01/07/2013 11:12 GMT+7

Gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn

NHƯ BÌNH - BẠCH HOÀN
NHƯ BÌNH - BẠCH HOÀN

TT - Trần lãi suất tiền gửi đối với VND, USD vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm. Nhiều người có tiền nhàn rỗi băn khoăn liệu có tiếp tục gửi tiết kiệm hay chuyển qua kênh đầu tư vàng, chứng khoán, bất động sản...?

9d5FwchA.jpgPhóng to
Theo các chuyên gia, mặc dù lãi suất giảm nhưng gửi tiết kiệm VND vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn - Ảnh: THANH ĐẠM

* Ông Nguyễn Hoàng Hải (tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN):

Chọn kỳ hạn dài

Mặc dù trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND đã giảm nhưng so với các kênh đầu tư tài chính khác, gửi tiền tiết kiệm vẫn có nhiều lợi thế và thu hút được đại bộ phận người dân có tiền nhàn rỗi. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm USD giảm từ 2%/năm còn 1,25%/năm là mức rất thấp, trong khi tỉ giá vừa điều chỉnh và diễn biến nhìn chung ổn định. Vì thế kênh đầu tư, nắm giữ USD không còn hấp dẫn với nhiều người.

Trong khi đó thị trường vàng, theo diễn biến thị trường cho thấy đầu tư vàng quá nhiều rủi ro. Thực tế trong khoảng hai năm trở lại đây có những người đã bị lỗ rất nặng, có khi mất gần một nửa so với vốn đầu tư ban đầu. Chưa kể lạm phát thấp khiến kênh gửi tiết kiệm có lợi hơn cho đại đa số người có tiền, ngay cả ở các kỳ hạn ngắn mà NHNN vừa hạ trần lãi suất huy động.

Tính toán cụ thể giữa các kênh đầu tư cho thấy gửi tiết kiệm phù hợp với nhiều đối tượng, trong đó có cán bộ công nhân viên, người về hưu..., thậm chí ngay cả người có nhiều tiền, các doanh nghiệp. Trước mắt, nếu không có kế hoạch sử dụng vốn sớm, người ta sẽ lựa chọn gửi ở những kỳ hạn dài từ sáu tháng trở lên. Khi gửi kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng mức lãi suất sẽ cao hơn. Ví dụ lãi suất gửi tiết kiệm tại Vietcombank là 6,8%/năm ở kỳ hạn 3 tháng nhưng kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng mức lãi suất là 7%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm.

“Tiêu điểm kinh tế”

“Tiêu điểm kinh tế” là tên chuyên mục mới, phát vào sáng thứ hai hằng tuần trong chương trình phát thanh Tiêu điểm sáng của Tuổi Trẻ Mobile (m.tuoitre.vn).

Cuối tuần qua, NHNN đưa ra một loạt biện pháp mới liên quan đến tín dụng: giảm trần lãi suất tiết kiệm VND còn 7%/năm, giảm trần lãi suất huy động tiền gửi bằng VND, USD và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, đồng thời công bố điều chỉnh tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD thêm 1%. Những động thái này có hợp lý trong bối cảnh hiện nay hay không? Và đặc biệt với tình hình giá vàng có nhiều biến động như hiện nay, nhất là sau thời điểm tất toán trạng thái vàng vào hôm 30-6, người dân và doanh nghiệp nên có những lưu ý gì? Chúng tôi đã đặt vấn đề này với TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách ĐH Quốc gia Hà Nội. Mời quý vị đón nghe.TTM

* Chuyên gia Đinh Thế Hiển:

Lãi suất không cao nhưng chấp nhận được

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện giảm còn 7%/năm, đối với các nước là cao nhưng người VN vốn quen lãi suất cao trong những năm qua thì có vẻ không hấp dẫn.

Tuy nhiên, khi sức hấp dẫn của vàng hay bất động sản, hai kênh đầu tư khá gần gũi với người Việt, xem ra có vẻ chưa mạnh mẽ lắm thì việc gửi tiền tiết kiệm vẫn là lựa chọn khả thi. Vậy gửi tiền như thế nào để đảm bảo có lời?

Nếu như hồi đầu năm, các kỳ hạn gửi tiền tiết kiệm dài hạn được cân nhắc thì với xu hướng lãi suất hiện nay, người gửi tiền cần chủ động chọn những loại hình tiền gửi có thể linh động trong việc rút ra được khi cần.

Đối với kênh gửi tiết kiệm bằng USD, việc điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng vừa qua cũng không có nghĩa tỉ giá USD/VND tăng mạnh nữa. So với lãi suất gửi VND và tiền gửi bằng USD như hiện nay, tôi cho rằng mức chênh lệch lãi suất sẽ không làm người gửi VND bị thiệt. Vì vậy khó có làn sóng chuyển từ tiền gửi VND sang USD.

Lựa chọn kênh đầu tư sinh lời luôn là mong muốn chính đáng của người dân, tuy nhiên theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư không nên kỳ vọng những khoản lợi nhuận cao một vốn bốn lời như trước đây, khi mà nền kinh tế VN không còn tăng trưởng nóng và đang đi vào phát triển bền vững.

* Chị Huỳnh Thị Ngọc Trang

(phường Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM):

Chỉ mong bảo toàn vốn

Gửi tiền ngân hàng với lãi suất hiện nay tôi cho là chấp nhận được. Tuy nhiên, tôi không ưu tiên kênh đầu tư này vì từ trước đến nay, khi có khoản tiền nhàn rỗi tôi cũng chọn cách trữ một ít USD, nhưng với tình hình gần đây việc giữ USD khá bị hạn chế, Nhà nước cũng không khuyến khích.

Với người dân bình thường như tôi chọn hình thức giữ tiền bằng vàng, bất động sản không chỉ nhằm mong muốn có một khoản lời trong tương lai, mà chỉ đơn giản nghĩ đó là cách bảo toàn vốn cho yên tâm mà thôi.

* Ông Nguyễn Trường (cựu cán bộ quản lý một công ty nhà nước trụ sở tại Hà Nội):

Tạm thời gửi ngân hàng

Tôi là người trước đây từng tham gia nhiều dự án trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Sau khi nghỉ làm nhà nước, tôi có tư vấn cho một số nhà đầu tư nước ngoài về các dự án đầu tư vào VN. Nhiều năm tích lũy cộng với số vốn lời khi tham gia thị trường chứng khoán ở những thời điểm nóng trước đây, tôi có một số vốn khá. Tuy nhiên, tôi vẫn chia làm nhiều khoản gửi ngân hàng. Mục đích chủ yếu để bảo toàn vốn, lãi suất được hưởng đồng nào hay đồng nấy. Số tiền đó nhằm sử dụng vào những dự án đầu tư trong tương lai. Kênh chứng khoán có khả năng mang lại những khoản lợi nhuận tốt, nhưng nhiều rủi ro, cũng có thể khiến đồng vốn hiện có bị hao hụt nhiều. Hiện gửi ngân hàng, tôi chọn những kỳ hạn gửi 9-12 tháng. Đây là những kỳ hạn có mức lãi suất tiết kiệm tốt nhất.

Lê Minh Hưng: “Giữ VND có lợi nhất”

Theo báo cáo nhanh của các tổ chức tín dụng, sau khi NHNN ban hành các quyết định về lãi suất mới hoàn toàn không có hiện tượng người dân đến rút tiền gửi. Tính đến ngày 21-6, huy động vốn tăng 8,26% so với cuối năm 2012, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 8,32%, tiền gửi VND khu vực dân cư tăng 12,32%. Các con số này cho thấy tiền gửi bằng VND vẫn là kênh lựa chọn của người dân và niềm tin vào VND tiếp tục được củng cố. Trong mấy ngày vừa qua có một bộ phận người dân mua vàng xuất phát từ tâm lý giá vàng trong nước giảm mạnh so với trước đây theo xu hướng giảm của giá vàng thế giới và cho rằng tới đây có thể tăng trở lại.

Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm, giá vàng quốc tế có xu hướng sẽ tiếp tục giảm và do vậy cùng với các biện pháp chính sách của NHNN để tiếp tục ổn định thị trường vàng, giá vàng trong nước cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng này.

Từ đó có thể thấy việc mua vàng trong thời điểm hiện nay hết sức rủi ro và cần phải được cân nhắc thận trọng, đồng thời với mức chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ rất phù hợp hiện tại thì việc nắm giữ VND theo hình thức gửi tiết kiệm là có lợi nhất, đảm bảo an toàn và phòng ngừa rủi ro.

Trên cơ sở diễn biến của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là xu hướng của lạm phát và thị trường tiền tệ, ngày 27-6-2013 NHNN đã tiến hành điều chỉnh giảm cùng lúc trần lãi suất cho vay bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên và trần lãi suất tiền gửi bằng VND, USD, đồng thời điều chỉnh tăng 1% tỉ giá bình quân liên ngân hàng.

Thực chất đây là gói giải pháp tổng thể, đồng bộ về lãi suất và tỉ giá đã được NHNN cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở các khía cạnh. Trong đó việc điều chỉnh giảm trần lãi suất từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm là phù hợp với kỳ vọng lạm phát được kiểm soát dưới 7% trong năm nay và đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền.

Đáng chú ý hiện nay NHNN chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn dưới sáu tháng, còn trên sáu tháng các tổ chức tín dụng thực hiện thỏa thuận trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, do đó người gửi tiền có thể được hưởng mức lãi suất cao hơn khi gửi tiền ở kỳ hạn trên sáu tháng.

Trong lần điều chỉnh này, NHNN giảm trần lãi suất cho vay cao hơn mức giảm của trần lãi suất huy động, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng của hệ thống ngân hàng trong việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo chủ trương của Chính phủ và mục tiêu của NHNN.

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại đã tương đương giai đoạn 2005-2006 (lĩnh vực ưu tiên phổ biến là 7-9%/ năm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác là 9-11%/năm, tỉ trọng các khoản cho vay có lãi suất dưới 13% chiếm khoảng 70%...).

Ngoài ra, xét mối tương quan VND, USD và tỉ giá, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi VND, trần lãi suất USD, tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng và định hướng ổn định tỉ giá với biên độ tối đa 2-3% trong năm 2013 vẫn đảm bảo tính hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, phù hợp với chủ trương chống đôla hóa của Chính phủ, tương quan hợp lý với mức lãi suất quốc tế.

NHƯ BÌNH - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên