chính thức công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền với chiều dài khoảng 2,1km thuộc xã An Hiệp (huyện Châu Thành), đồng thời triển khai di dời ngay các hộ dân, nhà cửa, vật kiến trúc ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm...

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 40 xã thuộc chín huyện, thị xã, thành phố diễn ra tình trạng sạt lở với tổng chiều dài lên đến hơn 31km.

Nhiều đoạn “hà bá” ăn sâu vào bờ đến hơn 40m. Chỉ tính riêng năm 2014 và hai tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh Đồng Tháp mất hơn 15ha đất do sạt lở.

Tan hoang sau một đêm

Căn nhà của ông Nguyễn Phước Thăng (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) bỗng trở thành đường lưu thông bất đắc dĩ. Căn nhà bị xẻ đôi, một nửa trở thành đống đổ nát, một nửa bị lún sụp gần hết. Để tạo điều kiện cho người dân có lối đi, ông Thăng dỡ tường ở giữa căn nhà để làm đường lưu thông.

Trên đống “xà bần” đổ nát, ông Thăng cố vớt vát lấy một ít sắt vụn còn lại. “Mấy tháng trước bờ sông vẫn còn cách nhà chừng mấy chục thước. Quay tới quay lui là thấy sạt tới sát một bên rồi. Cuối cùng thì chuyện gì tới cũng tới, nhà cửa đất đai bay biến hết” - ông Thăng bần thần nói.

Cùng tình cảnh với ông Thăng, hơn một nửa căn nhà của anh Trần Hữu Nhân ở xã Phú Thuận A (huyện Hồng Ngự) đổ sụp xuống lòng sông sau đợt sạt lở nghiêm trọng vào những ngày đầu tháng 1-2015.

Hiện gia đình anh chỉ dám vào nhà ở ban ngày để buôn bán, còn ban đêm phải về lại khu tái định cư tá túc.

Nhớ lại vụ sạt lở, anh Nhân chưa hết bàng hoàng: “Lúc đó khoảng 8g tối, nghe ầm một cái, rồi nửa căn nhà với đất đổ ụp xuống sông. Gần đây cũng có năm căn nhà khác ở trong tình trạng tương tự khi bị sông ngoạm hết nửa căn”.

Cù lao Phú Thuận gồm ba xã Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự) là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng sạt lở bờ sông.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, chỉ tính riêng năm 2014 ba xã này xảy ra 24 vụ sạt lở. Còn từ đầu năm đến nay cũng xảy ra gần chục vụ lớn nhỏ. Men theo cù lao dễ dàng nhìn thấy nhiều đoạn sạt lở kéo dài hàng chục mét.

Có đoạn sạt lở đã xóa sổ cả cây số đường giao thông, người dân đành phải mở đường vòng hoặc len lỏi đi giữa các căn nhà bị ngoạm hết phân nửa.

Không riêng những khu vực không có công trình bảo vệ bị sạt lở, ngay cả những chỗ có bờ kè người dân cũng phải chạy trốn “hà bá”.

Cụ thể, tại chân mỏ hàn số 7 thuộc công trình bờ kè bảo vệ bờ sông Tiền (xã An Hiệp, huyện Châu Thành), ngày 10-3 xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng làm nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp, sau đó tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra. Công trình này có vốn đầu tư hơn 250 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ đảm bảo cuộc sống của hơn 500 hộ dân.

Sạt đến đâu, chạy đến đó

Ông Nguyễn Trạng Sư, phó chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, cho biết ngoài cù lao Phú Thuận, mấy tháng đầu năm 2015 còn xảy ra sạt lở ở hai xã Thường Phước 1 và Long Khánh A.

“Trước mắt, sạt đến đâu chạy đến đó. Chúng tôi bố trí dân nằm trong vành đai sạt lở vào cụm tuyến dân cư còn nền trống” - ông Sư nói.

Theo ông Lê Văn Hùng - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, tình trạng sạt lở diễn ra giữa mùa khô có thể do động lực dòng chảy kết hợp với cấu tạo nền địa chất mềm yếu.

Cũng  có thể do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy, ép sát vào bờ, tạo nên những vụ sạt lở.

Trước tình trạng sạt lở, Sở NN&PTNT Đồng Tháp đề xuất thực hiện nhiều dự án khắc phục cấp bách các địa điểm sạt lở trên sông Tiền thuộc các huyện như Hồng Ngự, Lấp Vò, Lai Vung và TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc. Sở dự kiến cho xây dựng hai đoạn bờ kè chống xói lở tại TP Sa Đéc và thị trấn Thường Thới Tiền (Hồng Ngự), các dự án này sẽ triển khai trong năm 2015.

Liên quan việc sạt lở tại chân mỏ hàn số 7 thuộc công trình bờ kè bảo vệ bờ sông Tiền, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương khảo sát, báo cáo nguyên nhân.

Sở NN&PTNT phải rà soát tổng hợp tất cả hồ sơ trong quá trình thực hiện như hồ sơ thiết kế, nghiệm thu thiết kế, thẩm tra và có báo cáo riêng về sự cố công trình.

Biển tiếp tục “ngoạm” xóm Nhà Ngang

Tại Tiền Giang, tình trạng nhà dân bị biển ngoạm cũng đang diễn ra gay gắt. Căn nhà của chị Nguyễn Thị Trắng ở xóm Nhà Ngang, ấp Cầu Muống, xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) đổ sập vì không chịu nổi sóng biển.

Chị Trắng phải bỏ ra gần chục triệu đồng để gia cố căn nhà mẹ ruột ở kế bên rồi sang đó sống tạm. Nhưng tới nay căn nhà mẹ ruột chị Trắng cũng chỉ còn trơ khung trên nước biển.

Sau lưng nhà mẹ ruột chị Trắng, cảnh tượng sụp lở còn rõ ràng hơn. Năm trước nhà của chị Cô Thị Thương mới dựng lại còn nằm ở bên mép nước, giờ đây là một căn nhà sàn chỏng chơ trên biển.

Chị Thương phải làm cây cầu bằng ván dài hơn 10m mới nối được mép nước phía trong. “Giờ đang giữa mùa gió, hết mùa chắc cây cầu này phải nối thêm 20m nữa mới đủ” - chị Thương than thở.

Ấp Cầu Muống tiếp tục là một trong những nơi bị biển xâm thực nhiều nhất hiện nay ở bờ biển tỉnh Tiền Giang.

Ông Ngô Phi Trường - chủ tịch UBND xã Tân Thành - cho biết: “Mùa gió này, gần 3km bờ biển của xã Tân Thành, trong đó có xóm Nhà Ngang, tiếp tục bị xâm thực một cách tự do. Đến nay mất gần 10ha đất, ba căn nhà bị sập, hiện còn 44 căn đang bị ảnh hưởng trực tiếp. Xã đang tiếp tục vận động bà con di chuyển đi”. 

SƠN LÂM

 

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên